Thứ 7, 10/08/2024, 00:19[GMT+7]

Liên hoan tuyên truyền viên Dân số giỏi: Nâng cao chất lượng cho cán bộ cơ sở

Thứ 6, 02/12/2011 | 08:29:44
1,552 lượt xem
Vừa qua, tại Nhà Văn hóa Lao động, Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ tỉnh đã tổ chức “Liên hoan tuyên truyền viên dân số giỏi”. Tham dự buổi liên hoan có lãnh đạo Vụ Truyền thông-Giáo dục, Tổng cục DS-KHHGĐ; lãnh đạo Sở Y tế, Chi cục Dân số - KHHGĐ; lãnh đạo UBND 8 huyện thành phố cùng hàng trăm cán bộ dân số cơ sở trong toàn tỉnh.

Tham gia Liên hoan tuyên truyền viên dân số giỏi năm 2011 gồm 8 đội xuất sắc nhất đại diện cho 8 huyện với 54 tuyên truyền viên dân số bước vào vòng thi chung kết của tỉnh. Với sự chuẩn bị, tập luyện, đầu tư chu đáo, các đội đã đem đến các tiết mục dự thi phong phú từ màn Chào hỏi đến phần thi Tài năng.

Hình ảnh của những người cộng tác viên (CTV) dân số “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” được các đội tuyên truyền viên (TTV) khắc họa trên sân khấu đầy chân thực, sống động và gần gũi.

Trong phần thi Chào hỏi, 8 đội đã giới thiệu về quê hương, nêu bật được những thành tích phát triển kinh tế, xã hội trong đó nhấn mạnh đến công tác Dân số-Kế hoạch hóa gia đình. Ở phần thi Tài năng, các đội thể hiện năng khiếu múa, hát, diễn kịch sôi nổi, giao lưu, học hỏi, lồng ghép trong những làn điệu chèo, điệu hát dân ca dí dỏm mà các đội tự biên, tự diễn và các thông điệp “Dân số ổn định, xã hội phồn vinh, gia đình hạnh phúc”, “Hãy dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt”, “Trai mà chi, gái mà chi. Sinh ra có ngãi có nghì thì hơn” cùng những kiến thức tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác Dân số được các TTV chuyển tải qua các tiểu phẩm có nội dung hay, dễ nhớ. Các nội dung vận động gia đình ít con, không phân biệt con gái, con trai và vai trò, sự vào cuộc của các cấp chính quyền trong việc thực hiện công tác DS-KHHGĐ được thể hiện qua các kỹ năng tuyên truyền của các TTV rất ấn tượng, sâu sắc và đi vào lòng người… Các tiết mục dự thi đã thể hiện khá rõ vai trò của đội ngũ dân số trong việc tư vấn, vận động, giải quyết những khó khăn về lĩnh vực Dân số-KHHGĐ ở cơ sở.

Đối với các CTV, TTV dân số, việc tham dự liên hoan là một cơ hội được cùng giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Và trên hết, liên hoan đã giúp họ chuyển tải được sức sáng tạo, sự hiểu biết của mình đến với người dân về công tác DS-KHHGĐ. Mỗi CTV, TTV đều thể hiện lòng nhiệt tình, tâm huyết của mình qua công tác truyền thông, vận động hàng ngày qua các phần dự thi. 

Say mê với vai trò là CTV dân số hơn 10 năm nay, bà Nguyễn Thị Tươi – nguyên là CTV dân số xã Thụy Trình, huyện Thái Thụy chia sẻ: “Mục tiêu cuối cùng của công tác DS-KHHGĐ là đem lại đời sống ấm no cho người dân, xây dựng một xã hội văn minh”. Với tâm huyết và khả năng của mình. Bà đã sáng tác nhiều điệu chèo về dân số tuyên truyền tới người dân chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ. Tuy nhiên, để đạt được những kết quả tốt trong công tác tuyên truyền, theo bà cần phải nhận được sự tin yêu của người dân nơi mình sinh sống, sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Còn với chị Nguyễn Thị Ước - Cán bộ chuyên trách dân số xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ lại cho rằng: trăn trở nhất trong quá trình công tác của chị là còn nhiều người dân chưa hiểu thấu đáo, chưa có trách nhiệm và chưa tham gia vào công tác DS-KHHGĐ. Theo chị Ước, vấn đề trọng nam khinh nữ, bất bình đẳng giới vẫn còn len lỏi trong cuộc sống của người dân. Chị cũng mong muốn rằng, để công tác DS-KHHGĐ đạt hiệu quả, cần đề cao vai trò của các quy ước, hương ước tại các thôn, xóm, bản, làng, các khu dân cư, khu phố... Hơn thế, sự mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh hiện nay, nhất là khi có nhiều phòng khám tư nhân chưa chấp hành triệt để, vẫn thông báo giới tính thai nhi để một số người dân có hành vi lựa chọn giới tính. 

Đánh giá về buổi liên hoan, ông Nguyễn Đình Bách - Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng cục DS-KHHGĐ nói: “Liên hoan TTV dân số của Thái Bình rất thành công. Các thông điệp về công tác dân số được chuyển tải hết sức sinh động thông qua các tiểu phẩm, hài kịch giúp người dân tiếp nhận dễ dàng hơn. Chỉ có một chủ đề tuyên truyền về DS-KHHGĐ nhưng khán giả đã ngồi xem 3 – 4 tiếng, có thể thấy được sự thu hút từ tài năng và sự sáng tạo của các TTV”. Ông Bách cũng nhấn mạnh: Hình thức sân khấu hóa, tuyên truyền DS-KHHGĐ thông qua tiểu phẩm, kịch, văn hóa văn nghệ... là hình thức mà ngành dân số mong muốn CTV, TTV sử dụng trong công tác truyền thông vận động; có tác động tích cực thu hút được sự quan tâm của người dân đến chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác DS-KHHGĐ.

Liên hoan tuyên truyền viên dân số giỏi là cơ hội để đội ngũ cộng tác viên, tuyên truyền viên dân số cơ sở giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa cán bộ dân số công tác lâu năm trong ngành và cán bộ mới về các kỹ năng tuyên truyền, vận động để nhân dân thực hiện tốt chính sách Dân số- KHHGĐ ở địa phương.

Nguyễn Mạnh Cường
(Chi cục DS-KHHGĐ Thái Bình)

 

  • Từ khóa