Thứ 7, 10/08/2024, 02:25[GMT+7]

Bảo hiểm xã hội Trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội

Thứ 3, 14/02/2012 | 14:32:43
1,975 lượt xem
Năm 2012, ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) bước sang tuổi 18. Được coi là một ngành còn non trẻ tại Việt Nam, song Bảo hiểm xã hội đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trụ cột của mình trong hệ thống an sinh xã hội.

Nhờ có chính sách BHXH, BHYT, cuộc sống của người lao động được bảo đảm. Ảnh: Thành Tâm

Với hơn 80 triệu dân, đến năm 2011, cả nước đã có gần 10 triệu người dân Việt Nam tham gia BHXH, 56 triệu người tham gia BHYT. Như vậy, sau 17 năm hoạt động, số người tham gia BHXH đã tăng gần 5 lần so với thời điểm ban đầu (năm 1996), số người tham gia BHYT đã tăng gần 15 lần. Con số này phản ánh sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của ngành Bảo hiểm xã hội. Cùng với tăng nhanh đối tượng tham gia, chính sách BHXH, BHYT cũng ngày càng hoàn thiện, các chế độ bảo hiểm được mở rộng và linh hoạt hơn với nhiều loại hình đa dạng, từ BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT... Việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm không chỉ góp phần tạo nên sự bình đẳng về BHXH, BHYT, mà còn thể hiện tính nhân đạo sâu sắc, tình tương thân, tương ái truyền thống của người Việt Nam.

Cùng chung với sự phát triển của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Thái Bình cũng phát triển mạnh, đối tượng tham gia các loại hình bảo hiểm trong tỉnh không ngừng tăng hàng năm. Với hơn 1,8 triệu dân, việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH được coi là nhiệm vụ hàng đầu trong hoạt động của ngành. Đến năm 2011, toàn tỉnh đã có hơn 110 nghìn người tham gia BHXH; hơn 1,1 triệu người tham gia BHYT. Không chỉ mở rộng loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các đơn vị sử dụng lao động, các loại hình bảo hiểm tự nguyện cũng đang được triển khai rộng rãi thu hút sự quan tâm và tham gia của cộng đồng. Trong số hơn 1,1 triệu người tham gia BHYT hiện nay có tới gần 200 nghìn người là đối tượng BHYT tự nguyện. BHXH tự nguyện được triển khai ít năm gần đây song đến năm 2011 đã triển khai đến 100% huyện thành phố và các xã, phường thị trấn trong tỉnh với hơn 3000 người tham gia.

Cùng với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, quỹ BHXH cũng không ngừng tăng hàng năm đáp ứng việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH. Đến năm 2011, số đối tượng được ngành Bảo hiểm xã hội quản lý và chi trả chế độ BHXH hàng tháng trên toàn tỉnh là gần 88 nghìn người. Số đối tượng được hưởng các chế độ chính sách BHXH tăng hàng năm, mỗi năm có hàng chục nghìn lao động được hưởng các chế độ BHXH như trợ cấp ốm đau, thai sản, mất sức lao động, trợ cấp khó khăn...

Mở rộng đối tượng tham gia, tăng quỹ và bảo đảm quản lý quỹ chặt chẽ, tăng cao số người được thụ hưởng các loại hình BHXH hằng năm, chế độ chính sách BHXH được bảo đảm thực hiện đúng quy định. Nhờ có chính sách BHXH, BHYT, cuộc sống của người lao động được bảo đảm khi đến tuổi không còn khả năng tham gia lao động, khi ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Vì vậy, chính sách BHXH đã trở thành điểm tựa tinh thần của người lao động, được tham gia BHXH, BHYT là mong muốn của phần lớn người lao động nói chung.

Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT hiện nay còn gặp một số khó khăn hạn chế trong đó hạn chế lớn nhất hiện nay là việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT; việc quản lý, phát triển quỹ BHXH, BHYT; vấn đề thực hiện chính sách, chế độ BHXH, BHYT... Tại Thái Bình, với đặc thù của một tỉnh nông nghiệp, tỷ lệ dân cư sống tại nông thôn và sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp cao nên hoạt động BHXH, BHYT càng khó khăn. So với tỷ lệ chung của cả nước, tỷ lệ người dân Thái Bình tham gia BHXH đang ở mức thấp. Do số người tham gia BHYT thuộc diện đối tượng chính sách cao nên vấn đề sử dụng quỹ BHYT cũng gặp nhiều khó khăn. Cả hai vấn đề trên đều đang là những vấn đề khó khăn cơ bản của hoạt động BHXH Thái Bình.

Thêm vào đó, là một tỉnh đang trong giai đoạn đầu của phát triển công nghiệp, phần lớn các đơn vị sản xuất, kinh doanh có sử dụng lao động tại Thái Bình (chiếm số lượng lớn đối tượng diện BHXH bắt buộc) là những đơn vị đang trong giai đoạn mới đi vào hoạt động còn gặp nhiều khó khăn nên tình trạnh trốn đóng, nợ đóng BHXH cho người lao động diễn ra phổ biến. Những khó khăn này không chỉ làm ảnh hưởng đến vấn đề mở rộng đối tượng tham gia BHXH mà còn gây khó khăn cho hoạt động thu và phát triển quỹ BHXH, BHYT.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền chính sách, chế độ BHXH, BHYT đến người dân còn hạn chế, việc người dân chưa được thông tin hoặc thông tin chưa đầy đủ các chính sách BHXH, BHYT; công tác phối hợp giữa đơn vị đóng BHXH và đơn vị thực hiện chính sách, chế độ BHXH, giữa đơn vị khám chữa bệnh và cơ quan Bảo hiểm xã hội còn chưa chặt chẽ dẫn đễn việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT nhiều lúc, nhiều nơi không bảo đảm, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia gây nên một số bức xúc, làm giảm lòng tin của người tham gia đối với hoạt động BHXH, BHYT…

Làm gì để BHXH thực sự thể hiện được vai trò trụ cột trong hệ thống an sinh xã hội? Nhiều giải pháp đã được ngành Bảo hiểm xã hội tích cực triển khai như tăng cường hoạt động thông tin, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của BHXH, BHYT trong hệ thống chính sách an sinh xã hội từ đó tự giác chấp hành và thực hiện. Bên cạnh đó là những giải pháp như nâng chất lượng cán bộ, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tăng cường công tác thanh tra, giám sát nhằm nâng cao năng lực quản lý, sử dụng quỹ, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý nghiệp vụ, đổi mới tác phong, thái độ phục vụ… Việc triển khai các giải pháp này được thể hiện cụ thể trong ngành Bảo hiểm xã hội Thái Bình thời gian gần đây như: 100% đơn vị từ tỉnh đến huyện, thành phố triển khai phòng “Một cửa, một cửa liên thông” trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ của các đối tượng BHXH, triển khai làm việc ngày thứ 7; thực hiện luân chuyển cán bộ phù hợp với yêu cầu hoạt động của ngành; cài đặt, chuyển giao các chương trình phần mềm quản lý các lĩnh vực hoạt động xuống các đơn vị tạo chủ động cho các đơn vị cấp huyện, thành phố trong triển khai hoạt động…

Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh và các huyện thành phố cũng tăng cường công tác phối hợp với các đơn vị liên quan trong việc tuyên truyền đưa chính sách BHXH đến với nhân dân, từng bước nâng cao nhận thức của nhân dân, người lao động, người sử dụng lao động về các chính sách BHXH để tạo nên sự đồng thuận trong triển khai. Hy vọng với những giải pháp đang được thực hiện tích cực như hiện nay, hoạt động bảo hiễm xã hội sẽ thực sự phát triển và phát triển bền vững góp phần vào việc thực hiện an sinh xã hội và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. 

Trần Thu Hương

  • Từ khóa