Thứ 6, 09/08/2024, 22:26[GMT+7]

Đổi mới hoạt động truyền thông Đề án "Kiểm soát dân số vùng biển, ven biển" - Cách làm hay, tín hiệu tốt

Thứ 2, 31/10/2011 | 14:08:42
1,452 lượt xem
Khi các hoạt động truyền thông bằng panô, khẩu hiệu, tư vấn… đã trở nên quen thuộc cho người dân vùng biển Thái Bình, thì một số hình thức truyền thông mới đang tích cực triển khai được người dân tiếp nhận rất nhiệt tình.

Phát tờ rơi tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ vùng biển.

Tiền Hải cùng với Thái Thụy là 2 huyện nằm trong Đề án "Kiểm soát dân số vùng biển và ven biển" (Đề án 52) được triển khai từ năm 2009. Là 2 huyện có số giáo dân đông của tỉnh, tỷ lệ sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 có chiều hướng gia tăng..., nhận thấy những khó khăn này, trong những năm qua, Chi cục DS-KHHGĐ Thái Bình và Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Tiền Hải và Thái Thụy tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, với mong muốn tạo ra một diện mạo mới và thực hiện tốt công tác dân số KHHGĐ cho vùng quê biển này.

Hoạt động truyền thông được xem là một trong những hoạt động mang lại hiệu quả. Ngoài việc tuyên truyền tại hội nghị, tư vấn nhóm nhỏ... thì hình thức truyền thông lưu động được tích cực triển khai. Tại các buổi truyền thông lưu động, đoàn xe với panô, khẩu hiệu, băng zôn, loa phát thanh đi khắp các trục đường liên xã để tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ. Cán bộ dân số cơ sở xuống tận tàu thuyền, các bãi nuôi trồng thuỷ hải sản, các khu du lịch (Cồn Vành, Đồng Châu-Tiền Hải) để tuyên truyền về các biện pháp kế hoạch hoá gia đình, các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản, phát thuốc tránh thai, bao cao su, tờ rơi cho khách du lịch và bà con ngư dân.

Mục đích của hoạt động này là tuyên truyền các kiến thức về lĩnh vực dân số - KHHGĐ, qua đó kiểm soát quy mô và chất lượng dân số của các xã vùng biển và ven biển, nhằm duy trì mức sinh thay thế, tiến tới ổn định quy mô dân số, nâng cao chất lượng dân số.

Cùng với tuyên truyền lưu động thì hình thức sân khấu hoá thông qua kịch, tấu, hài, tiểu phẩm vui về công tác dân số đang hoạt động ngày càng có hiệu quả. Nhận thấy quanh năm bộn bề với nghề biển cùng những chuyến đi biển dài ngày, những vụ thu hoạch ngốn hết thời gian của ngư dân nên việc học, tiếp nhận kiến thức văn hóa, xã hội, trong đó có kiến thức về lĩnh vực dân số, sức khỏe sinh sản là việc khó khăn. Hơn nữa, người dân có tâm lý thích sinh đông con, nhất là con trai để có người đi biển, có thêm nhân lực làm kinh tế gia đình... đã dẫn tới tình trạng bất bình đẳng giới khá nghiêm trọng. Tại một số xã ven biển trong tỉnh, tỷ lệ chênh lệch giới tính ở trẻ sơ sinh giữa trẻ em nam và nữ khá cao: Thụy Sơn (Thái Thụy) 220/100; Thụy Lương (Thái Thụy) 173/100.

Trong năm 2009 và 2010 Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Dân số-KHHGĐ 2 huyện biển Tiền Hải, Thái Thụy tổ chức được 12 đêm biểu diễn văn nghệ tại các xã biển. Mặc dù chỉ xoay quanh đề tài dân số, một lĩnh vực vừa khô, vừa khó; song với sự thể hiện hài hước qua một vài tấu chèo, bà con vẫn cười nghiêng ngả.

Nhiều thông điệp về việc trọng nam kinh nữ dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh, vấn đề nâng cao chất lượng dân số cũng được cụ thể hóa qua nhiều tiểu phẩm. Anh Bùi Như Quang, cán bộ chuyên trách dân số xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải cho biết: Nội dung của các tiết mục văn nghệ đa dạng, phong phú, dễ tiếp nhận nên được bà con hồ hởi đón nhận.

Sau 2 năm triển khai Đề án cùng với những đổi mới về hoạt động truyền thông, công tác DS-KHHGĐ tại vùng biển Tiền Hải và Thái Thụy đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhận thức của người dân về sức khỏe sinh sản và các bệnh lây truyền qua đường tình dục được nâng cao thể hiện qua các đợt chiến dịch, số chị em phụ nữ đến khám ngày càng đông, tỷ lệ sinh con thứ 3 đã giảm. Trong 6 tháng đầu năm 2011, tỷ lệ sinh con thứ 3 huyện Tiền Hải là 21,1% giảm 0,7% so với cùng kỳ, Thái Thụy là 12,35% giảm 0,35% so với cùng kỳ năm 2010. Số chị em phụ nữ bị viêm nhiễm đường sinh sản có chiều hướng giảm, tại 10 xã triển khai mô hình Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em và KHHGĐ đã khám phụ khoa cho 12.916 chị em, đạt 153% kế hoạch; điều trị 6.720 chị em, đạt 88% kế hoạch;  vận động 12 ca đình sản…

Đánh giá về những kết quả đạt được, Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Thái Thụy chia sẻ: Chỉ sau hai năm thực hiện Đề án biển, công tác dân số của các xã trong huyện đã có nhiều chuyển biến. Người dân đã ý thức hơn trong việc nâng cao chất lượng dân số, biết  tự chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình, được tiếp cận với các dịch vụ y tế xã hội cơ bản... Đây là một động lực to lớn thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội, khẳng định ưu thế kinh tế biển của địa phương, góp phần triển khai công tác dân số một cách toàn diện, đồng bộ, có hiệu quả...

Nguyễn Mạnh Cường
(Chi cục DS-KHHGĐ Thái Bình)

 

  • Từ khóa