Thứ 7, 10/08/2024, 02:23[GMT+7]

Phụ nữ Thái Thụy Phát triển tiểu thủ công nghiệp để làm giàu

Thứ 3, 06/03/2012 | 09:31:37
1,205 lượt xem
Nhiều năm qua, chị em phụ nữ vùng biển Thái Thụy đã duy trì, du nhập phát triển nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp (TTCN), tạo việc làm với thu nhập ổn định cho trên 18 nghìn lao động nữ để biến ước mơ thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng thành hiện thực. Cả huyện Thái Thụy hiện có 185 cơ sở làm nghề TTCN do chị em làm chủ, phủ khắp 48/48 xã, thị trấn.

Cơ sở chế biến cá khô của chị Nguyễn Thị Đông, Khu 9, thị trấn Diêm Điền.

Thôn Vị Thủy, xã Thái Dương vốn có nghề truyền thống mây tre đan, không muốn nghề truyền thống của cha ông bị mai một dần, chị Đào Thị Tứ đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng, cộng với số tiền gia đình tự gom góp được trên 100 triệu đồng, đầu tư phát triển nghề làm tăm tre. Vừa bước chân vào cổng xưởng, chúng tôi đã được chứng kiến không khí làm việc khẩn trương của mấy chục con người, già có, trẻ có, nhưng nhiều nhất vẫn là chị em phụ nữ. Đống tre nguyên liệu mỗi lúc một vơi dần, tăm tre thành phẩm ngày càng nhiều lên, những chiếc tăm tròn, đều, nhẵn nhụi, dẻo dai, còn thơm mùi tre đã được đóng vào túi...

Chị Tứ nhẩm tính: cơ sở của chị có 150 người, già nửa đem vật liệu về nhà làm các công đoạn thủ công, thu nhập bình quân là 350.000- 800.000 đồng/người/tháng. Luôn đặt chất lượng lên hàng đầu nên tăm tre do cơ sở của chị Tứ làm ra rất được người tiêu dùng ưa chuộng, vì thế mà doanh thu bình quân năm 2011 đã đạt tới 500 triệu đồng. Cơ sở sản xuất của chị Tứ không chỉ góp phần duy trì, phát triển nghề thủ công truyền thống của địa phương mà còn giúp cải thiện cuộc sống cho nhiều chị em khác. Gia đình chị đã xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm nhiều tiện sinh hoạt đắt tiền, đầu tư cho con cái ăn học, nhiều năm liền đạt “Gia đình văn hóa”. Một số chị có khó khăn về vốn sản xuất tìm đến đều được chị Tứ giúp đỡ không lấy lãi.

Cũng chọn phát triển nghề thủ công vốn có của địa phương là mây tre đan và móc sợi, tạo việc làm ổn định cho 100 lao động nhưng chị Nguyễn Thị Nhung, thôn Lũng Tả, xã Mỹ Lộc còn phát triển cả chăn nuôi lợn nái, ngan, gà, vịt. Trừ chi phí mỗi năm gia đình chị thu lời trên 60 triệu đồng. Hay, cơ sở móc sợi của chị Nguyễn Thị Luyện, tổ trưởng tổ nghề móc sợi xã Thụy Chính, thường xuyên có 115 lao động làm việc, doanh thu mỗi năm trên 600 triệu đồng. Ở huyện biển anh hùng này, 132 cơ sở phát triển nghề mây tre đan, móc sợi, mỗi ngày thu hút hàng nghìn chị em tham gia, khiến nỗi lo nông nhàn sau mùa vụ vơi dần.

Xưa chỉ đàn ông làm thợ mộc, nhưng hiện nay số chị em tham gia phát triển nghề mộc dân dụng khá đông. Đây cũng là một trong các nghề chị em Thái Thụy chọn phát triển để làm giàu. Điển hình như chị Nguyễn Thị Chuyên, xã Thái Thành. Năm 2008, được Hội phụ nữ xã cho vay 7 triệu đồng, chị cùng với chồng mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô cơ sở sản xuất mộc dân dụng của gia đình, phát triển cả nghề móc sợi, cấy 8 sào ruộng, chăn nuôi lợn, gà. Mức thu nhập của gia đình tăng nhanh, hiện đạt gần 30 triệu đồng/năm, vì thế đời sống ngày càng được nâng lên rõ rệt.

Nói đến các mặt hàng từ cói, mọi người hay nghĩ tới những thương hiệu chiếu cói được sản xuất tại Quỳnh Phụ và Tiền Hải, nhưng nay trên mảnh đất ven biển Thái Thụy các cơ sở sản xuất mặt hàng từ cói đã hình thành, đang được chị em nhân ra diện rộng, góp phần làm thay đổi diện mạo làng xóm, thay đổi cuộc sống của nhiều người.  Nhưng trước hết phải kể đến những người đã có công du nhập nghề làm cói và mây giang xuất khẩu về địa phương, như chị Trần Thị Thiết, xã Thụy Sơn- hội viên tôn giáo, tạo việc làm thường xuyên cho 250- 300 lao động, với mức thu nhập ổn định.

Đan lát, thêu thùa vốn là sở trường của người phụ nữ xưa, nhiều năm qua lại được chị em phát huy để phục vụ quá trình làm giàu của gia đình. Nhiều tổ thêu xuất khẩu do phụ nữ làm chủ đã hình thành, hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo chị em tham gia. Tổ sản xuất của chị Nguyễn Thị Hương, xã Thái Xuyên là một ví dụ, chuyên sản xuất các sản phẩm đan từ sợi xuất khẩu, với 120 lao động làm nghề. Khi chị Hương có “bát ăn, bát để” thì chất lượng cuộc sống của người lao động cũng được nâng lên.

Không chỉ ở các xã ven biển mà ngay cả các xã không có biển, chị em đã biết tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu dồi dào tại chỗ, phát triển nghề chế biến thủy sản, làm ra nhiều sản phẩm từ cá, sứa, don… ăn liền vừa ngon, rẻ lại bổ dưỡng, đang dần khẳng định thương hiệu trên thị trường, góp phần đưa đặc sản của quê lúa tới người dân các tỉnh bạn, xây dựng được 12 cơ sở chế biến. Người đi tiên phong chính là các chị: Tạ Thị Sáu, Nguyễn Thị Đông (thị trấn Diêm Điền), Phạm Thị Chiến (Thụy Hải)… Cơ sở chế biến của các chị tạo việc làm cho 20 - 30 lao động, đến mùa vụ có tới hàng trăm người, thu nhập 900 -  2 triệu đồng/người/tháng.

Chị em phụ nữ xưa cả đời chỉ lo làm tốt việc nội trợ, chăm sóc chồng con, nhưng những người phụ nữ của thời kỳ CNH- HĐH đất nước hiện nay không chỉ đảm việc nhà mà còn tích cực phát huy nghề thủ công truyền thống, du nhập phát triển nghề mới để làm giàu cho mình, cho gia đình và cả cho nhiều người khác, góp phần phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Thu Hiền

 

 

 

 

 

  • Từ khóa