Thứ 6, 09/08/2024, 22:25[GMT+7]

10 năm thực hiện Chiến lược quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ: Phát huy tiềm năng, khẳng định vai trò của phụ nữ

Thứ 6, 14/10/2011 | 15:07:38
1,669 lượt xem
Trong các mục tiêu của Chiến lược quốc gia, việc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm có nhiều tiến bộ. Đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ không ngừng được cải thiện và nâng lên, bản thân người phụ nữ đã từng bước vượt lên, xóa bỏ những định kiến phân biệt đối xử về giới. Vai trò của người phụ nữ trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng được khẳng định.

Giai đoạn 2006 – 2011 bình quân mỗi năm toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 29.100 người, trong đó 64% là lao động nữ.

Theo đánh giá của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) tỉnh Thái Bình, 10 năm qua, trong quá trình triển khai, thực hiện các chương trình, kế hoạch hành động VSTBCPN, hoạt động bình đẳng giới và VSTBCPN trên địa bàn toàn tỉnh luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng thường xuyên của Ủy ban quốc gia VSTBCPN Việt Nam, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương cũng như sự phối hợp của các cấp, các ngành.

Do vậy, các mục tiêu của Chiến lược quốc gia VSTBCPN đã được thực hiện và đạt được những kết quả khá toàn diện, một số mục tiêu vượt kế hoạch đề ra... Đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ không ngừng được cải thiện và nâng lên, bản thân người phụ nữ đã từng bước vượt lên, xóa bỏ những định kiến phân biệt đối xử về giới. Vai trò của người phụ nữ trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng được khẳng định.

Trong các mục tiêu của Chiến lược quốc gia, việc thực hiện quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực lao động, việc làm có nhiều tiến bộ, trong đó có một số chỉ tiêu đã được hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra như giải quyết việc làm mới, tuyển sinh đào tạo nghề.

Có thể nói, sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành đã tạo những điều kiện tốt nhất cho phụ nữ được bình đẳng và có cơ hội tìm việc làm, giảm nghèo bền vững.

Giai đoạn 2006 – 2011 bình quân mỗi năm toàn tỉnh giải quyết việc làm cho 29.100 người thì 64% trong số đó là lao động nữ. 50% trong tổng số lao động được tạo việc làm mới và việc làm thêm cũng là lao động nữ. Trong công tác tuyển sinh đào tạo nghề, quyền bình đẳng của phụ nữ được bảo đảm, tỷ lệ nữ tham gia có xu hướng tăng dần nhờ các ngành nghề được mở rộng, phù hợp với phụ nữ như thêu ren, may công nghiệp, mây tre đan... Phụ nữ còn được tạo điều kiện vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh qua nhiều kênh khác nhau với số dư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Vốn vay được chị em sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho bản thân, gia đình và quá trình phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Ở lĩnh vực giáo dục – đào tạo, chỉ tiêu về tỷ lệ cán bộ, công chức nữ được bồi dưỡng về chính trị, hành chính, tin học, ngoại ngữ được hoàn thành vượt mức cao, như ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (95%), Kho bạc Nhà nước (68,3%), Giáo dục – Đào tạo (59%), Y tế (48%), Lao động – TBXH (45%)... Nhiều ngành, địa phương còn có chính sách riêng (trợ cấp, hỗ trợ kinh phí) nhằm tạo những điều kiện thuận lợi nhất để cán bộ, công chức nữ đi học tập, nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong giai đoạn mới. Bên cạnh đó, công tác đào tạo và đào tạo lại đối với nữ cán bộ, công nhân viên chức, lao động cũng được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, qua đó đã góp phần thực hiện toàn diện các mục tiêu về quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, nâng cao trình độ về mọi mặt cho phụ nữ.

Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe phụ nữ, trẻ em là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Chiến lược quốc gia VSTBCPN. Để thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra, ngành Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho nhân dân gắn với việc cải tạo, nâng cấp, đầu tư mua sắm trang thiết bị cho các cơ sở khám, chữa bệnh và thực hiện đề án về nâng cao y đức, chất lượng nguồn nhân lực của ngành y tế.

Kết quả cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 trên địa bàn tỉnh cho thấy tuổi thọ trung bình của phụ nữ Thái Bình tăng liên tục trong các năm qua, từ 73,8 tuổi năm 1999 lên 77,1 tuổi năm 2009 (con số tương ứng của cả nước là 70,1 và 75,6). Trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ phụ nữ có thai khám thai đủ 3 lần tăng, tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản giảm, tỷ lệ phụ nữ được tiếp cận với dịch vụ y tế đạt 100%.

Đến năm 2010 toàn tỉnh khống chế tỷ lệ phụ nữ mang thai nhiễm HIV ở mức 0,25% (đạt chỉ tiêu đề ra); 97% cơ sở y tế bảo đảm cung cấp thuốc, vật tư thường xuyên cho việc làm mẹ và chăm sóc thai sản; 100% cơ sở y tế có đủ trang thiết bị kỹ thuật phù hợp phục vụ làm mẹ an toàn; 95% cán bộ y tế có đủ thuốc, dụng cụ thiết yếu phục vụ đỡ đẻ sạch, an toàn (đạt chỉ tiêu đề ra). Liên quan đến công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe phụ nữ, toàn tỉnh đã tăng tỷ lệ nam giới tham gia thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại lên 10%.

Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội để tăng số phụ nữ được giới thiệu và bầu tham gia công tác lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành, công tác phát triển đảng viên nữ được các cấp, các ngành, địa phương quan tâm, do vậy tỷ lệ đảng viên nữ trong toàn tỉnh hiện nay chiếm tỷ lệ cao (giai đoạn 2005 – 2010 đạt 58%), đã góp phần quan trọng tạo điều kiện để phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý ở các ngành, các địa phương.

Ban VSTBCPN tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tham mưu cho tỉnh về công tác tổ chức cán bộ chủ động nguồn cán bộ nữ giới thiệu tham gia vào bộ máy lãnh đạo, quản lý, đồng thời bảo đảm chất lượng, tỷ lệ cơ cấu cán bộ nữ trong quy hoạch cán bộ nói chung.

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 – 2016, toàn tỉnh không còn xã, phường, thị trấn nào “trắng” đại biểu nữ, trong đó tỷ lệ đại biểu nữ ở HĐND cấp tỉnh và cấp xã tăng so với nhiệm kỳ trước. Có được kết quả đó, bên cạnh sự chỉ đạo mạnh mẽ không thể không nhắc đến sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp lãnh đạo, của quần chúng nhân dân nói chung và chị em phụ nữ nói riêng.

Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ Thái Bình tham gia công tác lãnh đạo, quản lý nói chung, tỷ lệ phụ nữ tham gia các cơ quan dân cử nói riêng còn thấp so với lực lượng lao động nữ và chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ. Đây là một trong những hạn chế cần được khắc phục để việc thực hiện các mục tiêu VSTBCPN ngày càng đạt được kết quả cao hơn, toàn diện hơn, góp phần phát huy tiềm năng và khẳng định vai trò của phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Minh Sơn

  • Từ khóa