Thứ 2, 05/08/2024, 09:14[GMT+7]

Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Lợi nhiều nhưng người tham gia vẫn ít (Kỳ 2)

Thứ 2, 09/12/2019 | 08:35:43
2,672 lượt xem
Là chính sách được khẳng định có nhiều ưu việt song nếu so với số lượng người đang trong độ tuổi lao động thì việc phát triển BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Thực tế đó đòi hỏi cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn để thu hút người lao động tham gia BHXH tự nguyện.

Hướng dẫn thủ tục tham gia BHXH tự nguyện cho người tham gia tại đại lý thu bảo hiểm xã hội tại phường Trần Hưng Đạo (thành phố Thái Bình).

Kỳ 2:Làm gì để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện

Chưa tương xứng với tiềm năng

Ngược trở lại hơn 10 năm trước, khi BHXH tự nguyện được triển khai, nhiều người nông dân và người lao động tự do vui mừng với chính sách này. “Người nông dân cũng được hưởng lương hưu” là thông tin mới mẻ, tạo nên bầu không khí phấn chấn ở nhiều làng quê. Trong năm đầu, cả 8/8 huyện, thành phố trong tỉnh đã triển khai chính sách này ở 70% xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm triển khai, số người tham gia tăng chậm.

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, đến hết tháng 10/2019, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc toàn tỉnh là 189.435 người; tổng số người tham gia BHXH tự nguyện đến ngày 31/10/2019 là 14.524 người. Như vậy, toàn tỉnh đang có tổng số hơn 200.000 người đang tham gia cả BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, đạt khoảng 20% dân số trong độ tuổi lao động. Nếu tính theo tổng số người trong độ tuổi lao động thì tại Thái Bình vẫn còn đến 80% số người chưa tham gia BHXH, tương ứng với khoảng 800.000 người. Còn nếu tính riêng về số người tham gia BHXH tự nguyện, mặc dù trong năm 2019 số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng lên 7.050 người và là năm đạt số lượng người tham gia BHXH tự nguyện cao nhất từ trước tới nay nhưng việc phát triển số người tham gia BHXH vẫn còn chưa tương xứng với tiềm năng. Bởi nếu tính toán sau 12 năm chính sách này được triển khai thì trung bình mỗi năm toàn tỉnh chỉ có thêm 1.300 người mới tham gia BHXH tự nguyện; ở mỗi xã, phường, thị trấn, trung bình mỗi năm chỉ có 4 người tham gia mới. Mặc dù số người tham gia BHXH tự nguyện tăng trong hơn 10 năm qua, song cá biệt có năm số người tham gia BHXH tự nguyện giảm, điển hình như năm 2018, số tham gia giảm 603 người. 

Ông Mạc Thanh Hải, Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Kiến Xương nhận xét số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn huyện Kiến Xương tổng thể tăng, tăng ở nhiều xã song cũng có không ít xã số tham gia giảm bởi có nhiều người sau một thời gian tham gia đã xin rút. Nguyên nhân dẫn đến số tham gia giảm chủ yếu là phụ thuộc về phía người tham gia BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, cũng có nguyên nhân từ phía người tư vấn cho đối tượng. Khi đối tượng xin rút thì ít có sự tư vấn, động viên, khuyến khích người tham gia dẫn đến để đối tượng dễ dàng bỏ cuộc.

Ông Trần Thiên Thai, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh phân tích: Mặc dù những năm gần đây cơ cấu lao động Thái Bình đã có sự chuyển dịch lớn từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ song tại Thái Bình lao động ngành công nghiệp - dịch vụ vẫn chủ yếu tập trung ở các cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình nên tỷ lệ người lao động có thu nhập thấp, chưa ổn định cao. Vì vậy, dù muốn song khi đời sống gia đình còn khó khăn thì họ thường dành thu nhập để tiêu dùng trước mắt mà chưa thiết tha với BHXH tự nguyện.

Chính sách của ta, nhưng việc tiếp cận, tuyên truyền, tư vấn cần như doanh nghiệp “tây”

Ý nghĩa nhân văn sâu sắc của chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng của Nhà nước ta là nhằm góp phần bảo đảm an sinh xã hội cho những người nông dân, người lao động tự do khi đến tuổi già. Mặc dù có rất nhiều lợi ích từ việc tham gia BHXH tự nguyện đã được phân tích, tuyên truyền song trên thực tế đối tượng đích chính là người nông dân, người lao động tự do lại đang được tiếp cận với chính sách BHXH tự nguyện một cách rất hạn chế. Như bà Trương Thị Thai (xã An Bình, huyện Kiến Xương) chia sẻ đến khi hai chị em bà được lĩnh lương hưu thì nhiều phụ nữ ở địa phương mới “ngớ người” vì từ trước tới nay họ không biết gì về chính sách BHXH này.

Những năm gần đây, ngành BHXH đã tích cực đổi mới phương pháp tuyên truyền bằng cách tăng cường tổ chức hội nghị tư vấn trực tiếp tại địa phương. Bên cạnh đổi mới hình thức tuyên truyền, ngành BHXH hiện đã xây dựng được hệ thống “chân rết” với hơn 500 nhân viên đại lý thu BHXH thường xuyên được hướng dẫn kỹ năng tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền tại cơ sở. Tuy nhiên, việc tiếp cận, tuyên truyền trực tiếp cho đối tượng đích còn nhiều hạn chế. Dường như sự đổi mới về công tác tuyên truyền trong thời gian qua của ngành BHXH vẫn chưa đủ, chưa đáp ứng được đòi hỏi của công tác phát triển BHXH tự nguyện. Bởi có một thực tế là trong hàng vạn nông dân nhưng có rất ít người hiểu BHXH tự nguyện có lợi gì cho họ. 

Chị Trần Thị Huệ (xã Nam Hải, huyện Tiền Hải) chia sẻ, trước đây chị cũng đã được nhân viên đại lý thu BHXH trong xã vận động tham gia BHXH tự nguyện song chị lại chưa tin tưởng lắm nên không tham gia.

BHXH tự nguyện là chính sách của Nhà nước, được Nhà nước bảo hộ nên tính an toàn của loại hình bảo hiểm này là tuyệt đối song nhiều người dân vẫn chưa hiểu hết về điều này. Trong khi toàn tỉnh mỗi năm chỉ có khoảng 1.300 người mới tham gia BHXH tự nguyện, trung bình mỗi xã, phường, thị trấn chỉ có khoảng 4 người tham gia mới/năm, việc phát triển BHXH tự nguyện khá ì ạch thì các công ty bảo hiểm nước ngoài vẫn đang từng ngày mở rộng thị trường đến các khu vực nông thôn. Nhiều lãnh đạo BHXH các huyện và nhân viên đại lý thu BHXH các địa phương thừa nhận nếu về khả năng tiếp cận, tuyên truyền và tư vấn thì đội ngũ nhân viên đại lý của BHXH tỉnh hiện nay chưa thể so sánh với nhân viên của các công ty bảo hiểm nước ngoài. Cần xây dựng đội ngũ nhân viên đại lý có khả năng tiếp cận, kỹ năng tư vấn và thực hành tư vấn như đội ngũ nhân viên của các công ty bảo hiểm nước ngoài là việc phải tính đến vì lợi ích cho cả người dân và sự phát triển của ngành BHXH Việt Nam.

Theo các báo cáo đã được công bố, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng nhanh chóng trong những thập kỷ qua. Tuổi thọ cao song người Việt Nam ít có số năm sống khỏe mạnh. Một tương lai không chỗ dựa, với hàng triệu nông dân không có điểm tựa an sinh khi về già đang đặt ra thách thức cho an sinh xã hội ở nông thôn Việt Nam nói chung, Thái Bình nói riêng. Tiến tới BHXH cho mọi người dân chính là nhằm giải quyết thách thức này. Làm thế nào để người nông dân cũng như những người lao động tự do có thể hiểu và tham gia BHXH tự nguyện là khoảng trống cần lấp đầy trong thời gian tới. Chính sách là của Nhà nước nhưng việc tiếp cận, tuyên truyền, tư vấn cần như doanh nghiệp “tây” chính là lời giải cho bài toán phát triển BHXH tự nguyện hiện nay.


Ông Trần Thiên Thai, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh


Thời gian qua, ngành BHXH đã tích cực thực hiện các giải pháp cải cách thủ tục hành chính, đổi mới công tác tuyên truyền, xây dựng đội ngũ nhân viên đại lý thu phủ kín các xã, phường, thị trấn để thực hiện mở rộng đối tượng tham gia BHXH, BHYT, trong đó có BHXH tự nguyện. Nếu như công tác cải cách hành chính đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu thì công tác tuyên truyền đặc biệt là tuyên truyền ở cơ sở cần phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa. Vì vậy, thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ chỉ đạo BHXH các huyện, thành phố tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, tư vấn về chính sách BHXH nói chung, BHXH tự nguyện nói riêng trọng tâm là phải xây dựng được đội ngũ nhân viên đại lý có kiến thức sâu hơn, có khả năng tư vấn chuyên nghiệp hơn, mục đích là để tăng khả năng tiếp cận cho người dân với chính sách BHXH tự nguyện từ đó hiểu hơn về chính sách và tích cực tham gia.

Chị Nguyễn Thị Thu Hiền, nhân viên đại lý thu BHXH phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình


Là nhân viên đại lý thu BHXH, tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất cho nhân dân muốn tham gia BHXH, BHYT. Chúng tôi cũng chú ý phát triển đối tượng mua mới, tuy nhiên, do nhiều công việc nên không phải lúc nào chúng tôi cũng đến tư vấn trực tiếp được cho người dân. Tôi nhận thấy nếu mình trực tiếp đến tư vấn thì sẽ có nhiều người tham gia hơn nhưng địa bàn rộng nên việc tiếp cận người có mong muốn tham gia BHXH tự nguyện của chúng tôi cũng còn nhiều hạn chế. Tôi mong muốn được tập huấn nhiều hơn để nâng cao kỹ năng tiếp cận và tư vấn cho người dân, có thể vận động được nhiều hơn người tham gia BHXH tự nguyện.


Nhóm phóng viên 

  • Từ khóa