Thứ 7, 10/08/2024, 06:37[GMT+7]

Cho đi 1 giọt máu giữ lại 1 cuộc đời

Thứ 6, 25/05/2012 | 11:15:04
1,184 lượt xem
Bạn có biết trong một ngày có đến hàng trăm, hàng nghìn người cần được truyền máu không? Nhu cầu thì lớn mà nguồn cung thì không đủ, vì thế việc mỗi người tự nguyện hiến một phần máu của mình là vô cùng ý nghĩa và thiết thực. Trên thế giới, hiến máu nhân đạo là phong trào diễn ra rất phổ biến. Vậy tại sao ở Việt Nam chúng ta, một nước có dân số đông, nguồn máu dồi dào lại vẫn thiếu máu và ít người đi hiến máu?

Sinh viên trường Đại học Y hưởng ứng hiến máu nhân đạo. Ảnh: Ngọc Linh

Mỗi năm nước ta cần khoảng 1.700.000 đơn vị máu để điều trị nhưng chúng ta mới chỉ đáp ứng được 30% nhu cầu. Là một người dân Việt Nam, bạn nghĩ sao về điều này? Tại sao chúng ta lại không chủ động và tích cực góp phần để đáp ứng 70% nhu cầu máu còn lại? Thiết nghĩ, rào cản lớn nhất trong việc hiến máu nhân đạo là chúng ta còn những hiểu biết hạn chế về ý nghĩa cũng như tầm quan trọng của việc làm này.

Quả thực, tư tưởng “một giọt  máu bằng sáu bát cơm” vẫn còn trong suy nghĩ của rất nhiều người. Họ sợ hiến máu sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ, sợ kim tiêm,  sợ đau khi hiến máu, rồi thậm chí sợ cả lây bệnh qua đường máu. Nhưng cơ sở khoa học đã chứng minh nếu mỗi lần hiến dưới một phần mười lượng máu trong cơ thể thì sẽ không ảnh hưởng gì đến sức khoẻ. Đừng quá lo lắng vì lượng máu bạn đã mất đi bởi mỗi lần như thế cơ thể bạn lại được kích thích quá trình tái tạo máu mới, cũng giống như một cái cây khi bạn chặt đi một cành thì chỗ đó chẳng bao lâu sau sẽ mọc ngọn cây khác. Trên thế giới, có những người mà số lần hiến máu còn lớn hơn cả tuổi đời của họ. Người hiến máu nhiều nhất đến 400 lần, ở Việt Nam cũng có người hiến máu đến lần thứ 100 mà vẫn hoàn toàn khoẻ mạnh.

Khi hiến máu, chúng ta sẽ được xét nghiệm, kết quả sẽ được gửi về cho người hiến máu. Nếu bạn khoẻ mạnh, máu của bạn sẽ được các tổ chức tiếp nhận máu sàng lọc, điều chế, bảo quản và phân phối đến những cơ sở y tế, đưa vào ngân hàng máu để sử dụng khi cần thiết. Việc kiểm tra, xét nghiệm trước khi hiến máu là để đảm bảo an toàn cho cả người hiến máu và người được nhận máu. Vì thế sẽ không có chuyện bạn bị lây nhiễm các bệnh qua đường máu trong khi hiến máu. Tôi đã  từng được gặp rất nhiều người tình nguyện hiến máu. Qua những câu chuyện của họ, tôi càng hiểu hơn ý nghĩa của phong trào này. Có người  quyết định hiến máu sau lần suýt mất mạng trong một vụ tai nạn và được cứu sống nhờ máu của một người không hề quen biết. Có người dù bị gia đình ngăn cản nhưng vẫn tham gia hiến máu không chỉ một lần mà rất nhiều lần. Hay có những bạn trẻ chỉ cần nhìn thấy kim tiêm hay thấy máu là tưởng chừng có thể ngất đi vì sợ hãi nhưng vẫn tham gia hiến máu rất nhiệt tình. Họ đã vượt qua nỗi sợ hãi của bản thân để đóng góp một phần công sức cho xã hội. Trong chúng ta, không phải ai cũng có đủ tiền bạc, vật chất để giúp đỡ người khác khi họ gặp khó khăn. Nhưng máu là nguồn dược phẩm vô giá mà chúng ta sẵn có và chúng ta nên chia sẻ máu cho những người cần nó hơn ta.

Với chúng ta, những người cho đi, đó chỉ là một phần máu, nhưng với họ, đó là mạng sống. Nếu muốn biết giá trị của máu, bạn hãy đến gặp những người đang phải níu giữ sự sống bằng cách truyền từng giọt máu vào trong cơ thể mỗi ngày. Hãy đến gặp và chia sẻ nỗi đau với những ai mất đi người thân khi những người thân ấy ra đi chỉ vì mất máu quá nhiều, và không đủ máu để cứu sống họ. Hãy cảm nhận niềm hạnh phúc khi biết dòng máu của mình sẽ hoà chung và chảy trong cơ thể của ai đó và giúp họ tiếp tục sống. Hạnh phúc khi được sẻ chia. Hạnh phúc khi thấy mình làm được một việc có ích cho xã hội. “Sống trong đời sống cần một tấm lòng”, tấm lòng thảo thơm, trái tim nhân ái để hiến một phần máu của mình cho người đang cần máu.

Hiến máu nhân đạo là một phong trào, đúng vậy. Nhưng bạn hãy đi hiến máu không phải vì theo phong trào hay vì thành tích mà vì lòng nhân ái. Cho đi một giọt máu, giữ lại một cuộc đời. Hiến máu là việc làm trước hết tốt cho tâm hồn bạn, giúp bạn sống hướng thiện, như những lời ca “Trong thời chiến, dòng máu thấm vào lòng đất, dòng máu quyết bảo vệ quê hương. Trong thời bình, dòng máu ta để bảo vệ sự sống, dòng máu ta cứu người bạn ơi. Một giọt máu mang lại sự sống, một giọt máu mang lại niềm hy vọng. Hãy hiến máu vì nhân đạo, hãy hiến máu vì niềm tự hào, tự hào là dòng máu Việt Nam…”

Vũ Quỳnh Trang

(Câu lạc bộ Phóng viên Tuổi hồng tỉnh Thái Bình)

  • Từ khóa