Thứ 6, 09/08/2024, 22:20[GMT+7]

Chăm sóc điều trị HIV/AIDS ở Thái Bình Mang niềm tin đến với bệnh nhân HIV/AIDS

Thứ 6, 18/11/2011 | 15:56:36
1,348 lượt xem
Công tác chăm sóc, điều trị HIV/AIDS đang rất cần sự quan tâm, ủng hộ, sự vào cuộc của toàn xã hội và cộng đồng.

Hỗ trợ dinh dưỡng cho bệnh nhân HIV/AIDS. Ảnh: Thành Tâm

Điều gì đã đưa anh đến với vai trò chủ nhiệm câu lạc bộ những người có H, một câu lạc bộ lớn nhất và hoạt động cũng mạnh nhất tại Thái Bình hiện nay?”. “Có lẽ chính từ sau khi mình đến với phòng khám ngoại trú HIV/AIDS đặt tại Khoa truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa tỉnh. Mình biết ơn vô cùng bác sỹ Ngọc và các bác sỹ, cán bộ trong khoa. Sự tận tâm mà họ dành cho những người tưởng chẳng còn gì như mình đã không chỉ cho mình sức khoẻ mà còn cho mình niềm vui và niềm tin trở lại. Động lực này đã hối thúc mình phải làm một việc gì đó...”. Đó là lời tâm sự chân thành của một chủ nhiệm câu lạc bộ những người nhiễm HIV/AIDS trong tỉnh. Không phải chỉ có anh, rất nhiều người nhiễm đều khẳng định ý nghĩa của chương trình chăm sóc và điều trị HIV/AIDS.

Bắt đầu triển khai từ năm 2003 với sự thành lập và đi vào hoạt động của Phòng khám ngoại trú tại Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện đa khoa tỉnh. Từ những con số ít ỏi chỉ vài người nhiễm HIV/AIDS đến với phòng khám, thời gian đầu, phòng khám cũng chỉ gói nhỏ trong thực hiện điều trị nhiễm trùng cơ hội. Mặc dù vậy, tiếng lành vẫn cứ đồn xa, số người nhiễm HIV/AIDS đến phòng khám không ngừng tăng.

Năm 2004, lần đầu tiên thuốc ARV (thuốc kháng HIV) được triển khai điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS tại Thái Bình song tình hình cung ứng thuốc gặp nhiều khó khăn, chỉ đáp ứng được một phần rất nhỏ nhu cầu số người cần điều trị, cả tỉnh chỉ có 10 bệnh nhân được điều trị ARV. Dù vậy, niềm vui vẫn đến với những cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS và đem lại sức mạnh tinh thần to lớn cho bệnh nhân bởi hiệu quả điều trị thể hiện rõ rệt, hầu hết sức khoẻ bệnh nhân điều trị ARV tăng lên.

Những năm này, số người nhiễm HIV/AIDS tại Thái Bình được phát hiện cũng tăng nhanh chóng, đồng nghĩa với nhu cầu điều trị ARV tăng cao. Nhận được sự hỗ trợ tích cực từ các chương trình quốc gia, các dự án trong nước và thế giới, số lượng thuốc ARV được cung cấp cũng dần tăng lên đáp ứng nhu cầu điều trị cho người nhiễm. Từ một phòng khám ngoại trú ban đầu, đến nay toàn tỉnh đã có 6 phòng khám ngoại trú (hai phòng tuyến tỉnh và 4 phòng tuyến huyện), ba điểm điều trị lây truyền mẹ con. Bên cạnh đó, trong tỉnh còn có 3 cơ sở quan trọng tham gia các hoạt động chăm sóc và điều trị HIV/AIDS: Trung tâm giáo dục lao động chữa bệnh xã hội tỉnh, Trung tâm giáo dục lao động chữa bệnh xã hội thành phố và trại tạm giam Công an tỉnh.

Bác sỹ Đỗ Huy Giang, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS cho biết quy trình hoạt động của các phòng khám được triển khai theo đúng hướng dẫn của Bộ y tế, số bệnh nhân đến các phòng khám cũng ngày càng tăng với trung bình mỗi tháng 30 người nhiễm mới đến đăng ký khám chữa bệnh tại các phòng khám. Hiện nay toàn tỉnh đang quản lý điều trị ARV cho gần 700 bệnh nhân, chỉ riêng năm 2011 đã có 165 bệnh nhân mới, luỹ tích số bệnh nhân điều trị ARV từ khi triển khai chương trình là gần 1000 người. Kết quả điều trị không ngừng được nâng cao.

Qua một điều tra vào tháng 3/2011 cho thấy 50% bệnh nhân có cải thiện tốt về mặt lâm sàng, tỷ lệ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội giảm, hầu hết bệnh nhân tăng cân sau những tháng điều trị đầu tiên. Không chỉ tăng sức khoẻ, sau điều trị, bệnh nhân được thoải mái về tinh thần và thể chất, đặc biệt tỷ lệ tử vong giảm rõ rệt. Nếu như năm 2003, toàn tỉnh có 95 bệnh nhân tử vong vì AIDS, 9 tháng đầu năm nay, tỷ lệ tử vong giảm còn 25 ca, giảm 5 ca so với cùng kỳ năm 2010.

Không chỉ quản lý điều trị, các phòng khám còn quan tâm cải thiện chất lượng. 6/6 phòng khám đã thực hiện lộ trình cải thiện chất lượng. Đặc biệt, với hệ thống xét nghiệm khẳng định và xét nghiệm tế bào CD4 của Trung tâm y tế dự phòng đã rút ngắn thời gian chờ đợi kết quả, cho kết quả chính xác, hỗ trợ tích cực cho hoạt động điều trị. Để quản lý và điều trị cho lượng bệnh nhân không ngừng tăng, đội ngũ y, bác sỹ chăm sóc điều trị cũng được kiện toàn và nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hiện tại toàn tỉnh đang có 40 cán bộ trực tiếp làm công tác chăm sóc điều trị và hàng trăm cộng tác viên tại các phòng khám. 100% cán bộ, cộng tác viên đều được tập huấn về chăm sóc người nhiễm.

Đội ngũ cộng tác viên là cánh tay nối dài của các phòng khám ngoại trú để không xảy ra tình trạng mất dấu bệnh nhân, bỏ điều trị không rõ nguyên nhân. Trên thực tế, có không ít bệnh nhân sau khi được tiếp cận với chương trình điều trị, cả sức khoẻ và tinh thần được cải thiện, họ đã tình nguyện trở thành các cộng tác viên đắc lực của các phòng khám, tích cực tham gia vào hoạt động chăm sóc người nhiễm tại cộng đồng.

Tuy nhiên, một trong những khó khăn đối với công tác chăm sóc, điều trị HIV/AIDS hiện nay là số lượng bệnh nhân ngày càng tăng trong khi cơ sở vật chất, nhân lực phục vụ công tác này còn hạn chế, các phòng khám hiện đều trong tình trạng quá tải. Sự kỳ thị, phân biệt với người nhiễm HIV/AIDS vẫn đang là những rào cản gây khó khăn cho công tác điều trị. Cùng với đó là tình trạng khó khăn của người nhiễm do phải đi làm ăn xa nên họ không có điều kiện khám bệnh và lĩnh thuốc điều trị đều đặn nên dễ dẫn tới bỏ điều trị hoặc điều trị bị gián đoạn dẫn tới kháng thuốc, thất bại điều trị... Vì vậy công tác chăm sóc, điều trị HIV/AIDS đang rất cần sự quan tâm, ủng hộ, sự vào cuộc của toàn xã hội và cộng đồng.

Trần Thu Hương


 


  • Từ khóa