Thứ 7, 10/08/2024, 04:16[GMT+7]

Hội Người mù Thành phố Thái Bình Đi lên từ gian khó

Thứ 3, 27/03/2012 | 15:03:33
1,395 lượt xem
Hội Người mù Thành phố Thái Bình được thành lập ngày 3 tháng 11 năm 1983, lúc đầu chỉ có 2 cán bộ chuyên trách, 1 đồng chí ủy viên với 15 hội viên, trụ sở chưa có phải sinh hoạt nhờ. Để phát triển tổ chức, thu hút hội viên, Thường trực Hội khi đó đã tổ chức nghề đan võng, làm thảm chùi chân, những năm sau phát triển thêm nghề làm tăm tre. Đến năm 1997, số hội viên của Hội đã tăng lên hơn 100 người.

Hội CTĐ Thái Bình và công ty CP Hoàng Hà thăm, tặng quà người mù nghèo ở Quỳnh Phụ. Ảnh: Hoàng Minh

Cũng trong năm 1997, sau 15 năm sinh hoạt và sản xuất nhờ nhà dân, Hội được UBND tỉnh quan tâm cấp 570 m2 đất thuộc cơ sở sản xuất 8/3 đã giải thể. Ngoài 6 gian nhà đã xuống cấp, diện tích còn lại là một ao tù đầy nước. Khó khăn chồng chất khó khăn, song bằng nỗ lực tự thân cùng với sự quan tâm giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể của Thị xã Thái Bình lúc đó, Hội đã mạnh dạn vay vốn từ các nguồn quỹ ưu đãi tổ chức dạy nghề, đồng thời tiến hành xây dựng, tu sửa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, duy trì nghề sản xuất tăm tre (tạo việc làm và thu nhập cho 15 hội viên lao động tập trung và 15 gia đình hội viên nhận việc làm tại nhà), dạy nghề bện chổi đót, đan làn ni lông, làm que kem cho hội viên. Vừa sản xuất vừa học hỏi, chú trọng nâng cao chất lượng, sản phẩm tăm tre của Hội đã có chỗ đứng trên thị trường trong tỉnh và một số tỉnh miền Trung. Số liệu tổng hợp 5 năm (từ 2006 đến năm 2011) cho thấy, Hội đã sản xuất và tiêu thụ được 1.200 chiếc chổi đót, sản xuất 190 tấn tăm tre sơ chế và 6 triệu gói tăm các loại, doanh thu đạt 2.990 triệu đồng. 30 lao động có việc làm thường xuyên với thu nhập bình quân từ 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng/người/tháng. Đời sống của hội viên được nâng lên, quỹ Hội hàng năm được bổ sung 20 triệu đồng.

Năm 2004, Thị xã Thái Bình trở thành Thành phố Thái Bình. Năm 2008, Thành phố được mở rộng, tiếp nhận thêm 5 xã thuộc 3 huyện Vũ Thư, Kiến Xương, Đông Hưng và thành lập thêm một phường mới, số hội viên của Hội tăng lên 162 người. Nắm bắt nhu cầu của thị trường, đồng thời tạo thêm việc làm cho người mù, BCH Hội thống nhất xây dựng cơ sở dịch vụ tẩm quất cổ truyền và xông hơi. 20 hội viên được chọn cử đi học kỹ thuật tại Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề Hội Người mù tỉnh, sau đó 3 hội viên tiếp tục được cử đi học nâng cao tay nghề tại T.Ư Hội Người mù Việt Nam. Đến nay, sau gần 10 năm hoạt động, dịch vụ tẩm quất cổ truyền và xông hơi đang là nghề mũi nhọn của Hội. Tính riêng giai đoạn 2006 – 2011, dịch vụ này đã đạt tổng doanh thu trên 2,4 tỷ đồng. Lương bình quân của 16 kỹ thuật viên đạt từ 1,7 triệu đồng trở lên/người/tháng. Sản xuất tăm tre, dịch vụ tẩm quất cổ truyền và xông hơi phát triển, hàng năm Hội đã trích kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và phục vụ sản xuất, chăm lo đời sống hội viên. Đến nay Hội đã xây dựng được trụ sở 2 tầng để các đồng chí trong thường trực làm việc, góp phần nâng cao vị thế của Hội. Cùng với nguồn quỹ Hội và tranh thủ các nguồn tài trợ, trung bình mỗi năm Hội Người mù Thành phố đã tặng quà cho 500 lượt hội viên. Hiện toàn Hội có 50 hội viên biết đọc, viết thành thạo chữ nổi Braille, một số cán bộ thường trực còn biết sử dụng máy vi tính. Hội đã hoàn thành chương trình xóa nhà ở dột nát, xóa đói thông tin cho hội viên. Số hộ nghèo còn 20%, giảm 10% so với năm 2005.

Trải qua gần 30 năm xây dựng và hoạt động với 7 kỳ đại hội, Hội Người mù Thành phố đã và đang có những bước phát triển vững chắc. Từ chỗ chỉ có 15 hội viên đến nay Hội đã thu hút được 162 hội viên tham gia sinh hoạt ở 16 chi hội thuộc 19 phường, xã. Trong quá trình hoạt động, Hội không ngừng khắc phục khó khăn, vươn lên tự khẳng định mình, đóng góp tích cực cho phong trào chung của tổ chức hội người mù trong toàn tỉnh, đồng thời còn là chỗ dựa tin cậy cho hội viên. Hội đã có 1 năm đạt danh hiệu Đơn vị xuất sắc toàn diện của Hội Người mù tỉnh, 4 năm liên tục đạt danh hiệu Đơn vị tiên tiến, những năm còn lại đều hoàn thành nhiệm vụ. Hội và nhiều tập thể chi hội, cá nhân hội viên đã được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của T.Ư Hội, UBND tỉnh, Hội Người mù tỉnh, UBND Thành phố. 2 cán bộ được nhận kỷ niệm chương của T.Ư Hội Người mù Việt Nam.

Phát huy thành tích đã đạt được, tự tin ở chính mình, thời gian tới Hội Người mù Thành phố xây dựng mục tiêu: tăng cường đoàn kết xây dựng tổ chức hội vững mạnh; duy trì sản xuất tăm tre, dịch vụ tẩm quất cổ truyền và xông hơi; chủ động vay vốn từ các nguồn tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên; thực hiện xóa đói giảm nghèo, bình đẳng vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Minh Sơn

  • Từ khóa