Thứ 6, 09/08/2024, 19:59[GMT+7]

Sức trẻ Tiền Hải trong xóa đói, giảm nghèo

Thứ 6, 25/05/2012 | 16:37:06
1,316 lượt xem
Trong những năm qua, nhằm khơi dậy và phát huy vai trò, sức mạnh của đoàn viên thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội, các cấp bộ Đoàn huyện Tiền Hải đã đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào thi đua “Thanh niên lập thân, lập nghiệp”, “Thanh niên làm kinh tế giỏi, tích cực tham gia xóa đói, giảm nghèo” gắn với phong trào “5 xung kích, 4 đồng hành” và “Tuổi trẻ Thái Bình học tập và làm theo lời Bác”... Các phong trào đã nhanh chóng lan tỏa, có sức cuốn hút lớn đối v

Cơ sở thêu của anh Nguyễn Hoàng Anh đã tạo việc làm cho 40 lao động có thu nhập ổn định. Ảnh: Thành Tâm

Cùng với sự năng động, nỗ lực vươn lên của đoàn viên thanh niên và để nâng cao chất lượng cũng như hiệu quả phong trào thanh niên lập thân lập nghiệp, những năm qua, các cơ sở đoàn trên địa bàn huyện Tiền Hải đã tích cực động viên đoàn viên thanh niên tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Với phương châm triển khai rộng khắp nguồn vốn giúp thanh niên xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế, các cơ sở đoàn đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai quản lý vốn vay từ ngân hàng cho đoàn viên thanh niên, hội viên phát triển kinh tế. Đến nay, đã có 35/35 xã quản lý vốn với tổng số vốn vay trên 22 tỷ đồng. 5 năm qua, các cơ sở đoàn còn phối hợp mở 20 lớp IBM tập huấn nuôi trồng thủy sản giúp đoàn viên thanh niên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, các đoàn viên thanh niên  còn tự giúp nhau về vốn, kỹ thuật, kinh nghiệm phát triển kinh tế. Điển hình là đoàn thanh niên các xã Nam Cường, Nam Hưng, Đông Long, Nam Thắng... Nhờ đẩy mạnh việc phát triển kinh tế, đời sống vật chất của nhiều thanh niên ngày càng được nâng lên, nhiều hộ có thu nhập khá và vươn lên làm giàu chính đáng. Những tấm gương thanh niên tiêu biểu cho ý chí, nghị lực và quyết tâm vượt qua đói nghèo xuất hiện ngày càng nhiều.

Thành lập năm 2006, mặc dù điều kiện còn hạn chế nhưng cơ sở thêu của Nguyễn Hoàng Anh ở thôn Thành Long -  xã Đông Hải (Tiền Hải) đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động dạy nghề và tạo việc làm tại chỗ cho nhiều lao động. Nguyễn Hoàng Anh cho biết: “Nghề thêu vốn là nghề truyền thống của dân tộc. Việc duy trì nghề thêu không chỉ đơn thuần góp phần bảo tồn giá trị truyền thống mà còn là một cách giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại địa phương góp phần tăng thu nhập, giảm nghèo”. Với suy nghĩ đó, sau khi học thành nghề, Nguyễn Hoàng Anh đã mạnh dạn đầu tư mở cơ sở thêu áo Kimono, Nam Triều Tiên với số vốn ban đầu 30 triệu đồng. Vừa làm, vừa học hỏi thêm để rút kinh nghiệm cộng với niềm say mê nghề, cơ sở sản xuất của Nguyễn Hoàng Anh ngày càng phát triển. Hiện nay, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động trong và ngoài xã với thu nhập bình quân 2 triệu  đồng/người/tháng, một năm trừ chi phí cơ sở của Hoàng Anh thu về trên 100 triệu đồng. Nhờ tâm huyết với nghề, năng động và mạnh dạn trong cách nghĩ, cách làm, Nguyễn Hoàng Anh đã góp phần đưa nghề về làng, giúp nhiều lao động có việc làm, thu nhập  ổn định ngay tại địa phương. Chia sẻ kinh nghiệm của mình đối với các bạn trẻ hiện nay, nhất là đối với thanh niên ở các vùng nông thôn Nguyễn Hoàng Anh đã nói: “Trong điều kiện nền kinh tế dự báo có nhiều khó khăn như hiện nay, mỗi bạn trẻ thực sự phải có ý chí và nghị lực vượt qua được mặt trái của cơ chế thị trường để tìm ra một lối đi đúng đắn thì sẽ đạt được những thành quả như mong muốn”.

Cũng như Nguyễn Hoàng Anh, đoàn viên thanh niên Vũ Thị Như ở thôn Nam Đồng Bắc, xã Nam Thắng là chủ xưởng may xuất khẩu với số vốn ban đầu là 500 triệu đồng. Xưởng may của Như đã giải quyết việc làm cho 25 lao động với mức thu nhập bình quân từ 1,5 – 2,5 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, Như đang dự kiến sẽ mở rộng xưởng may để có thể tạo công ăn việc làm cho 60 lao động. Không chỉ giỏi làm kinh tế, Như còn là một đoàn viên năng nổ, nhiệt tình trong các công tác đoàn, đội ở địa phương.

Chọn một hướng phát triển kinh tế khác đó là đầu tư nuôi ngao, đoàn viên Phạm Văn Cảnh ở xã Nam Thanh đã đầu tư nuôi 30 ha ngao, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động và 150 lao động mùa vụ, doanh thu hàng năm đạt trên 5 tỷ đồng. Hay như đoàn viên Bùi Trung Dũng ở xã Nam Thanh chuyên sản xuất bể bioga bằng nhựa composite tạo việc làm thường xuyên cho 30 lao động, doanh thu hàng năm đạt trên 2 tỷ đồng... và nhiều thanh niên có tay nghề ở các làng nghề đã góp phần khôi phục các làng nghề truyền thống thu hút hàng ngàn lao động là thanh niên tham gia với thu nhập bình quân từ 800 – 1 triệu đồng/người/tháng như khâu nón lá ở xã Nam Hà, làm chiếu cói ở xã Nam Hải.

Còn rất nhiều gương thanh niên ở huyện biển Tiền Hải vươn lên làm giàu từ chính ý chí và nghị lực của mình. Có thể nói, những tấm gương thanh niên vượt khó làm giàu đã có tác dụng cổ vũ, động viên tuổi trẻ  huyện biển phát huy sự năng động, sáng tạo, quyết tâm vươn lên đóng góp sức trẻ vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Ngọc Mai


  • Từ khóa