Chủ nhật, 28/07/2024, 13:34[GMT+7]

Vượt khó ở Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công

Thứ 6, 27/04/2012 | 15:00:33
2,099 lượt xem
Trong mấy chục năm hoạt động, với muôn vàn khó khăn nhưng đội ngũ cán bộ ở Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Cán bộ y tế Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công thăm, khám sức khỏe bệnh nhân.

Hiện nay 63 cán bộ, nhân viên Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công đang phục vụ trên 200 đối tượng, trong đó nhiều người tuổi cao, bệnh nặng. Quản lý, chăm sóc người bệnh bình thường đã khó, quản lý, chăm sóc bệnh nhân tâm thần còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Bởi họ thường không làm chủ được hành vi của mình – nhất là những bệnh nhân nặng, dễ có hành động, việc làm bột phát. Hiếm có nơi nào bệnh nhân thường vượt qua những hàng rào thép gai cao quá đầu người để trốn ra ngoài nhưng ở Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công việc cán bộ, nhân viên phải phân công nhau đi tìm và đưa đối tượng trở về không còn là chuyện lạ. Nhưng chuyện đó còn nhẹ nhàng hơn việc cán bộ, nhân viên Trung tâm bị bệnh nhân tấn công lúc bệnh lên cơn. Trong mấy chục năm hoạt động vừa qua, các thế hệ cán bộ của Trung tâm đã từng chứng kiến đồng nghiệp của mình bị bệnh nhân đánh mù mắt, gãy xương hay hất cả xoong nước đang sôi vào người… Nghe những câu chuyện ấy, chúng tôi thầm nghĩ, những người làm việc ở nơi này ngoài tình cảm, trách nhiệm còn cần có thêm lòng dũng cảm.

Khó khăn ở Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công không chỉ do đặc thù công việc mà còn đến từ những bất cập về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị. Theo lãnh đạo Trung tâm, chất lượng đội ngũ cán bộ ở đây còn nhiều điều phải quan tâm. Số cán bộ có tuổi hầu hết được rèn luyện trong môi trường quân đội, có ý thức tổ chức kỷ luật, kinh nghiệm và lòng nhiệt tình trong công tác nhưng đa số tuổi đã cao, không còn phục vụ lâu dài được nữa. Những cán bộ trẻ mới được bổ sung được đào tạo cơ bản nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm trong phục vụ người bệnh tâm thần, còn phải rèn luyện và học tập nhiều nmới có thể đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong khí đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phần nhiều đã xuống cấp hoặc còn thiếu thốn cũng phần nào làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt là khu nhà ở bệnh nhân được xây dựng từ những năm 1980 của thế kỷ trước nay đã xuống cấp trầm trọng, ẩm thấp, dột nát…

Khó khăn là vậy song các mặt công tác của Trung tâm vẫn được duy trì ổn định, nền nếp. Công tác nuôi dưỡng trong điều kiện giá cả không ngừng “leo thang” là một thách thức không nhỏ. Cùng với các nguồn thực phẩm từ bên ngoài, đơn vị đã phát động phong trào tăng gia, do vậy đã góp phần bảo đảm được 30% thực phẩm (chủ yếu là thịt lợn và cá), riêng rau xanh đã cơ bản chủ động. Ngoài ra còn trích kinh phí mua bổ sung 1 máy lọc nước bảo đảm chất lượng nước phục vụ ăn uống hàng ngày. Những biện pháp trên đã góp phần nâng cao chất lượng các bữa ăn của bệnh nhân, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong công tác y tế, Trung tâm cũng gặp không ít khó khăn do do đội ngũ cán bộ chuyên môn tuy đông nhưng chất lượng chưa cao. Đơn vị chỉ có 1 bác sĩ thì vừa làm công tác chuyên môn vừa tham gia công tác quản lý; 1 y sĩ thì tuổi đã cao, sức khỏe yếu; số cán bộ còn lại chủ yếu là điều dưỡng viên. Những yếu tố trên làm ảnh hưởng đến việc thăm khám thường xuyên cho bệnh nhân. Đây là điều mà lãnh đạo đơn vị luôn trăn trở, tìm giải pháp cũng như động viên cán bộ, nhân viên cố gắng nhiều hơn nữa trong công việc được giao.

Quá trình vượt khó thực hiện nhiệm vụ ở Trung tâm Điều dưỡng người tâm thần có công không thể không nhắc đến vai trò của các tổ chức đoàn thể. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng và vai trò nòng cốt của các đảng viên, các đoàn thể củng cố lại tổ chức, hoạt động đều, góp phần hoàn thành nhiệm vụ chung. Nếu như hội cựu chiến binh (với số lượng hội viên chiếm 1/3 tổng số cán bộ, nhân viên toàn đơn vị) là lực lượng giữ vai trò “đầu tàu, gương mẫu”, có nhiều kinh nghiệm trong công tác chuyên môn thì đoàn thanh niên đã thể hiện được sức trẻ, lòng nhiệt tình, hăng hái tham gia các phong trào, hoạt động cơ quan tổ chức, phát động. Hội phụ nữ Trung tâm có số lượng hội viên đông (chiếm ½ số lượng cán bộ, nhân viên của cơ quan), là tổ chức đoàn thể hoạt động thường xuyên, nền nếp. Phong trào thi đua “Phụ nữ hai giỏi” đã góp phần tích cực vào chất lượng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của cơ quan.

Theo Giám đốc Trung tâm Phạm Xuân Vỵ, làm công tác phục vụ cho những người có công với đất nước thì 2 chữ “Tâm – Đức” phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng khi những người mà mình phục vụ là những bệnh nhân tâm thần do hậu quả của chiến tranh cùng với điều kiện công tác còn nhiều khó khăn thì những người phục vụ còn cần thêm chữ “Nhẫn”. Nếu không biết “nhẫn” sẽ không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao. “3 chữ “Tâm – Đức – Nhẫn” là những phẩm chất cần có của những người công tác tại cơ quan chúng tôi. Đó cũng là cơ sở, là nền tảng để chúng tôi thực hiện nhiệm vụ của mình”  – anh Vỵ chia sẻ.

Bài, ảnh: Minh Sơn

  • Từ khóa