Thứ 7, 03/08/2024, 11:20[GMT+7]

Ủy ban MTTQ VN tỉnh Thái Bình Tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động 04, gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh

Thứ 2, 14/11/2011 | 15:06:44
1,690 lượt xem
Phát huy những thành quả đạt được trong 15 năm qua, ngày 6/9/2010, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam đã triển khai Đề án “Tiếp tục nâng cao chất lượng cuộc vận động (CVĐ) “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”.

Một góc khu đô thị Thành phố Thái Bình. Ảnh: Thành Tâm

Nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập MTDTTN và ngày hội Đại đoàn kết toàn dân (18-11), chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Thái Hùng- Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN tỉnh. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Phóng viên: Thưa ông, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” được MTTQ các cấp trong tỉnh triển khai sâu rộng tới các thôn, làng, tổ dân phố, 15 năm qua đã đạt được những kết quả gì?

Ông Nguyễn Thái Hùng: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” nay là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” được triển khai ở tỉnh Thái Bình từ năm 1995. Năm 2011, toàn tỉnh có 2059 thôn, tổ dân  phố và 1989 Ban công tác mặt trận (BCTMT). Cuộc vận động đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động, như: Cho vay không lấy lãi, liên doanh, liên kết; làm đổi công, bán vật tư hoặc làm đất trả chậm, giúp đỡ nhau về vốn, giống, kỹ thuật, kinh nghiệm làm ăn, tạo việc làm tại chỗ...... với số tiền bình quân mỗi năm trên 40 tỷ đồng. Các đoàn thể nhân dân đã tín chấp cho hội viên vay vốn của các Ngân hàng trên 450 tỷ đồng. BCTMT ở khu dân cư (KDC) đó vận động nhân dân và nội ngoại tộc đóng góp 18,16 tỷ đồng, trên 24.300 ngày công, tham gia xây dựng  gần 12.000  “Nhà đại đoàn kết” tặng hộ nghèo.

Động viên mọi người giữ gìn thuần phong mỹ tục, phong tục tập quán tốt đẹp của mỗi khu dân cư; xây dựng  nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, đẩy lùi hủ tục lạc hậu và tệ nạn xã hội, cải thiện đời sống văn hoá. Có 1.164 khu dân cư đã tổ chức vận động nhân dân bàn bạc đóng góp xây dựng được Nhà văn hoá thôn, tổ dân phố; Có 623 khu dân cư (KDC) thành lập được các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ.1.046 khu tiếp tục đóng góp 20,6 tỉ đồng xây dựng, nâng cấp, sửa chữa đường làng ngõ phố; trồng cây xanh bóng mát, bảo tồn các di tích lịch sử - văn hoá và cây cổ thụ; 1.283/2.048 khu dân cư đã có phong trào tự quản về xử lý rác thải, nước thải. 

Việc tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân” vào dịp kỷ niệm ngày thành lập MTDTTNVN đang từng bước trở thành nền nếp. 5 năm qua, có 1736/1998 KDC tổ chức được ngày hội, thu hút 1.200 nghìn lượt người tham dự, trên 178 nghìn lượt gia đình văn hóa tiêu biểu được tuyên dương, khen thưởng và trên 1000 KDC tổ chức tốt cả phần lễ và phần hội. Đẩy mạnh các hoạt động khuyến học, khuyến tài; đóng góp tích cực vào chương trình Dân số, gia đình & trẻ em và bảo vệ môi trường.

Bằng các phong trào thi đua phụng đạo yêu nước, chức sắc và tín đồ các tôn giáo đã tích cực hưởng ứng CVĐ bằng nhiều việc làm thiết thực, như: Tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo; "Xoá nhà ở dột nát cho hộ nghèo", phòng chống tội phạm và các TNXH; giáo dục cảm hoá người lầm lỗi; hoà giải những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân... Hàng năm, có 25-30% chùa và 23-25%, xứ họ giáo đạt tiêu chuẩn "4 gương mẫu"; 93 chùa đạt liên tục 5 năm trở lên; 19 họ giáo 5 năm liền không có người sinh con thứ 3.

Phong trào khuyến học, khuyến tài ở mỗi dòng họ, khu dân cư, đã phát triển rộng khắp, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài, xây dựng xã hội học tập, phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, chăm lo phát triển con người trong thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước. Động viên nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng và giám sát các hoạt động của Chính quyền; xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh, gắn bó với nhân dân.

Phóng viên:  Việc triển khai hiệu quả Đề án sẽ tiếp tục góp phần quan trọng thực hiện các chỉ tiêu kinh tế- xã hội, an ninh, quốc phòng, nhất là đẩy nhanh quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Vậy mục tiêu chủ yếu Đề án hướng tới là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Thái Hùng: 6 mục tiêu chủ yếu mà Đề án hướng tới là:
1- Xây dựng KDC đoàn kết, tương trợ, hỗ trợ nhau giống, vốn, tạo việc làm, phổ biến kinh nghiệm phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững với mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.

2- Giảm số hộ nghèo mỗi năm 1-2%. Phấn đấu hầu hết các KDC không có hộ nghèo thiếu ăn; không có nhà ở dột nát.

3- Phấn đấu hạ tỉ lệ người sinh con thứ ba xuống dưới 10% số sinh.

4- Hàng năm, 100% số hộ gia đình đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”; 100% số KDC đăng ký phấn đấu đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hoá”. Đến năm 2015 và 2020 có từ 70%- 80% số gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hoá”, 50% - 75% số KDC đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hoá.

5- Động viên nhân dân phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, phòng chống tội phạm, cảm hóa giáo dục người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư. Phấn đấu xây dựng KDC: không có tội phạm; không phát sinh và đẩy lùi tệ nạn xã hội;  100% số KDC xây dựng và thực hiện Quy ước, hương ước thôn, làng; 100% số KDC xây dựng được phong trào tự quản về an ninh trật tự, bảo đảm an toàn giao thông, bảo vệ môi trường.

6- Hàng năm có 100% số KDC tổ chức tốt  “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân”.

Phóng viên: Đề án có những đổi mới như thế nào về nội dung, hình thức công nhận và khen thưởng các danh hiệu thi đua? Tiêu chuẩn để đạt danh hiệu thi đua được quy định cụ thể ra sao?

Ông Nguyễn Thái Hùng: Cuộc vận động được điều chỉnh, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và Luật Thi đua khen thưởng chuyển thành 05 nội dung sau:
 - Đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.
- Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chăm lo sự nghiệp giáo dục; chăm sóc sức khỏe, thực hiện dân số kế hoạch hóa gia đình.
- Đoàn kết xây dựng môi trường cảnh quan sạch đẹp.
- Đoàn kết phát huy dân chủ, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh
- Đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng; phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Tương thân, tương ái”.

Trước đây CVĐ có 2 danh hiệu thi đua là “Khu dân cư tiên tiến” và “Gia đình văn hóa”, nay đổi thành “Khu dân cư văn hóa” và “Gia đình văn hóa”. Hàng năm, các hộ gia đình và các khu dân cư đăng ký phấn đấu thực hiện.

Phóng viên: Xin ông cho biết những giải pháp chủ yếu Ủy ban MTTQVN tỉnh sẽ triển khai trong thời gian tới để thực hiện Đề án gắn với xây dựng nông thôn mới là gì?

Ông Nguyễn Thái Hùng: Để tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng CVĐ 04, thời gian tới, MTTQ các cấp tập trung làm tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
- Tổ chức quán triệt, triển khai và tập huấn cho cán bộ về thực hiện Đề án gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 và mục tiêu xây dựng đô thị văn minh theo phân cấp

 - Phối hợp với các cơ quan thông tin báo chí đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, ý nghĩa, mục tiêu, nội dung và giải pháp của Đề án; giá trị văn hoá, truyền thống lịch sử của dân tộc nói chung và của mỗi thôn làng nói riêng; nâng cao ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cán bộ đảng viên và nhân dân trong việc xây dựng "Gia đình văn hoá", "Khu dân cư văn hoá" đến từng người dân, hộ gia đình và toàn xó hội.

-  Tiếp tục kiện toàn các Ban vận động thực hiện CVĐ. Hàng năm, MTTQ các cấp hướng dẫn và giúp đỡ các Ban công tác Mặt trận KDC xây dựng kế hoạch, động viên nhân dân phấn đấu thực hiện từng nội dung, từng mục tiêu cụ thể, phấn đấu xây dựng "Gia đình văn hoá" và "Khu dân cư văn hóa".

- Gắn kết chặt chẽ việc thực hiện Đề án với Pháp lệnh thực hiện dân chủ, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt hương ước, quy ước thôn , tổ dân phố; xây dựng nếp sống tự quản, đề cao ý thức trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình trong việc thực hiện cuộc vận động.

- Tăng cường công tác chỉ đạo điểm, phát hiện, bồi dưỡng và nhân điển hình. MTTQ cấp tỉnh, cấp huyện lựa chọn một số xó, phường, thị trấn và  mỗi xó, phường, thị trấn chọn 1-2 KDC để hướng dẫn làm điểm, tổ chức rút kinh nghiệm, nhân ra diện rộng.

- Hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày thành lập MTDTTNVN (18/11) tổ chức tốt “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân” ở các KDC cả phần hội và phần lễ; lựa chọn KDC làm điểm, mời các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể cùng tham dự.

- Chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, sơ kết, tổng kết thực hiện CVĐ, kịp thời uốn nắn, rút kinh nghiệm, bổ sung nội dung, đổi mới phương thức hoạt động, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Xin chân thành cảm ơn ông!
Thực hiện: Đỗ Hiền


  • Từ khóa