Chủ nhật, 26/01/2025, 13:42[GMT+7]

Hưởng ứng Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu 14/6 Người hiến máu cần sự tôn vinh xứng đáng

Thứ 3, 12/06/2012 | 08:58:48
1,125 lượt xem
Mấy năm gần đây, phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) ở tỉnh ta có những bước phát triển mới rất đáng mừng. Điều đó được thể hiện trước hết qua số đơn vị máu thu gom được năm sau cao hơn năm trước, trong đó năm 2011 tăng gần gấp rưỡi so với năm 2010, tỷ lệ HMTN đạt 72,58%. Năm 2012, tính đến ngày 6/6 đã thu gom được 3.636 đơn vị. Tất cả những điều đó cho thấy HMTN đã, đang và sẽ trở thành một phong trào mang tính xã hội hóa sâu sắc với sự tham gia của tất cả mọi giai tầng tr

Một lớp tập huấn nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động HMTN do Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh tổ chức

Trên địa bàn toàn tỉnh, số cuộc hiến máu tình nguyện được tổ chức cũng như số đơn vị máu thu gom được qua những buổi hiến máu đều tăng lên. Hoạt động HMTN không còn chỉ bó hẹp ở “địa bàn” các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp nữa mà đã lan tỏa về đến các huyện, thành phố với sự hưởng ứng, tham gia có hiệu quả từ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị và cán bộ, chiến sĩ LLVT. Ở huyện Kiến Xương, Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện đã được hình thành đến cấp xã. Tất cả những điều đó cho thấy HMTN đã, đang và sẽ trở thành một phong trào mang tính xã hội hóa sâu sắc với sự tham gia của tất cả mọi giai tầng trong xã hội.
 
Là người nhiều năm gắn bó với việc thu gom, truyền máu, Thạc sĩ, bác sĩ Mai Văn Tư, Trưởng khoa Huyết học Truyền máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiểu rõ ý nghĩa những giọt máu hồng mà cộng đồng đã chia sẻ. Anh cho biết, nhờ có máu dự trữ ổn định nên nhiều bệnh nhân đã được cấp cứu nhanh chóng, giữ được tính mạng của mình – nhất là với các trường hợp bị tai nạn giao thông, tai nạn lao động, bị chấn thương mất máu nhiều và nặng, các trường hợp bị tai biến sản khoa đe dọa tính mạng của cả mẹ và con. Cũng nhờ có nguồn máu dữ trữ mà các bệnh nhân người Thái Bình mắc các bệnh về máu, bị xơ gan xuất huyết nặng cần phải truyền máu định kỳ... ít phải chuyển lên tuyến trung ương, góp phần giảm thiểu chi phí đi lại, ăn ở và điều trị, đồng thời phòng ngừa bội chi quỹ BHYT. Nguồn máu dự trữ ổn định còn góp phần phát triển các kỹ thuật y học, phẫu thuật lớn, phức tạp cần nhiều máu…

Cho dù đã có những chuyển biến, tiến bộ khá tích cực, bước đầu đáp ứng nhu cầu về máu dự trữ cho công tác cấp cứu, điều trị; song hiện nay nhu cầu này còn rất lớn và vẫn chủ yếu trông chờ từ nguồn máu hiến tình nguyện. Để thúc đẩy phong trào HMTN ngày càng phát triển sâu rộng hơn nữa, theo bác sĩ Tư, việc đầu tiên là cần quan tâm củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, trường học; trên cơ sở đó tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với phong trào, từ việc xây dựng kế hoạch cụ thể, đăng ký chỉ tiêu vận động, giải pháp thực hiện, hoàn thành chỉ tiêu đề ra. Đồng thời chú ý giải quyết khó khăn, bổ sung kinh phí hoạt động cho công tác tuyên truyền, vận động HMTN. Trên thực tế, hoạt động tuyên truyền, vận động HMTN cần nguồn kinh phí hàng trăm triệu đồng cho mỗi năm. Số tiền này được sử dụng vào việc thảo luận, thành lập các câu lạc bộ hiến máu, tập huấn kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động hiến máu, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm giữa các câu lạc bộ, in ấn băng rôn, pa-nô, khẩu hiệu, tờ rơi… tuyên truyền về HMTN, đặc biệt là cho công tác tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu, có nhiều đóng góp và thành tích xuất sắc trong phong trào HMTN.

Bằng tâm huyết với phong trào HMTN, bác sĩ Tư chia sẻ thêm với tôi về công tác tôn vinh, khen thưởng những tập thể và cá nhân tiêu biểu. Anh cho rằng, đây là hoạt động được tổ chức hàng năm, hình thức tổ chức cần trang trọng, ý nghĩa sao cho xứng tầm với nghĩa cử cao đẹp và giá trị nhân đạo của việc HMTN. Thực tế nhiều năm qua do kinh phí khó khăn nên Ban chỉ đạo Vận động hiến máu tình nguyện tỉnh chỉ tổ chức khen thưởng (tặng giấy khen) cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong phong trào HMTN nhân hội nghị tổng kết hoạt động năm chứ chưa tổ chức được riêng một cuộc biểu dương những người HMTN cho “ra tấm, ra miếng” – kể cả nhân Ngày thế giới tôn vinh người hiến máu 14/6. Ngay đến một việc nhỏ hơn là gửi thư cảm ơn cho từng người tham gia hiến máu (quy định là như thế, vừa thể hiện sự tri ân, vừa bảo đảm bí mật thông tin sức khỏe của cá nhân) song Khoa Huyết học Truyền máu Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng chưa thể thực hiện được trọn vẹn cũng chỉ vì thiếu kinh phí.

Những người làm công tác tuyên truyền, vận động HMTN đã và đang làm hết sức mình vì phong trào chung. Sẽ tốt hơn nếu phong trào nhận được sự quan tâm đúng mức, và những nghĩa cử cao đẹp được tôn vinh xứng đáng. Có như vậy, phong trào mới thực sự phát triển “sâu gốc, bền rễ”, xã hội mới ngày càng có nhiều hơn những người sẵn sàng “cho đi một giọt máu” để “giữ lại một cuộc đời”.

  Bài, ảnh: Hoàng Minh


  • Từ khóa