Thứ 7, 10/08/2024, 06:42[GMT+7]

Công đoàn ngành Công thương Chung tay gỡ khó cùng doanh nghiệp

Thứ 5, 03/05/2012 | 09:19:59
1,088 lượt xem
Trong quá trình hoạt động của mình, Công đoàn ngành Công thương luôn gắn việc xây dựng tổ chức vững mạnh với đa dạng hoá các phong trào thi đua, hướng hoạt động về cơ sở. Qua đó vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, vừa góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chung của ngành.

Lãnh đạo Công đoàn ngành Công thương kiểm tra đời sống và việc làm của người lao động tại Đông Hưng.

Thời gian qua tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do khủng hoảng kinh tế thế giới và lạm phát trong nước leo thang làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động và hoạt động của tổ chức công đoàn. Xác định rõ sản xuất kinh doanh có phát triển thì hoạt động công đoàn mới ổn định, Công đoàn ngành thường xuyên cử cán bộ đi cơ sở nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng của người lao động cùng những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải để đề xuất kiến nghị và tham mưu với ngành, lãnh đạo doanh nghiệp hướng giải quyết khắc phục.

Chỉ đạo CĐCS tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, TDTT nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động ngoài giờ làm việc. Hiện toàn ngành có 11 đơn vị duy trì thường xuyên hoạt động của các sân cầu lông, 2 đơn vị có thêm sân bóng đá và 5 đơn vị có thêm khu đánh bóng bàn, 10 đơn vị có tủ sách, 15 đơn vị nối mạng internet để người lao động tham khảo thông tin phục vụ tác nghiệp và giải trí. Năm 2011, có 6 CĐCS tổ chức hội thao, riêng Công đoàn ngành đã phối hợp với Sở Công thương tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng thu hút trên 700 CNV- LĐ tham gia. Ngoài ra Công đoàn ngành còn quyên góp sách báo, tạp chí và các văn bản tài liệu liên quan đến chế độ chính sách với người lao động để các công nhân, viên chức tham khảo và vận động đoàn viên công đoàn của 2 đơn vị tham gia hiến máu nhân đạo...

Cùng với việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục,  Công đoàn ngành Công thương đã làm tốt vai trò đại diện, tham gia quản lý, kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật giúp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Hàng năm, Công đoàn ngành đều chỉ đạo các CĐCS tổ chức tuyên truyền, tập huấn về công tác BHLĐ, hiện toàn ngành có 13 đơn vị thành lập được Hội đồng BHLĐ và 138 người tham gia mạng lưới an toàn vệ sinh viên. Hầu hết các đơn vị đều trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ cho người lao động như quần áo, găng tay, mũ, khẩu trang...Đồng thời thực hiện chi bồi dưỡng độc hại và tiền ăn ca ba theo đúng quy định.

Việc thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động được duy trì khá tốt, toàn ngành hiện có trên 3.400 CNV- LĐ được ký hợp đồng lao động, chiếm 85% tổng số lao động; gần 3.000 người được đóng BHXH, BHYT và BHTN, chiếm 74%; 13 đơn vị thực hiện ký thoả ước lao động tập thể, chiếm 76% tổng số đơn vị; các CĐCS còn tổ chức giới thiệu việc làm và phối hợp đào tạo nghề cho 475 lao động. Chỉ đạo 100% CĐCS tổ chức hội nghị cán bộ công chức và 12 đơn vị tổ chức hội nghị người lao động, qua đó giúp điều chỉnh, bổ sung thảo ước lao động tập thể, hoàn thiện quy chế nội bộ và kiện toàn Ban thanh tra nhân dân.

BCH công đoàn cơ sở còn tích cực tham gia xây dựng định mức lao động, thang bảng lương, xây dựng nội quy, quy chế của đơn vị nhằm phát huy tối đa quyền dân chủ và lợi ích của người lao động. Đặc biệt hàng năm, Công đoàn ngành đều phát động và tổ chức ký giao ước thi đua giữa các đơn vị trong ngành, trọng tâm là phong trào: Lao động giỏi, lao động sáng tạo; luyện tay nghề thi thợ giỏi; 90 ngày đêm nước rút về trước kế hoạch năm; phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất; người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; tiết kiệm điện trong sản xuất và sinh hoạt...

Thông qua các phong trào thi đua yêu nước giúp tăng năng suất lao động, nâng cao thu nhập cho công nhân, cải tiến và sáng tạo kỹ thuật mới áp dụng vào thực tiễn như việc chế tạo thành công máy ép điểm và máy hút chỉ tự động tại Công ty cổ phần may Việt Hưng. Sau mỗi phong trào thi đua, các đơn vị đều tổ chức sơ kết, động viên khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân tiêu biểu. Đi đầu trong phong trào này phải kể đến Công ty cổ phần may xuất khẩu Thái Bình, Công ty cổ phần đầu tư XNK Thăng Long, Công ty TNHH một thành viên XNK Thái Bình...

Ngoài ra, hàng năm CĐCS còn tổ chức cho hơn nửa số CNV- LĐ đi tham quan nghỉ mát trong và ngoài nước; vận động đóng góp xây dựng quỹ nhân đạo từ thiện; đề xuất LĐLĐ tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà mái ấm công đoàn cho chị Nguyễn Thị Thía, công nhân Công ty cổ phần may xuất khẩu Thái Bình với số tiền 20 triệu đồng; cho lao động vay vốn phát triển sản xuất với số tiền 350 triệu đồng; tạo điều kiện cho 57 đoàn viên công đoàn tham dự lớp học tìm hiểu về Đảng, tạo nguồn kết nạp mới 25 đảng viên trẻ. Tổ chức gặp mặt, tặng quà cho hơn 900 học sinh là con CB- CNV- LĐ với số tiền 86 triệu đồng; tặng quà nhân dịp Tết Trung thu và ngày Quốc tế thiếu nhi 1/ 6 với số tiền gần 85 triệu đồng... Nhờ các phong trào đa dạng và thiết thực nói trên, năm 2011 Công đoàn ngành Công thương đã thu hút thêm 330 đoàn viên gia nhập tổ chức. Góp phần duy trì việc làm ổn định cho trên 4.000 lao động với mức thu nhập trung bình từ 2,5- 3 triệu đồng/ người/ tháng, tăng 25% so với năm 2010. Toàn ngành có 7/ 15 CĐCS đạt danh hiệu vững mạnh xuất sắc...

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Công Xuân- Chủ tịch Công đoàn ngành Công thương cho biết, tới đây Công đoàn ngành sẽ hướng trọng tâm vào việc phát động các phong trào thi đua yêu nước; phối hợp xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ tại các công ty cổ phần, công ty TNHH và doanh nghiệp Nhà nước; xây dựng nếp sống văn hoá doanh nghiệp. Đặc biệt, chú trọng việc nâng cao chất lượng nội dung các bản thoả ước lao động tập thể, coi đây là biện pháp quan trọng nhất để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người lao động...

Vũ Mạnh

  • Từ khóa