Thứ 7, 27/07/2024, 06:16[GMT+7]

Chợ đêm giữa lòng thành phố

Thứ 5, 20/10/2011 | 14:35:03
12,570 lượt xem
Họp trong khoảng 4 tiếng, từ 2 giờ đêm cho đến 6 giờ sáng, chợ đêm là chợ đầu mối cung cấp rau xanh cho người tiêu dùng trong tỉnh. Hàng ngày chúng ta đi chợ mua rau ăn, thậm chí có nhiều người sống ngay gần chợ nhưng không hề biết chợ hoạt động như thế nào.

Một góc chợ lúc 4 giờ sáng

Lục rục từ 11,12 giờ đêm, bắt đầu là các xe tải chở một số mặt hàng rau từ tỉnh ngoài về, 2 giờ sáng những người bán hàng sớm đã đến chợ. 3 giờ sáng, chợ đã tấp nập kẻ bán, người mua, kéo dài trên đường Đặng Nghiễm bắt đầu từ ngã tư đèn đỏ đến hết khu vực cổng phụ của chợ Bồ Xuyên.

Chị Nguyễn Thị Phượng (xã Vũ Chính, Thành phố), một người bán buôn chuyên nghiệp cho biết chị thu gom rau từ các đầu mối vườn trong chiều hôm trước, khoảng hai giờ đêm chuyển đến chợ. Có khá nhiều người bán buôn là những người thu gom rau từ đầu mối vườn như chị Phượng tại chợ đêm, họ có mặt ở tất cả các huyện. Nắm bắt nhu cầu tiêu thụ của người sản xuất và thị trường của người tiêu dùng, họ là mối trung gian để điều tiết sản phẩm giữa các địa phương, nơi sản xuất và nơi không sản xuất, nơi ít và nơi nhiều.

Cùng với những chủ đầu mối như chị Phượng là những người bán buôn nhỏ hơn. Song một lực lượng khá đông người bán là những người vừa sản xuất, vừa trực tiếp tham gia vào hệ thống tiêu thụ sản phẩm. Chị Phạm Thị Hoa (Đông Hòa, Thành phố) cho biết với 2 sào đất chuyên trồng rau, hoa màu, mùa nào thứ ấy, hết rau nhà, chị "cai" thêm ít nhà trong xã, thu mua ở vườn và bán buôn tại chợ. Chị Hoa cho biết, hồi đầu chị chỉ bán rau của nhà nhưng sau thấy việc bán buôn cũng khá thuận lợi lại thêm gánh nặng nuôi con ăn học nên chị đã quyết định gắn bó với nghề bán buôn đêm hôm này. Sau ít thời gian, bây giờ chị đã trở thành "con ruột" của chợ đêm.

Song hành với người bán là những người mua. Phần lớn họ là những người bán lẻ, đến chợ mua cất rồi bán lại cho người tiêu dùng tại khắp các chợ trong tỉnh. Dù chỉ bán một lượng nhỏ rau tại chợ Cầu Kiến Xương song bà Bùi Thị Lanh (Kỳ Bá, Thành phố) cho biết mỗi ngày bà đều dậy từ 3 giờ sáng, ra chợ chọn mua hàng, mỗi thứ một ít. Đi sớm sẽ chọn được hàng đẹp, phong phú, có vậy mới dễ bán. Bà cho biết đó là nhà bà cũng khá gần chợ, những người ở huyện, phải đi sớm từ 1, 2 giờ. Dù đã ở tuổi gần 60, nhưng một tháng bà Lanh vẫn đi đủ 30 ngày chợ, trừ những ngày mưa bão hay đau yếu. Chồng bà theo nghề đạp xích lô nhưng ông hay rượu nên bà vẫn là người đem lại nguồn thu nhập chính cho cả gia đình.

Anh Nguyễn Minh Quang, nhân viên quản lý chợ cho biết chợ đêm họp đã nhiều năm. Có thời gian, UBND phường đã ra chỉ đạo cấm họp chợ nhưng có lẽ xuất phát từ nhu cầu của cả người bán và người mua mà chủ trương này không thành.

Để bảo đảm tình hình an ninh, trật tự, nhiều năm nay, việc quản lý chợ được giao cho Ban quản lý chợ Bồ Xuyên. Mỗi đêm, có bốn nhân viên làm nhiệm vụ. Cũng theo anh Quang, những người đến chợ là những người lao động thực sự, lại làm việc trong thời gian đặc thù, người bán, người mua đều phải chạy đua với thời gian nên tốc độ làm việc hối hả, bán nhanh, mua cũng nhanh vì vậy ít có sự tranh chấp hay cãi cọ. Tổ bảo vệ chủ yếu đề phòng những kẻ trộm cắp đặc biệt là mấy "chú nghiện" làm liều.

Trong màn đêm tĩnh lặng, dưới ánh đèn đường mờ nhạt, chợ đêm làm ồn ào một góc thành phố đang say ngủ. Tiếng trao đổi bán mua, trả giá lẫn vào âm thanh của đêm, lao xao, rì rầm. Trong hàng nghìn người, có tới 80-90% là phụ nữ. Họ một mình gánh vác công việc vất vả, rất ít người trong số họ có chồng phụ giúp. Mang dáng vẻ tất bật, lam lũ, dưới màn đêm họ như càng lặng lẽ, bằng lòng, nhẫn nại làm người ngoài cuộc bất chợt bắt gặp không thể không nhớ tới câu ca dao: "Thân cò lặn lội bờ sông, gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non…".

Trong từng đấy người, có bao nhiêu người mẹ đã chọn công việc vất vả hôm sớm để nuôi con học đại học, có bao nhiêu người vợ phải giơ đôi vai mỏng để gánh đỡ, chèo chống gia đình? Có người sống gần chợ kể, nhiều đêm thức giấc, nghe tiếng lao xao của chợ vọng đến, cuộn mình trong chăn ấm tự nhiên lại thấy khó ngủ. Đó là lý do tại sao mà mỗi khi gặp cảnh chành chọe của mấy bà hàng chợ, bao giờ chị cũng dễ dàng bỏ qua cho họ.

 

Thu gom rác trả lại sự sạch sẽ cho đường phố

Ngày nắng rồi ngày mưa, ngày oi nóng hay giá rét, âm thanh chợ đêm đã trở thành một phần quen thuộc của thành phố. Sớm tinh sương, nghe tiếng còi tuýt, người sống quanh chợ biết chợ đêm đã tan. Tổ vệ sinh đến quét dọn, trả lại sự sạch sẽ cho đường phố. Bóng dáng của một chợ đêm vừa họp hầu như không còn, có chăng chỉ là những lá rau dập nát còn sót lại trên mặt đường. Nhiều người hàng ngày vẫn đi qua đoạn đường đó cũng hề hay biết đó chính là chợ đêm vừa tan.

Cuộc sống luôn vận hành nhịp nhàng, hối hả. Có khi nào giữa những giây phút vui say ăn uống, bạn dừng lại tự hỏi không biết những thứ ta ăn hàng ngày đã đến với mỗi gia đình như thế nào. Cuộc sống cũng còn cần lắm những suy ngẫm, trăn trở. Có rất nhiều người, những người vợ, người mẹ một đời lam lũ, một ngày mới của họ đã bắt đầu từ khi tất thảy chúng ta còn chưa thấy ánh sáng mặt trời.

       Trần Thu Hương

 
  • Từ khóa