Thứ 7, 10/08/2024, 06:42[GMT+7]

"Chung một tấm lòng" vì người nghèo, trẻ mồ côi, khuyết tật

Thứ 6, 04/05/2012 | 14:53:30
1,061 lượt xem
Đã nhiều lần xuống xã Nam Hải (Tiền Hải) làm việc, nhưng hôm nay trong tôi lại có một cảm giác khác lạ: háo hức xen lẫn hồi hộp, cứ như mình là một trong những hộ nghèo sắp được tặng tư liệu sản xuất quỹ hỗ trợ sinh kế trong Ngày hội “Chung một tấm lòng” vì người nghèo, trẻ mồ côi, khuyết tật, do MTTQ phối hợp cùng Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết tỉnh, Hội bảo trợ người tàn tật tổ chức tại xã Nam Hải.

Anh Đỗ Văn Huynh và mẹ già phấn khởi chăm sóc bò giống được trao tặng

Ngay từ rất sớm một ngày cuối tháng 3, đông đảo bà con xã Nam Hải anh hùng đã tề tựu đông đủ trong sân UBND xã, tham dự Ngày hội “Chung một tấm lòng” vì người nghèo, trẻ mồ côi, khuyết tật. Khuôn mặt ai cũng rạng ngời hạnh phúc. Họ đến đón nhận 12 con bò giống (trị giá 108 triệu đồng), gần 60 xuất quà do các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trao tặng, có nhiều người chỉ đến để chia sẻ với niềm vui của những hộ khó khăn nay được đón nhận tư liệu sản xuất quý. Đây là một trong những hoạt động của chương trình hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, trẻ mồ côi, khuyết tật, góp phần xóa đói giảm nghèo, chung tay xây dựng nông thôn mới.

Ông Vũ Tế Xương, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Xổ số kiến thiết tỉnh tâm sự: Trọn trao bò giống sinh sản là xuất phát từ lời đúc kết chí lý của các cụ ta xưa “Hãy cho họ cần câu, chứ đừng cho họ con cá”, bởi cho cá, họ chỉ giải quyết được cái đói tạm thời, còn cho cần câu họ sẽ phải nghĩ ra cách sử dụng để câu cá và ngày nào họ cũng có thức ăn, cuộc sống tất sẽ khấm khá dần. Với người nghèo, người khuyết tật, nuôi bò là công việc hợp với sức khỏe, có thể thực hiện lời dạy của Bác Hồ “tàn nhưng không phế”. Một năm ít nhất các hộ sẽ có thêm một con bê, sau 3- 4 tháng có thể bán được 8-9 triệu đồng mà bò mẹ vẫn còn, đó quả là nguồn thu nhập cao.

Những hộ nghèo được tặng bò sinh sản cũng nhận ra giá trị lớn của món quà nên vô cùng phấn khởi. Anh Đỗ Văn Huynh 33 tuổi, thôn Đông La, bị tàn tật bẩm sinh, phải nhờ cây gậy để đi lại mà vẫn thấy khó khăn, vậy nhưng khi nhận được bò giống, quên cả hai chân đau và quãng đường dài hơn 3 cây số, cùng cậu con trai nhỏ hăm hở dắt bò về nhà. Mẹ già gầy yếu, vợ con nhỏ ẵm ngửa trên tay cứ đi ra, đi vào trông ngóng, đến khi nhìn thấy cái dáng xiêu vẹo của anh từ xa, cùng reo lên: về kia rồi và mải mốt chạy ra đón, mừng như bắt được vàng. Người vui nhất chính là anh Huynh. Bởi, từ trước tới nay, anh Huynh không thể làm được việc gì giúp mẹ và vợ con, khiến vợ phải một mình cấy 2 sào ruộng khoán, sớm tối mò cua, bắt ốc nuôi 5 miệng ăn. Vừa cầm nắm cỏ cắt sẵn từ hôm qua cho bò ăn, anh Huynh vừa nói trong cơn xúc động: Có bò, tôi sẽ đảm nhận việc chăm sóc nó. Từ nay tôi đã có một công việc thích hợp để kiếm tiền phụ giúp vợ, sớm xóa nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Gia đình tôi rất biết ơn những tấm lòng vàng của ban tổ chức chương trình.

Những tưởng gia cảnh của anh Huynh đã là cùng cực rồi, nhưng đến thăm mẹ con em Vũ Văn Sinh mới thấy thương cảm. Căn nhà đại đoàn kết mới được MTTQ vận động hỗ trợ xây dựng năm ngoái, tềnh toàng, chẳng có vật dụng gì giá trị, ngoài cái giường cũ rệu rạo, cái bàn học vẹo vọ vì quá tải bởi hàng chồng sách vở của cậu chủ chăm ngoan, học giỏi. Mấy cái giấy khen học sinh tiến tiến dán ngay ngắn trên tường của Sinh khiến ngôi nhà bớt đi vẻ cô quạnh. Mẹ của Sinh, chị Vũ Thị Mười, đứng cạnh cửa sổ, mồm lẩm bẩm những câu vô nghĩa, ánh mắt vô hồn nhìn xa xăm, rồi lại thờ thẫn nhìn chúng tôi khi chúng tôi bước vào nhà. Đồng chí lãnh đạo xã cho biết: Chị Mười 50 tuổi, bị tâm thần, mỗi ngày nặng thêm, nhiều năm nay không còn khả năng lao động. Con trai chị đang học lớp 12, ngoan ngoãn, học giỏi, lễ phép, còn ít tuổi nhưng lại là lao động chính của gia đình, nên người em nhỏ thó. Trong khi nhiều bạn bè cùng trang lứa chỉ mỗi việc ăn và học thì Sinh đã phải oằn mình bươn trải với cuộc sống: sáng dậy sớm đi học, trưa mải mốt về nấu cơm, chiều ra đồng chăm lúa, nuôi gà, chăm sóc mẹ ốm đau. Nay có thêm con bò, chắc em còn phải vất vả hơn nữa? Nghe tôi hỏi, em cười bảo: Vất vả em không nản, em chỉ mong có sức khỏe để chăm mẹ, làm việc kiếm tiền, học hành đến nơi đến chốn, sớm có việc làm ổn định nuôi mình và mẹ già. Mong rằng thời gian tới Sinh sẽ tiếp tục nhận được sự giúp đỡ, động viên của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng bà con lối xóm, thầy cô và bạn bè để ước mơ giản dị, khiêm tốn đó sớm trở thành hiện thực.

Để trở thành xã nông thôn mới, thì phải phấn đấu đạt được 19 tiêu chí, trong đó tiêu chí hộ nghèo ở mức dưới 3%. Xã Nam Hải hiện đã đạt 10 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo còn  ở mức cao 7,6%. Không chỉ với Nam Hải, mà tất cả các xã trong tỉnh muốn đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là tiêu chí về hộ nghèo, ngoài nguồn nội lực, sự vươn lên của mỗi gia đình, rất cần sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, nhất là các chương trình hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, trẻ mồ côi, khuyết tật như của MTTQ phối hợp thực hiện vừa qua.

Bài, ảnh: Đỗ Hiền

  • Từ khóa