Thứ 7, 10/08/2024, 02:25[GMT+7]

An Thái Khơi dậy hào khí Đông A thời đổi mới

Thứ 5, 23/02/2012 | 15:57:31
1,522 lượt xem
An Thái là xã nhỏ, ít dân nhưng lại có bề dầy văn hoá và lịch sử, đặc biệt là dấu ấn với Vương triều Trần. Truyền thống đó được các thế hệ người dân nơi đây gìn giữ, phát huy cả trong thời kỳ giữ nước và giai đoạn đổi mới hiện nay.

Đền thờ Đức Thánh Trần (Đệ Nhị sinh từ A Sào). Ảnh: Thành Tâm

Sau nhiều lần chia tách và sáp nhập, đến năm 1956 xã An Thái chính thức được thành lập từ xã Mỹ Xá cũ thuộc huyện Phụ Dực, nay là huyện Quỳnh Phụ. Theo thần phả và thánh tích, cư dân An Thái có từ thời nhà Lý. Họ đến từ các vùng miền khác nhau về đây khai phá đất hoang, lập nên các làng mạc trù phú. Hiện tại xã An Thái có 5 thôn hành chính, diện tích tự nhiên rộng 381ha, dân số khoảng 4.700 người. Ngay từ những năm đầu sau Công Nguyên, các tráng đinh An Thái đã theo Hai Bà Trưng lập nên nhiều chiến công hiển hách. Năm 938, người dân An Thái cùng nhân dân Ma Xá vận chuyển lương thảo, tre gỗ từ sông Hoá qua sông Luộc ra Bạch Đằng giúp Ngô Quyền đánh giặc. Thời nhà Lý, vùng đất An Thái là nơi cung cấp lương thực và binh lính phò giúp Lý Thường Kiệt kháng Tống. Đến thời nhà Trần, An Thái trở thành điền trang, thái ấp trù phú của Trần Liễu- là Phò mã của Vua Lý Huệ Tông. Đồng thời có đóng góp quan trọng cùng Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn 3 lần đại phá quân Nguyên- Mông...

Nói đến An Thái không thể không nhắc tới địa danh A Sào. Làng A Sào toạ lạc trên một vùng đất cao, hiếm khi xảy ra ngập lụt, vừa cận giang lại vừa cận lộ rất thuận tiện cho giao thông cả thuỷ và bộ. Theo thư tịch cổ, địa danh A Cảo (tên cổ của làng A Sào) đã có từ năm 1222, đến đời Vua Lý Huệ Tông đã ban các làng Lộng Khê, Đào Động, Ma Xá trại và A Cảo cho công chúa Thuận Thiên. Khi Thuận Thiên kết hôn với Trần Liễu thì A Sào trở thành phủ đệ của An Sinh Vương Trần Liễu. Cuối thế kỷ XIII, Trần Hưng Đạo đặt tại đây một kho lương và chiêu mộ binh sĩ chuẩn bị tiến đánh quân Nguyên- Mông, từ đó làng A Cảo mang tên mới là làng Gạo. Năm 1956, cái tên A Sào mới chính thức được đặt để tưởng nhớ công lao của vị khai ấp tiên công, nó có nghĩa là cái ổ, cái tổ của nhà Trần. Ngày nay làng A Sào vẫn còn lưu giữ được cụm di tích gắn liền với triều đại nhà Trần, đó là đền thờ Trần Quốc Tuấn, đình Mễ Thương (kho quân lương) và bến Tượng ven sông Hoá.

Bước vào thời kỳ đổi mới, người dân An Thái tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, hiếu học, cần cù lao động chung sức xây dựng quê hương ngày thêm giầu đẹp. Sản xuất nông nghiệp tuy vẫn giữ vai trò quan trọng nhưng đã có nhiều chuyển biến với việc cơ bản loại bỏ giống lúa dài ngày ra khỏi sản xuất vụ xuân, nhóm giống chất lượng cao hiện chiếm khoảng 30% diện tích, năng suất lúa hàng năm đạt khoảng 130 tạ/ ha. Bên cạnh hai vụ lúa, người dân còn tận dụng quỹ đất gieo trồng 115- 119ha cây vụ đông, chủ yếu là ngô, ớt và rau các loại góp phần đưa hệ số sử dụng đất lên 2,45 lần/ năm, bình quân giá trị sản xuất đạt khoảng 60 triệu đồng/ ha/ năm. Lĩnh vực chăn nuôi có sự chuyển biến nhanh theo hướng tập trung, quy mô lớn. Toàn xã hiện có 2 trang trại và 53 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thả thuỷ sản. Một số gia trại cho thu nhập lên tới cả trăm triệu đồng mỗi năm, điển hình như gia trại tổng hợp của gia đình anh Bào (thôn A Sào), gia đình anh ảnh (thôn Trung)…Cơ cấu đàn từng bước được điều chỉnh theo nhu cầu của thị trường và lấy hiệu quả kinh tế làm đầu, chủ lực là đàn trâu bò gần 300 con, đàn gia cầm có khoảng 16.500 con và 1.500 con lợn. Hàng năm cung cấp cho thị trường khoảng 180 tấn lợn hơi, 32 tấn trâu bò thương phẩm, 67 tấn thịt gia cầm và 37 tấn cá các loại.

Cùng với nông nghiệp, lĩnh vực ngành nghề thủ công có bước phát triển khá nhanh và toàn diện. Toàn xã hiện có khoảng 56 ngành nghề khác nhau như chế biến lương thực, xây dựng, gia công vàng mã xuất khẩu, đan mây tre, chế biến gỗ, dệt lưới cước... Lĩnh vực ngành nghề thủ công đang tạo việc làm cho khoảng 800 lao động. Bước đầu đã hình thành được một số xưởng sản xuất quy mô khá như dệt lưới cước, đan mây tre, túi móc nilon, may màn... mỗi cơ sở nói trên đang tạo việc làm cho 10- 40 lao động. Giá trị sản xuất TTCN hàng năm đạt gần 7 tỷ đồng... Các mặt hàng thủ công do người dân An Thái sản xuất và cung ứng cho thị trường ngày càng đa dạng, trung bình mỗi năm xuất bán hàng trăm bộ giường tủ các loại, hơn 400m2 cánh cửa pano các loại, gần 80.000 lá chiếu các loại, khoảng 8.000 chiếc nón lá, 11.000 sản phẩm may mặc dân dụng, 40 tấn lưới vó các loại, 57 tấn vàng mã xuất khẩu...

Nhờ đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nôi, coi trọng phát triển cây vụ đông, thu hút ngành nghề mới, đa dạng hoá dịch vụ... đến nay An Thái đã tăng tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp lên 41,4%, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm ở mức hai con số, đưa bình quân thu nhập khoảng 13,5 triệu đồng/ người/ năm.

Tới đây, An Thái sẽ dồn trọng tâm cho việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt để phục vụ xây dựng cụm di tích đền A Sào theo quy hoạch, thời gian tới xã sẽ phối hợp tích cực với các ngành chức năng làm tốt công tác giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công; quy hoạch khu thương mại- dịch vụ khu vực quanh di tích đền A Sào, phấn đấu chuyển khoảng 100- 150 lao động tham gia dịch vụ tại khu vực đền. Đồng thời huy động tối đa mọi nguồn lực tập trung đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân sở tại và du khách thập phương đến thăm viếng di tích đền A Sào.

Vũ Mạnh
 

 

  • Từ khóa