Thứ 7, 18/01/2025, 02:59[GMT+7]

Bệnh viện Phong – Da liễu Văn Môn Nơi thấm đẫm tình nhân ái

Thứ 6, 10/02/2012 | 14:32:25
2,020 lượt xem
Chỉ có tấm lòng y đức của người thầy thuốc hẳn là không đủ, phải giàu lòng nhân ái và thấm đẫm tình yêu thương con người đến nhường nào thì mới có thể trụ lại được ở làng phong và Bệnh viện Phong – Da liễu Văn Môn.

Giám đốc, Bác sĩ CK II Bùi Huy Thiện phẫu thuật cho bệnh nhân tại Bệnh viện Phong da liễu Văn Môn. Ảnh: Tạ Quốc Đại

Đợt rét tăng cường sau Tết Nguyên đán Nhâm Thìn dường như giá lạnh hơn, muốn níu kéo cái không khí mùa xuân đi chậm hơn. Không hẹn mà gặp, từ sáng sớm anh em báo chí địa phương đã có mặt để tác nghiệp, chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 110 năm thành lập và đón nhận Huân chương Độc lập hạng ba (lần thứ 2) của Bệnh viện Phong – Da liễu Văn Môn. Giám đốc – Bác sĩ CK II Bùi Huy Thiện xởi lởi chuẩn bị tài liệu cho báo chí. Phó Giám đốc Nguyễn Thị Mùi đưa phóng viên truyền hình vào làng phong ghi hình. Không gian trở lại yên tĩnh, tưởng như đây không phải là bệnh viện, càng không phải là nơi 113 cán bộ, nhân viên y bác sĩ đang ngày đêm chăm sóc, chữa bệnh cho 647 bệnh nhân, trong đó có 366 bệnh nhân nặng: Mắt mù, tay, chân cụt, rụt, thân hình biến dạng, không thể đi lại được... Chỉ có tấm lòng y đức của người thầy thuốc hẳn là không đủ, phải giàu lòng nhân ái và thấm đẫm tình yêu thương con người đến nhường nào thì mới có thể trụ lại được ở cái làng phong và Bệnh viện Phong – Da liễu Văn Môn này.

Lần giở lại lịch sử hơn một thế kỷ xây dựng và trưởng thành còn lưu giữ được, tôi nghĩ: Không biết trên thế gian này có bệnh viện nào như cái Bệnh viện Phong – Da liễu Văn Môn và nó lại tồn tại lâu được như thế. Đi suốt chiều dài thời gian trên 110 năm với nhiều tên gọi khác nhau: Từ Trại phong Văn Môn (trực thuộc Bộ Y tế) đến khu điều trị phong, do tỉnh quản lý và năm 2003 chính thức có tên như bây giờ: Bệnh viện Phong – Da liễu Văn Môn – Thái Bình.

Ra đời sớm, tồn tại lâu, điều đó cho thấy nhiệm vụ chuyên môn của bệnh viện phong là rất nặng nề. Xa xưa, trong tâm thức của người đời, nói đến bệnh phong là nghĩ đến bệnh hủi. Những người bệnh ấy mang trên mình tràn đẩy trực khuẩn Hansen dương tính, là một trong tứ chứng nan y. Được thể hiện trên thân: người thì cụt chân, cụt tay; có người cụt cả tứ chi, thân hình co quắp dị tật, trên thân người dị dạng, rất đáng thương tâm. Còn có cả bệnh nhân vừa mắc bệnh phong lại vừa mắc bệnh lao; hoặc vừa mắc bệnh phong vừa mắc bệnh tâm thần và đủ thứ bệnh làm cho xã hội sợ hãi, kinh hoàng, lo âu, kỳ thị, xa lánh... đối với những người xấu số này.

Chị Nguyễn Thị Mùi, Phó Giám đốc Bệnh viện kể rằng: Trước đây có trường hợp bệnh nhân phong chết, người nhà đem quan tài đến bỏ trước cổng bệnh viện; không cho chôn ở gần ruộng nhà khác. Cây trái trong vườn do bệnh nhân trồng không ai hái ăn. Câu cửa miệng của người đời là: “Sợ như sợ hủi”. Vậy mà, chỉ có các thầy thuốc, nhân viên phục vụ ở Bệnh viện Phong – Da liễu Văn Môn là không sợ hủi. Họ chăm sóc tắm rửa, bón cơm, cháo, phục vụ đi lại tiểu tiện, đại tiện... cho nhiều bệnh nhân tận cuối đời. Trên 600 bệnh nhân đã gửi cả đời mình nơi thầy thuốc, cán bộ y tế. Rất nhiều cán bộ, nhân viên đã gắn bó cả đời phục vụ bệnh nhân phong. Nhiều gia đình có tới hai thế hệ đã và đang công tác ở đây. Vì thế, giữa thầy thuốc và bệnh nhân có mối quan hệ đồng cảm, tình người, trong sáng. Khó khăn vất vả không kêu ca phàn nàn. Y đức của cán bộ trở thành phong cách sống làm việc hàng ngày.

“Gái có công, chồng chẳng phụ”. Những gian nan vất vả của các thầy thuốc, nhân viên Bệnh viện Phong – Da liễu Văn Môn đã động đến tâm tư, tình cảm của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và các chế độ chính sách đãi ngộ cũng cởi mở, thông thoáng hơn, làm vơi nỗi nhọc nhằn về thể xác và động viên tinh thần rất lớn, giúp các thầy thuốc, nhân viên phục vụ gắn bó với bệnh viện, toàn tâm với người bệnh. Hàng năm, thường xuyên hoàn thành xuất sắc và vượt mức chỉ tiêu chuyên môn kỹ thuật năm sau cao hơn năm trước từ 140% đến 150%; tỷ lệ giường bệnh đạt 168,05%; cấp cứu: 112,67%, phẫu thuật 303,5% bệnh nhân điều trị ngoại trú: 539,2%. Ngoài ra, còn khám chữa bệnh từ 15 ngàn đến 20 ngàn bệnh nhân mỗi năm như: chàm, tổ đỉa, zô-la, á sừng, nấm da, nấm móng, lậu, giang mai, HIV/AIDS... Cấp cứu, khám chữa bệnh đa khoa cho hàng ngàn bệnh nhân nội; ngoại, nhi, lây, chấn thương... do các tai nạn giao thông, ngộ độc hóa chất trong nông nghiệp... Nhiều trường hợp “thập tử nhất sinh” đều được cứu sống, làm giảm tỷ lệ tử vong và di chứng cho người bệnh ở các địa phương lân cận của Thái Bình, Nam Định và các tỉnh khác.

Cơ sở vật chất của bệnh viện trong những năm gần đây đã được cải thiện: Buồng bệnh có trang bị tiện nghi tối thiểu cho các hoạt động chuyên môn. Khu nhà ở bệnh nhân được mái bằng hóa, chống nóng, chống thấm, có đường nhựa, môi trường xanh sạch. Trung tâm bệnh viện được trang bị kỹ thuật tiên tiến, hiện đại giúp cho chẩn đoán và điều trị hiệu quả như: máy chụp X quang; siêu âm chẩn đoán, máy sinh hóa máu, nước tiểu; máy khoan siêu tốc nha khoa, máy lấy cao răng bằng siêu âm; ứng dụng kỹ thuật mới, đưa hệ thống máy laser vào điều trị lâm sàng, cũng như phẫu thuật nhiều bệnh khó, hiệu quả cao mà trước đây phải bó tay, đáp ứng được phần nào nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân.

Chỉ tính trong 10 năm đầu của thời kỳ đổi mới, mặc dù ở nơi xa xôi hẻo lánh, không được tiếp cận nhiều với khoa học tiên tiến của ngành y... các thầy thuốc đã nghiên cứu thành công 23 đề tài thiết thực, phục vụ cho người bệnh, đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội như: Đề tài Laser He-Ne đã giảm tỷ lệ 90% phương án cắt cụt chi cho bệnh nhân. Nghiên cứu chân giả phù hợp với bệnh nhân phong giúp họ đi lại dễ dàng. Đề tài thiết kế chế tạo dụng cụ hỗ trợ bàn tay trong đời sống và sinh hoạt lao động, góp phần hòa nhập cộng đồng, được các tổ chức quốc tế, viện phục hồi chức năng, viện Da liễu Việt Nam đánh giá cao. Ở nơi vùng sa bãi châu thổ sông Hồng, với ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm, thông minh, cần cù, sáng tạo của nhân dân làng phong.

Với dự án san ghềnh, lấp trũng đã biến các gò đống, đầm lầy thành cánh đồng bằng phẳng, mở rộng diện tích canh tác... năng suất lúa của làng phong liên tục đạt trên 12 tấn thóc/ha. Đầu tư kỹ thuật thủy lợi, giành hàng ngàn ngày công đắp hai vòng đê bao kè cống để phòng chống thiên tai, bão lũ; tận dụng hệ thống sông ngòi, đầm hồ... nuôi cá, phát triển nghề phụ: mộc, gò, hàn, mây, tre đan... Làng phong giờ đây đã hết hộ đói, giảm hộ nghèo. Đến cuối thập kỷ 90 đã có 97% nhà mái ngói, mái bằng vững chắc, bê tông hóa đường giao thông, nhiều nhà có ti vi, xe máy... Làng phong hiện nay có trên 400 hộ, với hàng ngàn khẩu; qua điều trị, nhiều bệnh nhân đã trở về với gia đình. Con em trong làng phong được học hành, hòa nhập với xã hội. Nhiều con em của làng trở thành kỹ sư, bác sĩ, nhà báo, nhà giáo, sĩ quan quân đội, công an có trường hợp trở thành Á hậu quốc gia, đi du học nước ngoài. Làng có một chùa và hai nhà thờ thiên chúa giáo... là nơi tu hành không chỉ cho người làng phong, mà nhiều tu sĩ từ các tỉnh, thành đến lễ phật cầu an cầu nguyện, kính chúa, lương – giáo đoàn kết sống tốt đời, đẹp đạo. Làng có một chi bộ đảng, có các đoàn thể hoạt động mạnh, xây dựng làng văn hóa, không có tệ nạn xã hội, ngày ngày tiếng chuông ngân vang, tạo nên vẻ thanh bình bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa.

Trên suốt chặng đường hơn một thế kỷ xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, Bệnh viện Phong - Da liễu Văn Môn đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2000, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động. Năm 2005, được tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Nhiều cá nhân được các bộ, ngành, tỉnh khen thưởng, Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng bằng Lao động sáng tạo. Đảng bộ liên tục nhiều năm đạt “Trong sạch vững mạnh xuất sắc”. Song có một phần thưởng cao quý nữa, một danh hiệu Anh hùng khác không được vinh danh như một lẽ thông thường, nhưng nó sống mãi, đẹp mãi đó là tấm lòng nhân ái, hành động đầy chất anh hùng của các thầy thuốc, nhân viên Bệnh viện Phong – Da liễu Văn Môn trong hàng vạn, hàng triệu người từng là bệnh nhân phong hoặc chưa từng là bệnh nhân như chúng tôi và như rất nhiều người khác nữa.

Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa