Thứ 4, 31/07/2024, 19:28[GMT+7]

Các gia đình tín hữu công giáo Tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Thứ 5, 16/02/2012 | 15:12:03
1,239 lượt xem
Ðể chung tay với ngành dân số giải quyết tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nan, từ năm 2009, dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), Ủy ban MTTQVN tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực hiện làm điểm mô hình "Gia đình tín hữu công giáo tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh" ở hai xã: Nam Hải (Tiền Hải) và Ðông Cường (Ðông Hưng). Sau 3 năm triển khai, mô hình đã góp phần làm giảm sự mất cân bằng giới tính khi sinh ở hai xã

Thái Bình vốn là tỉnh đất chật, người đông, ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, toàn tỉnh đã đẩy mạnh quyết tâm hạ thấp tỷ lệ sinh, nâng cao chất lượng dân số, do đó công tác dân số của tỉnh được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh lại có chiều hướng gia tăng. Ðể chung tay với ngành dân số giải quyết bài toán nan giải này, từ năm 2009, dưới sự chỉ đạo và hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN), Ủy ban MTTQVN tỉnh đã xây dựng và tổ chức thực hiện làm điểm mô hình "Gia đình tín hữu công giáo tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh" ở hai xã: Nam Hải (Tiền Hải) và Ðông Cường (Ðông Hưng). Sau 3 năm triển khai, mô hình đã góp phần làm giảm sự mất cân bằng giới tính khi sinh ở hai xã làm điểm nói riêng và cả tỉnh nói chung.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là do tư tưởng trọng nam, khinh nữ đã ăn sâu, bám rễ trong suy nghĩ, hành động của nhiều người, để thay đổi không phải một sớm, một chiều là có thể làm được. Sự can thiệp của y học hiện đại ngày nay trong việc xác định giới tính thai nhi vô tình lại càng khiến cho tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trở nên đáng lo ngại hơn…

Khó khăn thì vô vàn, nhưng nhờ có sự chỉ đạo thường xuyên của Ủy ban Trung ương MTTQVN, hỗ trợ kinh phí của Quỹ dân số Liên hiệp quốc (Văn phòng UNFA); MTTQ các cấp có ít nhiều kinh nghiệm trong việc lồng gắn chương trình dân số vào nội dung hoạt động; cán bộ mặt trận vốn gần gũi, thân thiết với các vị chức sắc, chức việc, quan trọng hơn cả là nội dung, ý nghĩa của mô hình phù hợp với giáo lý, giáo luật tôn giáo, thiết thực phục vụ xây dựng cuộc sống "tốt đời, đẹp đạo" của gia đình giáo dân nên việc tuyên truyền, vận động diễn ra tương đối thuận lợi, nhanh chóng tạo được sự đồng thuận. Ðảng ủy 2 xã làm điểm đã đưa việc tham gia khắc phục mất cân bằng giới tính khi sinh vào nội dung Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ xã, kêu gọi cán bộ, đảng viên, các vị chức sắc, gia đình tín hữu công giáo, lương giáo tích cực hưởng ứng.

Ngay sau khi 2 xã điểm thành lập ban điều hành, 4 nhóm sinh hoạt (mỗi xã 2 nhóm, mỗi nhóm 100 thành viên là người công giáo tuổi từ 18 đến 60) cũng được ra mắt. Ðể tranh thủ tiếng nói của các vị linh mục, trùm trưởng xứ họ đạo, chủ nhiệm các nhóm ít nhất phải có một vị chức sắc tôn giáo tham gia. Theo yêu cầu của cơ sở, mỗi xã tiến hành thành lập thêm 4 nhóm, thành phần là người lương giáo, trước là để thu hút nhiều người tham gia, sau là tránh sự phân biệt giữa các tổ chức giáo hội. Tiếp theo đó, tiến hành tổ chức cho các thành viên ký cam kết thực hiện mô hình và tham gia sinh hoạt định kỳ. MTTQ tỉnh thường xuyên hỗ trợ 2 xã tổ chức sinh hoạt nhóm, cử người xuống đôn đốc, kiểm tra, trực tiếp đứng lên mời các vị linh mục, báo cáo viên cấp tỉnh về truyền giảng tại các nhà thờ và hội trường UBND xã.

Trong 3 năm qua, mỗi nhóm tổ chức sinh hoạt được 9 kỳ. Nội dung sinh hoạt xoay quanh những chủ đề chính là: Thực trạng, nguyên nhân, hậu quả của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, kèm theo là những lời tham vấn, lời khuyên của Giáo hội, của những người làm công tác dân số, mặt trận với đồng bào giáo dân và lương dân hãy tham gia tích cực ngăn chặn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh để nâng cao chất lượng dân số. Các nội dung: Luật Bình đẳng giới, quy định của giáo luật về bạo lực gia đình, hôn nhân gia đình, chính sách dân số, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, phương pháp xây dựng gia đình hạnh phúc, trách nhiệm của mỗi người trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… cũng được truyền tải tới học viên.

Không chỉ có hình ảnh minh họa hấp dẫn, tại lớp truyền thông các học viên còn được trao đổi thẳng thắn, thân mật về nội dung bài giảng với linh mục và báo cáo viên, nên nhiều người không phải thành viên của nhóm cũng đến tham dự, có buổi lên tới 600 người. Các lớp về giáo lý hôn nhân được tiến hành thường xuyên, MTTQ in ấn, phát hàng nghìn tờ tài liệu giúp các học viên hiểu thêm về hậu quả của việc mất cân bằng giới tinh khi sinh và tham gia khắc phục.

Không dừng lại ở các giải pháp hữu hiệu để đẩy mạnh thực hiện mô hình, MTTQ các cấp còn gắn kết mô hình với các phong trào "Dân vận khéo", xây dựng chùa cảnh, xứ, họ đạo "4 gương mẫu", cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư"… đã có tác động hỗ trợ lẫn nhau, tăng cường hiệu quả làm thay đổi nhận thức và hành vi sinh đẻ có kế hoạch của nhân dân nói chung, đồng bào theo đạo nói riêng. Bình quân trong 5 năm (2004- 2008), tỷ lệ giới tính khi sinh ở xã Nam Hải là 108,8 nam/100 nữ, đến cuối năm 2011, giảm xuống còn 106 nam/100 nữ. Còn ở Ðông Cường, nếu như năm 2007, cấp ủy, chính quyền, MTTQ lo lắng vì tỷ lệ sinh nam nhiều hơn nữ (48 nam/45 nữ), thì sau 3 năm cố gắng, nỗ lực thực hiện mô hình tình thế đã đảo ngược (26 nam/34 nữ). Với toàn tỉnh, tỷ lệ nam/nữ khi sinh cũng có chiều hướng giảm: từ 115/100 (năm 2008) xuống còn 114/100 (năm 2011). Với kết quả đáng mừng này, Trung ương MTTQVN đã chỉ đạo MTTQ tỉnh nhân rộng mô hình này để góp phần cùng ngành dân số khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số hơn nữa.

Thu Hiền

 

  • Từ khóa