Thứ 7, 10/08/2024, 06:39[GMT+7]

Đồng bào Công giáo vun trồng lòng yêu nước

Thứ 3, 08/05/2012 | 15:27:41
1,043 lượt xem
Với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, “đồng hành cùng dân tộc”, đồng bào Công giáo Thái Bình tiếp tục kề vai, sát cánh cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua khó khăn, thử thách, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị- xã hội, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh.

UBMTTQ tỉnh Thái Bình trao giấy khen cho các xứ, họ giáo nhiều năm liền không có người sinh con thứ 3 trở lên.

Là một bộ phận của khối đại đoàn kết toàn dân, đồng bào Công giáo Thái Bình luôn có những đóng góp thiết thực về của cải và tinh thần vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ngày nay, với phương châm sống “tốt đời, đẹp đạo”, “đồng hành cùng dân tộc”, đồng bào Công giáo tiếp tục kề vai, sát cánh cùng toàn Đảng, toàn dân vượt qua khó khăn, thử thách, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị- xã hội, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân vững mạnh. Điều đó được minh chứng bằng kết quả của phong trào thi đua yêu nước xây dựng “Xứ, họ đạo 4 gương mẫu”. 

Đồng bào Công giáo tỉnh ta gồm 108 nghìn người (chiếm 6,06 dân số), với 2 vị giám mục, 59 vị linh mục, hoạt động tín ngưỡng tôn giáo tại 81 xứ, 266 họ giáo, nằm ở 278/286 xã, phường, thị trấn. Được sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền, sự hướng dẫn của Ban công tác mặt trận (BCTMT), sự dẫn dắt của các vị giám mục, linh mục, ban trùm giáo xứ, với truyền thống cần cù, sáng tạo, bà con giáo dân luôn gương mẫu thi đua lao động sản xuất, giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.

 Nhiều xứ, họ đã trở thành điển hình về phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, điểm sáng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng, chuồng trại, như các giáo xứ: Thượng Phúc (Thái Thụy), Sa Cát (T.p Thái Bình), Thuận Nghiệp (Bách Thuận- Vũ Thư)… Nhiều gia đình làm kinh tế giỏi, như: gia đình ông Tạ Văn Chỉ- Trùm trưởng giáo xứ Châu Nhai (Tiền Hải), gia đình ông Nguyễn Nam Trung- họ giáo Bình Lạng (Thái Thụy)…

Công tác chăm lo, giúp đỡ người nghèo, cơ nhỡ, bất hạnh, có hoàn cảnh khó khăn, bị thiên tai lũ lụt, người già cả neo đơn, trẻ em khuyết tật, mồ côi… thường được các vị chức sắc, chức việc quan tâm, hết lòng chia sẻ. Các vị còn kêu gọi đồng bào giáo dân giúp đỡ  họ về nguồn vốn, con giống, tư liệu sản xuất. Và chính các vị là những người gương mẫu đi đầu, như: Linh mục Mai Trần Huynh, Linh mục Vũ Văn Duyệt, giúp bà con tư liệu sản xuất; ông Tạ Văn Chính- Trùm trưởng họ giáo Duyên Lễ, xã Thái Hòa (Thái Thụy) cho bà con vay vốn không lấy lãi; ông Trần Văn Nhiên, họ giáo Đồng Châu (Quỳnh Phụ) mở cơ sở sản xuất, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho người nghèo…

Hưởng ứng phong trào “Xóa nhà dột nát cho hộ nghèo”, Ban hành giáo và BCTMT khu dân cư đã vận động bà con quyên góp tiền, tín chấp mua nguyên vật liệu và tổ chức làm nhà tình nghĩa tặng các hộ nghèo trong xứ, họ, tô đậm và nhân lên truyền thống “Thương người như thể thương thân” của dân tộc ta. Từ phong trào này, đời sống của bà con giáo dân ngày càng được nâng cao, số hộ nghèo giảm dần, 85% hộ có nhà ở kiên cố, 70% hộ có xe máy, tủ lạnh, điện thoại…Hầu hết đường làng ngõ xóm được bê tông hóa, nơi thờ tự khang trang, sạch đẹp, tôn nghiêm.


Những năm qua, đồng bào Công giáo không chỉ được khích lệ bởi đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước mà còn bởi tinh thần đổi mới của cộng đồng Vatican II “là công dân tốt phải thực sự và tích cực vun trồng lòng yêu nước”. Thực hiện lời dạy này, bà con giáo dân luôn ý thức yêu nước là phải thực hiện bằng những suy nghĩ, việc làm cụ thể, thiết thực, hiểu và chấp hành đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, đẩy lùi tệ nạn xã hội, đóng góp đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước và địa phương. Chú trọng xây dựng khu dân cư, xứ, họ đạo không ma túy, khu dân cư an lành. Trong sinh hoạt tôn giáo, tất cả các xứ, họ đều đăng ký lịch, nội dung, quy mô, hình thức tổ chức lễ với chính quyền, khi xây dựng, sửa chữa nơi thờ tự xin phép và được phép của chính quyền mới tiến hành khởi công.

Phong trào xây dựng nếp sống văn hóa trong họ giáo và gia đình giáo dân ngày càng lan tỏa rộng khắp, chất lượng hơn. Năm 2011, 70% xứ, họ, gia đình giáo dân đạt danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”, “gia đình văn hóa”. Trùm trưởng họ giáo Lái, thị trấn Hưng Hà- Nguyễn Văn Hiền cho biết: Bà con họ giáo Lái luôn có ý thức đoàn kết lương - giáo, thực hiện nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước, xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội, làm tốt công tác khuyến học, khuyến tài, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chấp hành đúng pháp lệnh dân số- KHHGĐ nên 9 năm liền họ giáo Lái không có người sinh con thứ 3 trở lên.

Thực hiện đường hướng gắn bó, đồng hành cùng dân tộc, đồng bào Công giáo không sao nhãng bổn phận trần thế, nhiều vị tích cực tham gia công tác xã hội, sinh hoạt tại các đoàn thể. Có 01 linh mục là đại biểu HĐND cấp tỉnh, 16 trùm trưởng, 21 giáo dân là cán bộ tỉnh, huyện, tham gia cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo MTTQ… Đa số bà con giáo dân tích cực thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, là hạt nhân của phong trào. Trong các cuộc họp thôn, hay tiếp xúc cử tri, các vị chức sắc, chức việc, bà con giáo dân đều tham gia góp ý kiến vào sự phát triển chung của tỉnh và địa phương.

Luôn có ý thức vun trồng lòng yêu nước, nên hàng năm 100% xứ, họ đều đăng ký phấn đấu xây dựng “Xứ, họ đạo 4 gương mẫu”. Số lượng xứ, họ đạt 4 gương mẫu ngày một tăng: năm 2010 là 55,3%, năm 2011 tăng lên gần 57%. Thời gian tới, đồng bào Công giáo tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước xây dựng “Xứ, họ đạo 4 gương mẫu” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và phong trào “Cùng cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Bài, ảnh: Đỗ Hiền
 

 

 

  • Từ khóa