Thứ 6, 17/01/2025, 04:51[GMT+7]

Tăng cường phòng, chống dịch tay chân miệng

Thứ 3, 03/04/2012 | 16:03:36
1,337 lượt xem
Ngày 28/3/2012, UBND tỉnh Thái Bình đã ra Công văn số 562 về việc tăng cường phòng, chống dịch tay chân miệng. Toàn văn như sau:

Ảnh minh họa

Theo thông báo của Bộ Y tế, từ 01/01/2012 đến nay, tình hình bệnh dịch tay chân miệng tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, tính đến ngày 09/3/2012 đã ghi nhận 12.442 trường hợp mắc tạo 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 11 trường hợp tử vong, số mắc tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm 2011. Các trường hợp mắc và tử vong tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 3 tuổi và có nguy cơ tiếp tục gia tăng số mắc và tử vong trong thời gian tới. Để đẩy mạnh các hoạt động phòng chông dịch, đồng thời thực hiện Công điện số 1283/CĐ-BYT, ngày 13/3/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Tăng cường phòng chống dịch tay chân miệng; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai các nội dung hoạt động sau:

1. Sở Y tế

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành chủ động, tích cực triển khai các hoạt động giám sát phát hiện sớm dịch bệnh; phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo, các xã, phường, thị trấn giám sát dịch bệnh tại các nhà trường; đặc biệt các trường mầm non, tiểu học.
- Tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ về giám sát phát hiện dịch, phân loại mức độ bệnh, phác đồ cấp cứu, điều trị và kỹ năng xử lý ổ dịch.
- Kiểm tra, rà soát các nguồn lực tham gia phòng chống dịch tại tất cả các cơ sở y tế; chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, dụng cụ; chuyên môn; buồng bệnh; thuốc (trong đó phải sẵn sàng có gama globulin) để thu dung, cấp cứu, điều trị người bệnh và đảm bảo đáp ứng dập dịch kịp thời khi dịch xảy ra không để dịch lan rộng; đặc biệt không để xảy ra tử vong do phát hiện muộn và xử lý không kịp thời.
- Tham mưu UBND tỉnh kế hoạch tổ chức phát động hưởng ứng “chiến dịch quốc gia phòng chống bệnh tay chân miệng”. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể trong tuyên truyền phòng chống dịch.
- Cập nhật và báo cáo thường xuyên tình hình dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh theo quy định.

2. Sở Giáo dục và Đào tạo

Chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thành phố; các trường Trung học phổ thông; Giáo dục thường xuyên tổ chức các hoạt động phòng chống dịch tay chân miệng trong các trường; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về sinh phòng bệnh. Phối hợp thường xuyên với ngành y tế, nắm bắt và thông báo kịp thời tình hình dịch bệnh; đồng thời triển khai tích cực các biện pháp phòng chống dịch trong các nhà trường.

3. Sở Thông tin Truyền thông, Đài PTTH tỉnh, Báo Thái Bình.

Chủ động phối hợp với ngành y tế và các ngành liên quan đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông phòng chống dịch tay chân miệng trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp tổ chức phát động hưởng ứng “chiến dịch quốc gia phòng chống bệnh tay chân miệng”.

4. Các sở, ban, ngành khác

Căn cứ theo chức năng nhiệm vụ xây dựng chương trình, nội dung cụ thể, đồng thời phối hợp với ngành y tế triển khai các hoạt động thiết thực phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.

5. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

Chỉ đạo kiện toàn Ban chỉ đạo phòng chống dịch cấp huyện và xã; có kế hoạch hành động phòng chống dịch tay chân miệng của địa phương. Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn và các ngành, đoàn thể tham gia công tác phòng chống dịch. Đầu tư các nguồn lực: nhân lực, vật tư, hóa chất, thuốc, trang thiết bị, kinh phí... đảm bảo cho công tác phòng, chống dịch.
Nhận Công văn yêu cầu các ngành thành viên Ban chỉ đạo phòng chống dịch của tỉnh; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, UBND các huyện, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện.


 

  • Từ khóa