Thứ 7, 10/08/2024, 00:22[GMT+7]

Nhìn lại 15 năm thực hiện chỉ thị về mua và đọc báo Đảng

Thứ 6, 02/12/2011 | 07:29:07
1,873 lượt xem
Sau khi có Chỉ thị 11, số lượng báo, tạp chí của Đảng phát hành trên địa bàn không ngừng tăng về số lượng, nhiều năm vượt kế hoạch đề ra. Nếu trước năm 2000, Thái Bình còn những xã “trắng” báo, tạp chí của Đảng thì đến năm 2006 – 2009 số lượng báo Nhân dân phát hành ở Thái Bình đều ở mức trên 2 triệu tờ, tạp chí Cộng sản từ 16.000 cuốn tăng lên 23.000 cuốn. Riêng Báo Thái Bình và Bản tin thông báo nội bộ (tài liệu sinh hoạt chi bộ) được cấp đều đặn tới các chi bộ nông thôn trong t

Theo thống kê của Bưu điện tỉnh Thái Bình, số lượng phát hành báo, tạp chí của Đảng có chiều hướng giảm trong những năm gần đây. Trong ảnh: Giờ giải lao của các chiến sỹ bộ đội Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Bình.

Ngày 28/12/1996, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 11- CT/TW về việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Qua 15 năm thực hiện chỉ thị, không những số lượng đặt mua, đọc báo Đảng không tăng lên mà đang có chiều hướng giảm.

Vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Bưu điện tỉnh và Báo Thái Bình tiến hành khảo sát đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 11 tại các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và một số cơ sở trên địa bàn tỉnh. Bước đầu làm rõ nguyên nhân và đề ra các giải pháp để việc đọc, mua báo, tạp chí của Đảng thật sự có hiệu quả; ngăn chặn tình trạng giảm sút về số lượng như hiện nay.

Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị về việc mua, đọc báo tạp chí của Đảng và Quyết định số 84-QĐ.TW ngày 1/3/2003 của Ban Bí thư Trung ương ban hành quy định chế độ chi hoạt động công tác đảng của tổ chức cơ sở đảng các cấp... là sự nhận thức rõ vai trò quan trọng của báo, tạp chí của Đảng trong tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, đảng viên và nhân dân. Thời điểm đó, các phương tiện truyền thông như Internet chưa phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Là điều kiện để báo, tạp chí của Đảng đến được nhiều hơn với bạn đọc.

Ở Thái Bình, từ năm 2002, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có văn bản hướng dẫn các tổ chức đảng trong việc mua, đọc, sử dụng và bảo quản các báo, tạp chí của Đảng. Hàng năm, thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo phối hợp với Bưu điện tỉnh rà soát tình hình mua, đọc báo, tạp chí của Đảng... Trên cơ sở đó hướng dẫn, đôn đốc các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị 11. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân mua và đọc báo, tạp chí của Đảng; đưa tin, viết bài, góp ý kiến xây dựng báo, tạp chí của Đảng. Xây dựng nhiều hình thức phù hợp để cán bộ, đảng viên, đoàn viên và nhân dân thường xuyên đọc, nghiên cứu báo và tạp chí của Đảng; hiểu rõ, nắm vững và thực hiện có hiệu quả quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và địa phương.

Ngay sau khi có Chỉ thị 11, các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc, cơ quan, đơn vị, trường học trong tỉnh... đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, coi trọng việc mua và đọc báo, tạp chí của Đảng; chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí bảo đảm cho việc mua báo, tạp chí của Đảng đúng chế độ, quy định. Ngoài ra, một số địa phương còn tổ chức kiểm tra, ban hành văn bản chỉ đạo việc mua, quản lý và sử dụng báo, tạp chí của Đảng. Thông qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân đối với công tác báo chí của Đảng; kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân thực hiện tốt; nghiêm khắc kiểm điểm, uốn nắn các đơn vị thực hiện chưa tốt Chỉ thị 11.

Rõ ràng tư tưởng chỉ đạo là quyết liệt và tích cực nên Chỉ thị số 11 đi vào cuộc sống ở Thái Bình nhanh, mạnh và rộng khắp. Hiện nay, Đảng bộ Thái Bình có 8 đảng bộ huyện, thành phố; 5 đảng ủy trực thuộc, với 793 tổ chức cơ sở đảng. Trong đó, 468 đảng bộ cơ sở (xã, phường, thị trấn có 286 đảng bộ) và 325 chi bộ cơ sở. Một số xã, phường, thị trấn không những đặt mua báo chi các Bí thư chi bộ mà còn cấp tới các trưởng thôn, nhằm nâng cao chất lượng công tác tư tưởng. Một số đảng bộ, chi bộ Khối cơ quan không chỉ đặt mua báo đủ cho chi bộ mà còn mua báo Đảng cho cán bộ chuyên môn cấp phòng; duy trì việc đọc báo đầu giờ tại cơ quan như: Lực lượng vũ trang, hội LHPN tỉnh... Nhiều chi bộ cơ sở đã đưa việc đọc báo, tạp chí của Đảng thành một nội dung trong sinh hoạt chi bộ. Thái Bình có trên 232 điểm bưu điện văn hóa xã và các trung tâm học tập cộng đồng... Là nơi thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân đến đọc, nghiên cứu, tìm hiểu thông tin qua sách, báo, tạp chí của Đảng. Từ đó góp phần tích cực trong việc nâng cao nhận thức, trình độ lý luận chính trị, phát huy tính tiền phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên... Thông qua báo Đảng, các mô hình hay, cách làm sáng tạo trong phát triển kinh tế được vận dụng tích cực, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Tuy nhiên, qua khảo sát của các ngành cho thấy: Số lượng phát hành báo, tạp chí của Đảng không ổn định, chưa bảo đảm theo đúng tinh thần Chỉ thị 11 của Bộ Chính trị. Theo thống kê của Bưu điện tỉnh, số lượng phát hành báo, tạp chí của Đảng có chiều hướng giảm trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2009 lượng phát hành Báo Nhân dân là trên 2 triệu tờ, tạp chí Cộng sản trên 23.000 cuốn, nhưng đến năm 2010 Báo Nhân Dân giảm còn 1.966.709 tờ; Tạp chí Cộng sản còn 22.284 cuốn. 5 tháng đầu năm 2011, các loại báo, tạp chí đều tiếp tục giảm: Báo Nhân dân chỉ còn 766.343 tờ, Tạp chí Cộng sản 8.926 cuốn, Báo Thái Bình 207.548 tờ (một phần lớn được bao cấp, do ngân sách trả).

Nguyên nhân vì sao các loại báo, tạp chí của Đảng lại giảm nhanh như vậy? Hầu hết các ý kiến tham gia hội thảo vừa qua đều thống nhất cho rằng: Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, với sự đa dạng, phong phú, hấp dẫn, tiện ích của các phương tiện nghe, nhìn... đặc biệt là internet đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến văn hóa đọc nói chung và đọc các sách báo, tạp chí của Đảng nói riêng. Mặt khác, do đặc thù báo, tạp chí của Đảng mang tính định hướng và lý luận cao, nhất là Tạp chí Cộng sản nên đòi hỏi đọc giả phải có trình độ lý luận chính trị, hiểu biết nhất định. Trong khi đó, việc đọc, nghiên cứu báo, tạp chí của Đảng chưa trở thành nhu cầu bắt buộc đối với cán bộ, đảng viên... Phần nào ảnh hưởng đến quá trình lĩnh hội, tiếp cận thông tin, hạn chế hiệu quả tuyên truyền của báo Đảng. Một số quy định với tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp nhà nước.... tự lấy thu bảo đảm toàn bộ chi phí chưa hiệu quả. Chưa có quy định xử lý các tổ chức đảng không thực hiện nghiêm túc, đầy đủ Chỉ thị 11 và Quyết định 84, cũng như Thông tư liên tịch của các ngành về: Chế độ chi hoạt động công tác đảng, trong đó có mua và đọc báo, tạp chí của Đảng. Sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị liên quan trong tham mưu, hướng dẫn, theo dõi việc thực hiện Chỉ thị chưa thường xuyên hiệu quả. Các ấn phẩm báo, tạp chí của Đảng tuy đã có nhiều đổi mới, ngày càng phù hợp hơn với nhận thức của các đối tượng độc giả. Nhưng, nội dung phản ánh chưa phong phú (phần nhiều mang tính thuận chiều, ít những đề tài sát thực tiễn, sát đời sống xã hội). Thông tin chưa kịp thời, linh hoạt; cách thể hiện chưa được đa dạng hóa, kém sức hấp dẫn...

Từ thực trạng trên cho thấy: Việc chấn chỉnh, kiểm tra sử dụng kinh phí chi mua báo, tạp chí của Đảng theo QĐ 84 của Ban Bí thư (BBT) Trung ương phải làm quyết liệt hơn. Tránh tình trạng bớt xén vào chi khác, hoặc chi không đúng đầu báo quy định. Tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức. Phát động mạnh mẽ phong trào đọc và làm theo báo Đảng, nhân rộng các điển hình làm tốt công tác này. Đưa việc thực hiện mua và đọc báo, tạp chí của Đảng vào hệ thống các tiêu chí đánh giá tổ chức cơ sở Đảng TSVM hàng năm. Cuối cùng là bản thân các tờ báo, tạp chí của Đảng phải đổi mới hình thức trình bày, nâng cao chất lượng tác phẩm, tăng sức hấp dẫn từ các sự kiện có thật đang diễn ra; phản ánh trung thực có chọn lọc và coi trọng tính đan chiều trong thông tin.

Phạm Viết Thanh

 

  • Từ khóa