Thứ 6, 09/08/2024, 22:25[GMT+7]

Xuất khẩu lao động và những mái nhà không bình yên

Thứ 5, 03/11/2011 | 08:25:12
4,154 lượt xem
Những mái nhà không bình yên, thậm trí tan vỡ vì có người đi xuất khẩu lao động đang ngày càng phổ biến, tình cảm vợ chồng rạn nứt, và những đứa con không có chỗ dựa vững chắc về tinh thần, tự phá hủy tương lai tươi sáng của mình bằng những cuộc chơi vô độ, không điểm dừng.

Ảnh mang tính minh họa. Nguồn Internet

Xuất khẩu lao động đang là giải pháp hữu hiệu trong giải quyết lao động dư thừa và một hướng xóa đói giảm nghèo. Đã nhiều năm qua, Thái Bình trở thành tỉnh có tỷ lệ người đi xuất khẩu lao động cao (trên 20 nghìn người), đa số là nữ. Theo kết quả nghiên cứu của tổ chức Health Birdge Canada và Trung tâm nghiên cứu phụ nữ thuộc Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam thì khoảng 73% gia đình ở Thái Bình có người đi xuất khẩu lao động thu nhập, đời sống kinh tế, điều kiện nhà ở, tiện nghi sinh hoạt, chất lượng cuộc sống đều được nâng lên, tuy nhiên, tính bền vững của gia đình thì lại có chiều hướng giảm sút.

 

Những giấc mơ đổi đời

 

Là con cả trong một gia đình khó khăn, đông anh em, đến lúc anh Phương lấy vợ, sinh con, cảnh nhà càng thêm túng quẫn, chật chội. Lúc đó, nhiều người ở cái xã cửa ngõ phía Tây của tỉnh có xu hướng chọn con đường xuất khẩu lao động làm cách thoát nghèo, anh Phương cũng chấp nhận cảnh gà trống nuôi con để cô vợ trẻ sang Đài Loan lao động kiếm tiền.

 

Không biết chị Lan làm việc ở xứ người vất vả đến mức nào, lương tháng bao nhiêu, nhưng chỉ mấy tháng sau anh Phương đã có tiền hùn cùng bạn mua ô tô chở hàng thuê, số tiền hàng trăm triệu đồng vay mượn của người thân đóng cho công ty môi giới người đi xuất khẩu lao động cũng nhanh chóng được trả hết. Rồi chưa hết thời hạn hợp đồng, chị Lan bất ngờ trở về nước trong sự ngỡ ngàng, sung sướng của 3 bố con anh Phương. Sau vài tuần tiệc tùng linh đình mừng chị trở về, anh chị bắt tay vào việc mua đất, xây ngôi nhà 3 tầng, sắm sanh tiện nghi sinh hoạt đắt tiền và đầu tư mở cửa hàng mua bán điện thoại di động ngay tại nhà. Đi xuất khẩu, chịu thiệt thòi về tình cảm một chút mà đưa cả gia đình thoát nghèo, sống sung túc như chị Lan thì ai chẳng muốn.

 

Còn hai vợ chồng chị Ánh Tuyết (Thành phố Thái Bình), cố gắng mãi mà vẫn không tiết kiệm được đồng nào để mua nhà ra ở riêng, thấy một số người nhờ đi lao động xuất khẩu mà có của ăn, của để, chị Tuyết cũng đành ngậm ngùi, gạt nước mắt tiễn chồng sang lao động ở Đài Loan.  Chị để chồng đi một phần do đứa con gái còn quá nhỏ, một phần vì chồng chị là người hiền lành, chất phác, sở hữu một vẻ bề ngoài không ưa nhìn, có xa vợ con cũng chẳng cô nào thèm nên chị hoàn toàn yên tâm. Vò võ một mình, bỏ qua mọi lời tán tỉnh, đùa cợt của những gã đàn ông, chị tìm niềm vui trong công việc, chú tâm nuôi dạy con và mơ về một ngôi nhà khang trang, đầy ắp tiếng cười con trẻ, có bàn tay chăm sóc của người chồng.

 

Và những mái nhà không bình yên

 

Bận bịu, vất vả với việc xây nhà, mua sắm đồ chuẩn bị cho một cuộc sống mới đủ đầy, có vợ đẹp, con khôn và tiền bạc dư dả, anh Phương không còn thời gian suy ngẫm về những lời nghi hoặc của người thân và làng xóm về món tiền kếch xù mà vợ anh mang về, cũng như những cuộc nói chuyện điện thoại hàng giờ của vợ với ai đó. Chỉ tới ngày khai trương cửa hàng điện thoại di động, tận mắt chứng kiến vợ cười nói vui vẻ, tay trong tay với người đàn ông Đài Loan sang trọng bước ra từ chiếc xe ô tô con, anh mới đau đớn nhận ra sự thật phũ phàng: chị Lan và ông chủ người Đài Loan là nhân tình của nhau từ lâu rồi, ông ta hứa cho chị tiền xây nhà, mở cửa hàng cho chồng con để chị đồng ý tiếp tục sang đó sống cảnh “già nhân ngãi, non vợ chồng” với ông ta.

 

Cuộc ly hôn chóng vánh diễn ra, từ bỏ quyền làm mẹ, chị Lan vui vẻ theo người đàn ông không đồng ngôn ngữ sang Đài Loan để tiếp tục cuộc sống giàu sang. Hai cô con gái đang ở độ tuổi nhạy cảm, lại thiếu sự quan tâm, chăm sóc của người mẹ, tấm gương xấu của mẹ chúng, hàng ngày chứng kiến cảnh bố chán đời lao vào cờ bạc, rượu chè bê tha, bồ bịch linh tinh nên học hành sa sút, ăn chơi đua đòi. Hậu quả là cô chị mới học lớp 10 một năm nạo phá thai 2 lần, cô em theo cô chị yêu đương nhăng nhít. Ngôi nhà to, đẹp vốn là ước mơ của bao người giờ bao phủ bởi bầu không khí u ám, buồn tẻ.

 

Ở đời không ai học được chữ ngờ, thời gian lao động ở xứ hoa anh Đào,  chồng chị Tuyết đã ngã vào vòng tay của một người phụ nữ khác cũng đang thiếu thốn tình cảm như anh và có với nhau một đứa con trai. Anh biết mình có lỗi với chị nhưng không dứt tình được, đành theo tình. Đến khi anh về nước, kể hết mọi sự tình, quỳ xuống xin chị tha thứ và chấp thuận ly dị, chị mới ngã ngửa người ra. Những ngày tháng mòn mỏi chờ chồng, tưởng ngày xum họp sẽ đong đầy hạnh phúc, nào ngờ tiền mua nhà ra ở riêng cũng không có, chồng bỏ đi theo người khác, còn hai mẹ con phải duy trì cuộc sống trong những ngôi nhà trọ chật chội. May mà chị có cô con gái ngoan ngoãn, học giỏi, biết yêu thương mẹ sưởi ấm tâm hồn cô đơn.  

 

Trường hợp gia đình anh Nguyễn Văn Biền (Thị trấn Tiền Hải) đáng buồn hơn cả. Làm nghề sửa chữa xe đạp, xe máy suốt ngày lấm lem dầu mỡ, tiền kiếm chẳng được là bao, định chạy vạy đi xuất khẩu lao động để đổi đời nhưng mới bước chân lên Hà Nội học tiếng Hàn Quốc, anh đã phải lòng một cô gái khác, chị vợ biết khuyên can, đã không nghe anh còn đánh đập, lăng mạ, uất quá chị bế con bỏ đi biệt tích. Cô bồ, nghe tin anh trắng tay vì đường dây lừa đảo môi giới người đi xuất khẩu lao động bị bắt liền lặn luôn. Thế là chưa kịp đi xuất khẩu lao động, cuộc đời anh đã gặp sự cố đổi thay, đổi từ một người có gia đình hạnh phúc thành người nợ nần ngập đầu, gia đình ly tán. 

 

Những mái nhà không bình yên, thậm trí tan vỡ vì có người đi xuất khẩu lao động đang ngày càng phổ biến, tình cảm vợ chồng rạn nứt, và những đứa con không có chỗ dựa vững chắc về tinh thần, tự phá hủy tương lai tươi sáng của mình bằng những cuộc chơi vô độ, không điểm dừng. Khi hạnh phúc gia đình trở nên mong manh, chúng ta thường đổ lỗi cho xuất khẩu lao động mà không chịu thừa nhận rằng sự sống thiếu trách nhiệm với nhau, thiếu bản lĩnh để vượt qua những cám dỗ đời thường, sống buông thả, cùng quan niệm sai lệch của những người trong cuộc mới là nguyên nhân chính tác động đến sự bền vững của gia đình.  

 

Đỗ Hiền

 

 

  • Từ khóa