Thứ 7, 10/08/2024, 04:19[GMT+7]

Lần theo "vết" thời gian

Thứ 3, 27/03/2012 | 14:49:06
1,191 lượt xem
Chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 55 năm thành lập Công ty Cổ phần Hải Sản, anh Trần Văn Quang, Chủ tịch HĐQT công ty đưa tôi về Tiền Hải, để tìm lại vết thời gian của ngày đầu, đánh dấu sự ra đời của Trạm thuỷ sản – tiền thân của Công ty CP Hải sản Thái Bình hôm nay.

Thuyền về bến bình yên.

Nhân chứng mà chúng tôi gặp buổi sáng ấy không ai khác là bác Phạm Điền. Nằm khiêm nhường trong một con phố nhỏ của thị trấn Tiền Hải; Căn nhà của bác Điền giống như rất nhiều ngôi nhà đơn sơ, giản dị của phố biển này. Mở cổng đón chúng tôi vào nhà, ngắm nhìn ông, tôi vẫn nhận ra gương mặt rất thân quen của một vị giám đốc công ty cách đây 20 năm. Ngày đó, đầu những năm 90, tôi được toà soạn phân công phụ trách huyện Thái Thụy và kiêm luôn luôn cả “mảng” đề tài thuỷ sản... nên có nhiều cuộc làm việc với ông, dự nhiều hội nghị của Công ty Hải sản. Ấn tượng của tôi với ông khi lần đầu gặp nhau, đó là một giám đốc có vóc dáng cao to lừng lững, ăn nói dứt khoát và cũng có cách làm việc bộc trực, thẳng thắn. Một lần, ông về làm việc với huyện Thái Thụy về chủ trương ương nuôi tôm giống, chủ tịch UBND huyện ngày đó là ông Vũ Văn Điều mời tôi ra xem. Khi bắt tay, ông Điều giới thiệu đâu là nhà báo. Ông Điều cũng không kịp hỏi tôi ở báo nào, nên khi giới thiệu về mô hình nuôi con giống, thỉnh thoảng ông vẫn dùng chữ “tỉnh tôi”. Anh Điều, chủ tịch huyện cứ tủm tỉm cười vì sự nhầm lẫn đáng yêu của giám đốc Phạm Điền. Sau này, sang làm việc, quen nhau và cùng gắn bó một thời gian dài rồi ông về hưu, bẵng đi hôm nay mới lại gặp nhau.

Câu chuyện giữa chúng tôi với nguyên giám đốc Phạm Điền vẫn là làm rõ thời kỳ đầu thành lập công ty hải sản. Do đưọc thông báo trước nội dung cuả cuộc làm việc nên ông Điền đem ra cuốn sổ tay đã cũ, trong đó ghi khá đầy đủ những con số, sự kiện, thời gian... mà ông là một trong số ít các nhân chứng còn có mặt đến hôm nay. Ông kể về sự kiện trạm thuỷ sản được tách ra từ công ty thực phẩm (thuộc ty thương nghiệp), với cái tên sát thực tế: cửa hàng cá mắm cổ Rồng, Diêm Điền, Quỳnh Côi... Năm 1960 thành lập công ty cung tiêu thuỷ sản, ông nhớ là trụ sở ở phố Lê Lợi (thị xã), trực thuộc Sở Rượu, do ông Thảo ở Quỳnh  Côi phụ trách. Theo thời gian lúc nhập vào, tách ra.. nhưng chức năng của công ty cung tiêu là: Tiêu thụ sản phẩm của những người làm nghề cá của hai huyện biển: Cung cấp vật tư như: lưới nghề, máy móc, gỗ, tre, luồng... sau này cả xăng, dầu. Phương tiện lưới nghề, tàu thuyền cao nhất lúc ấy là 135-140 CV. Thời kỳ 1971-1984, có 6 chiếc tàu thuyền loại 200 CV, khai thác 2909 tấn hải sản các loại. Thập kỷ 80, khai thác được 5600 tấn gồm: HTX: 4100 tấn, cá thể 1100 tấn và quốc doanh 410 tấn. Năm 1970 chế biến 1952 lít nước mắm, 5,2 tấn cá khô, 171 tấn mắm tôm 1936 tấn chượp. Giai đoạn này, toàn tỉnh thành lập 12 HTX nghề cá, tổng số lao động 2031 người.

Sau thời kỳ 1986-1989 là giai đoạn khủng hoảng. Năm 1983, ông về làm quyền giám đốc Công ty Hải sản; năm 1988 là giám đốc. Năm 1989 thành lập liên hiệp các xí nghiệp thuỷ sản. Lúc này người ta ví cái mô hình này vừa đá bóng, vừa thổi còi. Nghĩa là, vừa quản lý nhà nước, vừa kinh doanh. Giám đốc LHTS trực tiếp làm giám đốc Công ty Hải Sản. Hoạt động theo mô hình gồm: Công ty Hải sản có nhiệm vụ khai thác, thu mua; xí nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thuyền; xí nghiệp khai thác. Từ năm 1993 trở lại Công ty Hải sản, phần quản lý nhà nước chuyển giao về Sở Nông nghiệp. Năm 2011 tái thành lập Sở thuỷ sản rồi lại sáp nhập về Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn như bây giờ. Cuối cùng, ông Điền kết luận: Ở thời kỳ nào thời cán bộ thuỷ sản đều là lực lượng giữ vai trò chủ chốt của ngành thuỷ sản Thái Bình.

Buổi chiều cùng ngày, anh Quang, chủ tịch HĐQT và anh Nguyên, giám đốc Công ty CP Hải sản bố trí để tôi có cuộc trò chuyện với bác Lê Trung Thanh người thứ 2 được chứng kiến những ngày đầu “khai sơn phá thạch”, cái nôi để có một Công ty CP Hải sản đang rất mạnh, như hôm nay.

Câu chuyện buổi chiều hôm ấy, chúng tôi vẫn muốn bác THanh nhớ lại những kỷ niệm xa xưa; có thể vết thời gian đã phủ bụi vào quá khứ, nhưng ký ức thì rất khó phai mờ. Đúng như điều chúng tôi mong đợi, bác Thanh nhớ khá kỹ cái ngày bác về làm ở trạm cửa Lân. Ngày đó, bác kể: Trạm đã xây được 4 dãy bể chượp (loại bể vuông); trạm có nhiệm vụ thu mua cá tươi của bà con đánh bắt và HTX nghề cá. Bác nhớ, lúc đó chủ yếu là cá khô và mắm tôm, không có nước mắm. Đầu năm 1960 thành lập xưởng nước mắm ở Tam Lạc và thành lập Công ty cung tiêu thủy sản, giống lời bác Phạm Điền đã kể và chính thời điểm này bác Thanh được kết nạp vào Đảng, đến nay đã có trên 50 năm tuổi Đảng. Chắp mối các thông tin ở giai đoạn sau, cơ bản hai bác Phạm Điền và Lê Trung Thanh đều có chung một lời kể về thời gian, quá trình xây dựng và chức năng, nhiệm vụ ở từng giai đoạn phát triển.

Chia tay hai bác – những cán bộ lâu năm tiền bối của ngành thuỷ sản, trân trọng sự cố gắng vượt qua khó khăn gian khổ của thời kỳ đầu “dựng nghiệp”. Đến nay vẫn tâm huyết, nặng lòng với Công ty CP Hải sản qua câu chuyện kể để thế hệ hôm nay hiểu thêm về lịch sử của Công ty.

Phạm Viết Thanh


  • Từ khóa