Thứ 7, 10/08/2024, 06:42[GMT+7]

Thực hiện chế độ BHYT cho đối tượng chính sách Hiệu quả từ sự tăng cường phối hợp liên ngành

Thứ 6, 25/05/2012 | 07:15:18
991 lượt xem
Mặc dù mới qua thời gian ngắn thực hiện, song thực tế cho thấy việc triển khai chương trình phối hợp đã đáp ứng đúng với yêu cầu đang đặt ra của cả hai ngành trong thực hiện chính sách BHYT.

Một ca phẫu thuật tại Bệnh viện đa khoa tỉnh. Ảnh: Minh Đức

Theo báo cáo của liên ngành Lao động, Thương binh -Xã hội (LĐTB&XH) và Bảo hiểm xã hội, toàn tỉnh hiện có gần 470 nghìn người tham gia BHYT là đối tượng thuộc ngành LĐTB&XH quản lý. Nếu so sánh với 1,1 triệu người trong tỉnh đang tham gia và hưởng chính sách BHYT, số đối tượng BHYT thuộc ngành LĐTB&XH chiếm hơn 40%. Là những đối tượng đặc thù, đồng thời cũng chiếm số lượng lớn trong tổng số người đang tham gia BHYT hiện nay, bởi vậy việc tăng cường phối hợp giữa các ngành chức năng để bảo đảm việc thực hiện chính sách BHYT cho đối tượng này là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện chính sách BHYT.

 

7 nhóm đối tượng thuộc ngành LĐ-TB&XH quản lý đang tham gia và  hưởng chính sách BHYT bao gồm: người có công, thân nhân người có công; cựu chiến binh; người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội; người nghèo; cận nghèo; người cao tuổi và trẻ em. Bà Nguyễn Thuý Hoàn, Phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: 7 nhóm đối tượng này không chỉ có đối tượng chính sách mà phần lớn là những đối tượng yếu thế, chủ yếu sống phụ thuộc, bởi vậy họ cũng cần sự quan tâm nhiều hơn của xã hội.

 

Việc thực hiện chính sách xã hội nói chung, chính sách BHYT nói riêng cho các nhóm đối tượng này làm sao để thật sự hiệu quả chính là đòi hỏi, là trách nhiệm của các cấp chính quyền và các ngành chức năng. Tuy nhiên, quá trình triển khai chính sách BHYT liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành với nhiều thủ tục chồng chéo đã dẫn đến khó khăn cho cả cơ quan chức năng khi thực hiện và đối tượng khi đi làm chế độ. Tháng 10 năm 2010, hai ngành LĐ-TB&XH và Bảo hiểm xã hội ký kết chương trình phối hợp trong thực hiện chính sách BHYT. Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong việc tăng cường phối hợp thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về BHYT cho 7 nhóm đối tượng trên.

 

Mặc dù mới qua thời gian ngắn thực hiện, song thực tế cho thấy việc triển khai chương trình phối hợp đã đáp ứng đúng với yêu cầu đang đặt ra của cả hai ngành trong thực hiện chính sách BHYT. Tập trung vào tăng cường phối hợp trong các lĩnh vực hoạt động như tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh ban hành các quyết định chỉ đạo kịp thời; phối hợp xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách BHYT;  phối hợp thông tin tuyên truyền, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT; phối hợp trong trao đổi thông tin và báo cáo..., sự tăng cường phối hợp trong hoạt động giữa hai ngành đã đem lại hiệu quả rõ rệt.

 

Nhiều quyết định của UBND tỉnh chỉ đạo về hoạt động BHYT, văn bản của hai ngành LĐ-TB&XH và BHXH về triển khai thực hiện chính sách BHYT đã được ban hành. Một trong những văn bản quan trọng làm cơ sở để các đơn vị áp dụng thực hiện đó là Hướng dẫn 01 ngày 8/12/2010 của liên ngành LĐ-TB&XH-BHXH về thực hiện một số nội dung về chính sách BHYT. Trên thực tế tình hình địa phương và thực tiễn hoạt động, với hướng dẫn này, nhiều quy định đã được điều chỉnh, thủ tục hành chính cũng được cải cách giảm thiểu đến mức thấp nhất hồ sơ, giấy tờ trong việc cấp mới, cấp lại, đổi thẻ BHYT cho đối tượng. Ví dụ: nếu như trước đây, việc cấp thẻ BHYT cho đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi phải qua xác nhận của Phòng LĐ-TB&XH huyện, thành phố, Hướng dẫn 01 đã bỏ qua thủ tục này, UBND xã, phường chỉ cần đề nghị sang BHXH huyện, thành phố để cấp thẻ cho trẻ em dưới 6 tuổi. Hướng dẫn 01 cũng quy định cụ thể về việc phân cấp toàn bộ việc cấp thẻ, đổi thẻ BHYT của 7 nhóm đối tượng trên cho BHXH huyện thực hiện.

 

Bà Nguyễn Thị Nga, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Tiền Hải nhận xét: “Phối hợp hai ngành là một chương trình rất hợp lý, đã tháo gỡ rất nhiều khó khăn cho cơ sở trong quá trình thực hiện. Việc phân cấp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội huyện cấp thẻ BHYT cho các đối tượng đã rút ngắn rất nhiều thời gian, quãng đường, tạo điều kiện cho đối tượng khi cần giao dịch”. Cùng chung nhận xét này, ông Nguyễn Văn Chấn, Giám đốc BHXH Vũ Thư cho biết từ sau khi thực hiện chương trình phối hợp, BHXH huyện và Phòng LĐ-TB&XH huyện đã phối hợp thực hiện tốt chế độ BHYT cho đối tượng, sự phối hợp này cũng đã đi vào nền nếp, những thiếu sót đã được hạn chế tối đa. Năm 2011, BHXH Vũ Thư không nhận được đơn thư, khiếu nại.

 

Sự tăng cường phối hợp nhận được sự đồng thuận cao của các đơn vị từ tỉnh đến huyện; bởi vậy, các chế độ, chính sách BHYT cho đối tượng thuộc ngành LĐ-TB&XH được thực hiện tốt. Trung bình mỗi năm, ngành LĐ-TB&XH đã phối hợp với ngành BHXH tổ chức cấp thẻ BHYT cho gần 500 nghìn đối tượng. Đến 31/3/2012, hai ngành đã phối hợp cấp thẻ BHYT cho gần 470 nghìn người thuộc 7 nhóm đối tượng thuộc ngành LĐ-TB&XH quản lý; trong đó có hơn 97 nghìn thẻ BHYT cho người nghèo (cấp đạt 100% danh sách UBND tỉnh phê duyệt), hơn 114 nghìn thẻ cho người có công và thân nhân người có công; gần 13 nghìn thẻ cho cựu chiến binh; hơn 185 nghìn thẻ cho trẻ em dưới 6 tuổi... Việc triển khai thực hiện chính sách BHYT cho đối tượng được thực hiện kịp thời, đúng quy định, bảo đảm quyền lợi cho đối tượng.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách BHYT cho đối tượng thuộc ngành LĐ-TB&XH đến nay vẫn còn một số hạn chế. Hạn chế lớn nhất phải kể đến là việc tổ chức điều tra, thống kê hộ nghèo, cận nghèo tại một số địa phương thực hiện còn chậm làm ảnh hưởng đến thời gian, tiến độ cấp thẻ cho đối tượng này. Số người cận nghèo tham gia BHYT vẫn ở mức thấp, còn xảy ra tình trạng các địa phương để sót đối tượng dẫn đến tình trạng không ít người nghèo không được cấp thẻ kịp thời. Tình trạng sai sót trong quá trình làm thủ tục, hồ sơ dẫn đến sai sót trong cấp thẻ còn cao...

 

Để tiếp tục thực hiện tốt hơn chính sách BHYT cho đối tượng ngành LĐ-TB&XH quản lý,  theo ý kiến của hầu hết cán bộ quản lý thuộc hai ngành cần duy trì và tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa, đặc biệt trong việc thực hiện nghiêm túc hơn Hướng dẫn 01. Bên cạnh đó, hai ngành cũng cần xây dựng bổ sung một số nội dung cụ thể hơn về việc thực hiện chính sách BHYT cho các đối tượng như người có công, cựu chiến binh... Cùng với sự phối hợp giữa hai ngành LĐ-TB&XH, BHXH, việc thực hiện chính sách BHYT cho đối tượng này cũng cần sự phối hợp đồng bộ, thường xuyên hơn nữa giữa 4 ngành đó là Bảo hiểm xã hội, LĐ-TB&XH, y tế, Tài chính để tạo điều kiện cho cấp huyện, xã có cơ sở thực hiện đúng các chính sách BHXH trên địa bàn. Để khắc phục hạn chế trong việc cấp thẻ muộn cho đối tượng người nghèo, cận nghèo như những năm vừa qua, hai ngành LĐ-TB&XH và BHXH cần phối hợp chặt chẽ hơn để triển khai sớm việc xác minh và cấp thẻ sớm cho đối tượng. Đặc biệt, nhiều ý kiến của các cán bộ quản lý cũng cho rằng không chỉ trong lĩnh vực BHYT, hai ngành nên tiếp tục tăng cường hoạt động phối hợp trong thực hiện các chính sách khác như BHXH, BH thất nghiệp để các chính sách này cũng được thực hiện hiệu quả hơn. 

 

 Trần Thu Hương

  • Từ khóa