Thứ 6, 09/08/2024, 22:28[GMT+7]

Công tác quy hoạch cán bộ: Từ chủ trương... đến hiện thực

Thứ 5, 13/10/2011 | 15:38:43
1,574 lượt xem
Công tác quy hoạch cán bộ giữ vị trí quan trọng trong toàn bộ quy trình đào tạo, bồi dưỡng, cân nhắc, đề bạt... Chỉ có làm tốt công tác quy hoạch mới tránh được lối “ăn xổi, ở thì”, bảo đảm tính công khai dân chủ trong cất nhắc, đề bạt cán bộ.

Ngày 30-11-2004 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/T.Ư về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước. Qua 7 năm thực hiện NQ 42, "cái được" lớn nhất là nhận thức của các cấp ủy, lãnh đạo địa phương, đơn vị... về công tác quy hoạch cán bộ được nâng lên. Đã xây dựng được quy hoạch cán bộ phục vụ cho việc sắp xếp, bố trí cán bộ hàng năm và chuẩn bị nguồn cán bộ cho đại hội Đảng và bầu cử HĐND – UBND các cấp. Tuy nhiên, từ chủ trương đến  diện thực của công tác quy hoạch cán bộ vẫn còn nhiều điều phải bàn.

Sau khi triển khai NQ 42 – NQ T.Ư, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, đánh giá, phân loại, chuẩn bị cho công tác quy hoạch cán bộ. Việc đánh giá cán bộ nhìn chung được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm quy trình, công khai, dân chủ, khách quan. Đây là khâu đầu tiên quan trọng nhất, vì có đánh giá đúng trình độ, năng lực, phẩm chất mới có quy hoạch đúng cán bộ. Thông qua đánh giá thấy rõ những ưu điểm, chiều hướng, triển vọng phát triển; những khuyết điểm và hạn chế, yếu kém của cán bộ để có hướng khắc phục...

Trên cơ sở tiêu chuẩn cán bộ quy định tại NQ Trung ương 3 (khóa VIII) và NQ 42 NQ/T.Ư của Bộ Chính trị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Quyết định số 341 ngày 18/4/2007 quy định tiêu chuẩn đối với 20 chức danh cán bộ lãnh đạo thuộc diện Tỉnh ủy quản lý. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, ban cán sự Đảng, đảng đoàn; các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh... xây dựng và ban hành tiêu chuẩn chức danh cụ thể cán bộ lãnh đạo, quản lý của địa phương, đơn vị mình theo phân cấp quản lý. Đây là căn cứ, cơ sở quan trọng để lựa chọn cán  bộ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn đưa vào quy hoạch các chức danh.

Kết quả, tổng số nguồn quy hoạch ủy viên BCH Đảng bộ xã, phường thị trấn đạt 1,6 lần so với số đương nhiệm. Ủy viên BTV: 1,75 lần, nguồn quy hoạch các chức danh: bí thư, phó bí thư, chủ tịch, phó chủ tịch HĐND – UBND đạt 3 đến 3 nguồn. Cán bộ cấp huyện, nguồn trưởng phòng và tương đương 2 – 4  nguồn; ủy viên BCH Đảng bộ huyện, thành phố; chuyên trách đảng ủy khối trực thuộc tỉnh ủy đạt 1,75 lần; Ủy viên BTV 1,8 lần; bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND  UBND các huyện, thành phố đạt 3 đến 4 nguồn. Cán bộ sở, ban ngành, đoàn thể của tỉnh đề có từ 3 đến 5 nguồn. Nguồn quy hoạch ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh 1,8 lần, BTV: 1,61 lần, chủ chốt có 3 đến 6 đồng chí.

Nhìn chung, cấp ủy các cấp, ban cán sự đảng, đoàn; các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đã thực hiện tốt quy trình, phương pháp quy hoạch cán bộ. Thực hiện tốt việc nhận xét, đánh giá, xây dựng các tiêu chuẩn, chức danh cán bộ... để làm căn cứ quy hoạch. Thực hiện được phương châm “mở” và “động” trong quy hoạch. Tiến hành quy hoạch cán bộ ở cả 3 cấp (cơ sở, huyện và tỉnh). Lấy quy hoạch cán bộ cấp dưới làm cơ sở để xây dựng quy hoạch cán bộ cấp trên; đã phát huy dân chủ trong giới thiệu, phát hiện nguồn bảo đảm cơ cấu, tính kế thừa và phát triển quy hoạch.

Thực tiễn cho thấy kết quả công tác quy hoạch cán bộ giai đoạn 2011 – 2015 so với giai đoạn 2005 – 2010 được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Hầu hết số cán bộ được giới thiệu dự nguồn quy hoạch đều đạt tiêu chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị theo từng chức danh cán bộ.

Có được thành công ấy, nhờ thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ trong nguồn quy hoạch; số này được quản lý như cán bộ đương chức, định kỳ được cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị... nhận xét, đánh giá theo phân cấp quản lý. Hàng năm, căn cứ vào quy hoạch, đối chiếu với tiêu chuẩn, các chức danh  quy hoạch... cấp ủy Đảng, ban cán sự đảng, đoàn, lãnh đạo cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển... Vì vậy, từ năm 2007 đến nay hầu hết các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý được bố trí, bổ sung, kiện toàn... đều nằm trong quy hoạch.

Tại Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2010 – 2015 cho thấy: Cấp tỉnh, cấp huyện 100% cán bộ trúng cử cấp ủy đều nằm trong quy hoạch; Ở cấp xã đạt 98,8%. Bầu cử các chức danh: Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND – HĐND cấp tỉnh, huyện nhiệm kỳ 2011 – 2016 là 100% trúng cử đều nằm trong quy hoạch; cấp xã đạt 95,8%.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác quy hoạch  bộc lộ một số hạn chế, tồn tại như: nhận thức về công tác quy hoạch cán bộ ở một số cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa toàn diện, chưa sát nên công tác chỉ đạo có lúc còn chủ quan, đơn giản, triển khai chậm.  Có những nơi chưa quán triệt kỹ các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn nên lúng túng về phương pháp cách làm; thiếu kiểm tra, đôn đốc cấp dưới trong tổ chức, thực hiện. Quá trình làm quy hoạch còn tình trạng ngại xáo trộn, dàn trải tuần tự, nể nang, không đồng bộ.

Một số địa phương, đơn vị chưa thực hiện tốt phương châm “mở” và “động”.  Vẫn còn khép kín trong công tác  quy hoạch cán bộ, chưa chủ động tạo nguồn, chưa mạnh dạn bổ sung cán bộ từ bên ngoài và nguồn quy hoạch cán bộ của địa phương đơn vị mình... do đó số lượng, chất lượng nguồn quy hoạch chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Mặt khác, công tác đánh giá cán bộ để đưa vào quy hoạch còn yếu; quy trình, phương pháp đánh giá cán bộ chưa khoa học, chậm đổi mới.

Việc rà soát, đánh giá cán bộ trước khi làm quy hoạch tuy đã có bước chuyển tích cực song kết quả đánh giá cán bộ vẫn chưa phản ánh được thực chất chất lượng cán bộ. Một số địa phương, đơn vị chưa ban hành được tiêu chuẩn cụ thể cho từng chức danh cán bộ; có nơi chất lượng cán bộ đưa vào nguồn quy hoạch chưa cao, chưa mạnh dạn đưa cán bộ trẻ, cán bộ nữ vào quy hoạch. Tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ ở cả 3 cấp còn thấp. Một số nơi đưa cán bộ vào nguồn thiếu tính khả thi (quy hoạch treo). Việc thực hiện công khai trong quy hoạch cán bộ ở các cấp còn hạn chế, nhất là danh sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Từ chủ trương quy hoạch cán bộ đến thực hiện vẫn còn là khoảng cách khá xa. Chỉ khi nào sát lại gần hơn thì hiệu quả của công tác quy hoạch mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa