Thứ 6, 09/08/2024, 22:20[GMT+7]

"Ứng xử hay, tay nghề giỏi" - nỗi mong chờ của người bệnh

Thứ 3, 08/11/2011 | 08:04:48
1,318 lượt xem
Hội thi điều dưỡng giỏi toàn ngành Y tế Thái Bình vừa khép lại, nhưng nhiệm vụ chăm sóc người bệnh vẫn đang diễn ra mỗi ngày. Biến thông điệp "ứng xử hay, tay nghề giỏi" thành hành động, thành hình ảnh quen thuộc, đẹp đẽ về người thầy thuốc trong lòng nhân dân chính là yêu cầu mà Ban tổ chức hội thi đặt ra. Điều này không chỉ là yêu cầu của ngành đối với mỗi cán bộ y tế mà cũng là nỗi mong chờ từ rất lâu của mỗi người khi đến bệnh viện.

Một trong những ca mổ cấp cứu bệnh nhân của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Ảnh: Minh Đức

"Ứng xử hay, tay nghề giỏi", đó là chủ đề của hội thi điều dưỡng giỏi toàn ngành Y tế Thái Bình vừa được tổ chức cuối tháng 10. Bắt đầu từ hội thi cấp cơ sở ở 23 đơn vị khám chữa bệnh với 1130 điều dưỡng, nữ hộ sinh tham gia; 40 thí sinh xuất sắc đại diện cho đội ngũ điều dưỡng toàn tỉnh đã hội tụ về hội thi cấp tỉnh.

Chuẩn bị chu đáo, tổ chức trang trọng, các thí sinh đã đến hội thi trong sự quan tâm và cổ vũ nhiệt tình của các đồng nghiệp. Với ba phần thi: lý thuyết, thực hành, ứng xử, bài thi lý thuyết 150 câu hỏi trắc nghiệm trên máy tính, thời gian làm bài 50 phút là một bài thi khá căng thẳng, đòi hỏi người làm phải có kiến thức rộng và sâu mới hoàn thành tốt. Xứng đáng là 40 cán bộ điều dưỡng tiêu biểu trong tổng số hàng nghìn cán bộ điều dưỡng trong ngành, cả 40 thí sinh đều đạt điểm giỏi, trong đó có 11 thí sinh đạt điểm tối đa.

Phần thi thực hành là phần thi sôi nổi và gay cấn nhất. Cũng với thời gian 50 phút, song mỗi thí sinh phải chạy đủ 10 trạm (mỗi trạm 5 phút) chính là 10 kỹ thuật thực hành cơ bản tại bệnh viện ở nhiều lĩnh vực nội, ngoại, sản, nhi… Đây là một yêu cầu rất cao với người cán bộ điều dưỡng, đỏi hỏi họ không chỉ thành thạo trong chuyên ngành của mình mà còn phải thành thạo trong cả các chuyên ngành khác.

Thạc sỹ Lê Văn Dũng, Trường Cao đẳng Y tế, giám khảo của trạm thi "Tiêm bắp sâu" đánh giá kỹ thuật của các thí sinh khá đồng đều. Từng tham gia làm giám khảo từ hội thi năm 2006, anh cũng cho biết: Khác với đợt trước, hội thi lần này chú trọng hơn đến vấn đề vô khuẩn và giao tiếp với người bệnh bởi cả hai vấn đề này đang là những đòi hỏi quan trọng trong công tác bệnh viện. Hầu hết, các thí sinh đều thể hiện được tinh thần đó.

Một nội dung lần đầu tiên được đưa vào hội thi đó là "Tư vấn cho bà mẹ nhiễm HIV sau sinh con". Đây là một nội dung mới, tuy nhiên theo đánh giá của bác sỹ Nguyễn Văn Huỳnh và Phạm Thị Ánh Tuyết, hai giám khảo đến từ Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, các thí sinh có kiến thức vững và khá sâu sắc về lĩnh vực này. Cũng như phần thi lý thuyết, phần thi thực hành các thí sinh cũng đạt điểm cao với 38/40 đạt điểm giỏi, trong đó có 24 thí sinh đạt điểm xuất sắc.

Phần thi ứng xử là phần chung kết của hội thi với 15 thí sinh đạt điểm cao nhất của hai phần thi trước được chọn tham gia. Phần thi ứng xử gồm một tình huống và câu hỏi phụ. Đây là các tình huống, sự việc hay gặp trong công việc chăm sóc người bệnh hàng ngày tại bệnh viện, giữa cán bộ y tế với người bệnh, giữa đồng nghiệp với đồng nghiệp, giữa cán bộ y tế với người nhà người bệnh.

"Thực hành "Quy tắc ứng xử" là một trong những vấn đề trọng tâm mà ngành đang thực hiện. Bạn được nghe bệnh nhân phản ánh về thái độ ứng xử không tốt của một đồng nghiệp với người bệnh. Trong tình huống đó, bạn sẽ giải quyết như thế nào?- Thay mặt người đồng nghiệp của mình, trước hết tôi thành thật xin lỗi người bệnh, cám ơn vì sự đóng góp ý kiến của họ, hứa sẽ góp ý với đồng nghiệp của mình để rút kinh nghiệm. Sau đó tôi sẽ gặp đồng nghiệp của mình, chân thành góp ý, nhắc lại "quy tắc ứng xử" của người cán bộ y tế. Bằng sự chân thành của mình, tôi tin đồng nghiệp của tôi sẽ nhận ra cái sai của mình để sửa...". Đó chính là tình huống được đưa ra và câu trả lời của thí sinh Trương Minh Chuyên, Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Với câu trả lời này, thí sinh Trương Minh Chuyên đã giành giải nhất trong phần thi ứng xử của Hội thi, đồng thời giành giải nhất chung kết hội thi.

Cũng theo đánh giá của Ban giám khảo, hầu hết các thí sinh đã có câu trả lời ứng xử trong giải quyết các tình huống hợp lý và có sức thuyết phục cao, thể hiện sự thay đổi trong tư duy của đội ngũ cán bộ y tế trong giao tiếp hàng ngày ở bệnh viện hiện nay. Cũng với phần đánh giá này, đã có 12 thí sinh đạt loại giỏi.

Là đợt tổng kiểm tra kiến thức, kỹ năng tay nghề của đội ngũ điều dưỡng toàn ngành, qua hội thi cũng phần nào phản ánh chất lượng chuyên môn của mỗi đơn vị. Xứng đáng là anh cả, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã giành giải cao trong hội thi với giải nhất tập thể, một giải nhất, một giải nhì, một giải ba cá nhân. Bệnh viên Đa khoa Tiền Hải và Bệnh viện Nhi, đồng giải nhì tập thể và một giải ba cá nhân. Bệnh viện Đa khoa tư nhân Lâm Hoa lần đầu tiên có thí sinh tham gia hội thi đã giành một giải nhì cá nhân. Đặc biệt, hai đơn vị Bệnh viện Đa khoa Nam Tiền Hải và Bệnh viện Đa khoa Phụ Dực là các bệnh viện khu vực cũng đã giành giải tập thể và cá nhân trong hội thi.

Bác sĩ Trần Hữu Liêm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hưng Nhân cho biết: Trong suốt quá trình theo dõi các thí sinh tham gia thi, ông đã đánh giá được trình độ chuyên môn, tay nghề của cán bộ mình cũng như của các đơn vị bạn. Mặc dù không đạt giải cao trong hội thi, song ông vẫn vui vì đây chính là dịp để mỗi cán bộ của mình có dịp học hỏi, từ đó nâng cao kiến thức chuyên môn. Người xưa vẫn dạy "Biết người biết ta…", từ hội thi này, đơn vị sẽ có kế hoạch tiếp tục đào tạo, nâng cao kỹ năng, tay nghề cho đội ngũ cán bộ trong thời gian tới.

Hội thi điều dưỡng giỏi toàn ngành y tế đã khép lại, nhưng nhiệm vụ chăm sóc người bệnh vẫn đang diễn ra mỗi ngày. Biến thông điệp "ứng xử hay, tay nghề giỏi" thành hành động, thành hình ảnh quen thuộc, đẹp đẽ về người thầy thuốc trong lòng nhân dân chính là yêu cầu mà Ban tổ chức hội thi đặt ra. Bác sỹ Đỗ Thanh Giang, Phó giám đốc Sở Y tế phát biểu: "Toàn ngành hy vọng và mong muốn mỗi thí sinh đạt giải, ngay sau khi trở về đơn vị sẽ phát huy những thành tích đạt được áp dụng vào công việc hàng ngày để thực sự trở thành những hạt nhân trong phong trào học tập và rèn luyện, quyết tâm phấn đấu xây dựng hình ảnh người cán bộ y tế "Thầy thuốc như mẹ hiền". Điều này không chỉ là yêu cầu của ngành đối với mỗi cán bộ y tế mà cũng là nỗi mong chờ từ rất lâu của mỗi người khi đến bệnh viện”. 

Trần Thu Hương

      Trần Thu Hương

 

 

  • Từ khóa