Thứ 2, 05/08/2024, 19:18[GMT+7]

“Bảo tàng” làng độc đáo

Thứ 2, 09/09/2019 | 10:02:21
1,204 lượt xem
Ở xã Thụy Trình (Thái Thụy) có một điểm đến mà từ lâu người dân địa phương vẫn tự hào gọi là “bảo tàng” làng Quảng Nạp bởi ở đó lưu giữ và trưng bày hơn 400 tư liệu, hiện vật về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cùng những đồ dùng phục vụ nông nghiệp, vật dụng sinh hoạt của các gia đình nông thôn trước kia, có những hiện vật đã hơn 100 năm tuổi.

Ông Tạ Quốc Trị giới thiệu cho các cháu học sinh dụng cụ dùng để thu hoạch lúa trước kia.

Được xây dựng từ những con người tâm huyết

Năm 2012, ý tưởng xây dựng “bảo tàng” được đưa ra với sự thống nhất của chính quyền địa phương, ban điều hành làng và người dân địa phương. Mục đích ban đầu của những người đưa ra ý tưởng là làm sao thế hệ trẻ hiểu được sự anh dũng của cha ông trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như những nét văn hóa, lịch sử của làng thông qua các hiện vật trưng bày. Vì thế, sau khi địa phương đồng ý cho sử dụng trường mẫu giáo cũ là nơi trưng bày hiện vật, ban điều hành làng đã vận động con em địa phương đóng góp tu sửa và mua các vật dụng thiết yếu phục vụ cho việc lưu giữ, trưng bày hiện vật. Sau hai năm hình thành ý tưởng, “bảo tàng” chính thức ra đời.

Ông Tạ Quốc Trị, trưởng ban điều hành làng cho biết: Để thuyết phục người dân trao tặng hiện vật không hề đơn giản bởi đó là ký ức, kỷ niệm, là một phần không thể nào quên trong cuộc đời mà họ đã nâng niu, giữ gìn nhiều năm. Các thành viên trong ban điều hành làng nhiều người đã lớn tuổi nhưng vẫn tích cực đến từng gia đình để thuyết phục, vận động giúp họ hiểu về mục đích, ý nghĩa giáo dục của việc trưng bày hiện vật. Nhờ đó, số lượng hiện vật trao tặng ngày càng nhiều.

Từ không có cơ sở, không hiện vật, tư liệu, không người thuyết minh, đến nay “bảo tàng” làng Quảng Nạp đã có khu trưng bày rộng 200m2 và hơn 400 tư liệu, hiện vật trao tặng. Thiếu thuyết minh viên, ông Tạ Quốc Trị, gần 80 tuổi đã đứng ra nhận nhiệm vụ này. Dù không qua trường lớp đào tạo chuyên môn về lĩnh vực thuyết minh bảo tàng nhưng ông Trị lại có thể giới thiệu bài bản, khoa học về các tư liệu, hiện vật. Dưới sự giới thiệu của ông Trị, các tư liệu, hiện vật được tái hiện một cách sinh động, cụ thể giúp khách tham quan hiểu được đó là cái gì, ở đâu, của ai, có từ bao giờ.

Điểm đến văn hóa, lịch sử

Để người dân dễ dàng quan sát, tìm hiểu, “bảo tàng” chia làm hai khu trưng bày với chủ đề: Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp, Mỹ và nông nghiệp, đồ dùng cho sinh hoạt trước những năm 1980. Ở khu trưng bày về lực lượng vũ trang nhân dân có rất nhiều hiện vật quý như: chiếc áo trấn thủ, ba lô, mã tấu, nắp hầm bí mật... Còn ở khu trưng bày nông nghiệp, đồ dùng cho sinh hoạt trước những năm 1980 có lưỡi tuyết, con dấu của địa chính làng, lưỡi hái lúa, thước đo địa chính, mâm hầu tổ... trong đó nhiều hiện vật đã hơn 100 năm tuổi. Bên cạnh đó, “bảo tàng” còn trưng bày hình ảnh về những người con quê hương tiêu biểu, danh sách các liệt sĩ và quá trình sản xuất nón - nghề truyền thống của địa phương. Với đa dạng tư liệu, hiện vật, đến nay, “bảo tàng” đã đón tiếp nhiều lượt khách trong và ngoài tỉnh tham quan và mở cửa thường xuyên phục vụ học tập chuyên đề của học sinh.

Em Vũ Ngọc Khánh, học sinh Trường Tiểu học, THCS Thụy Trình cho biết: Được tận mắt chứng kiến và nghe giới thiệu về các tư liệu, hiện vật, chúng em đã hiểu hơn về văn hóa, lịch sử dân tộc. Nếu như những tư liệu, hình ảnh về lực lượng vũ trang là minh chứng lịch sử giúp chúng em nâng cao sự hiểu biết về cuộc đấu tranh anh dũng bảo vệ dân tộc, những hy sinh của thế hệ cha anh đi trước thì những nông cụ lao động đơn sơ và vật dụng sinh hoạt hàng ngày của người dân nông thôn lại giúp chúng em hiểu hơn về cách làm ra hạt lúa, hạt gạo cũng như sự khó khăn, vất vả của các gia đình nông thôn trước kia.

Ông Tạ Quốc Trị cho biết thêm: Hiện nay, công tác sưu tầm hiện vật, tư liệu vẫn được ban điều hành làng duy trì vào dịp hội làng hàng năm. Chúng tôi dự kiến sẽ sưu tầm thêm các loại đèn, dụng cụ bắt cá nhằm làm phong phú thêm kho tư liệu, hình ảnh trưng bày đồng thời lập hồ sơ để được công nhận là bảo tàng chính thức.

Không chỉ làm tốt chức năng quảng bá nét đẹp văn hóa địa phương, “bảo tàng” làng Quảng Nạp còn là điểm đến lý tưởng cho những ai thích khám phá văn hóa nông thôn Việt Nam trước những năm 1980 và tìm hiểu về lịch sử dân tộc qua hai cuộc kháng chiến. Đây thực sự là điểm đến ý nghĩa, thiết thực cho thế hệ trẻ. Các hiện vật, tư liệu trưng bày sẽ giúp các bạn trẻ thêm yêu quê hương, đất nước, biết trân trọng gìn giữ những gì cha ông đã dày công tạo lập.

Hoàng Lanh

  • Từ khóa