Thứ 7, 10/08/2024, 08:11[GMT+7]

Cán bộ dân số xã thức ngủ... chờ biên chế

Thứ 5, 14/06/2012 | 16:03:20
4,641 lượt xem
Sau khi có các công văn chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế (năm 2008), Nghị quyết của Tỉnh uỷ, HĐND, Quyết định của UBND tỉnh (năm 2009) về củng cố và kiện toàn bộ máy cán bộ dân số xã, đội ngũ cán bộ dân số xã háo hức chờ đợi để được tuyển dụng vào viên chức nhà nước. Sau gần 5 năm, khi cả nước đã có hơn 40 tỉnh, thành phố hoàn thành xong việc tuyển dụng này, sự chờ đợi của cán bộ dân số xã tại Thái Bình như càng thêm sốt ruột…

Cán bộ dân số xã nhiệt tình đưa ấn phẩm truyền thông Dân số đến với ngư dân vùng biển.

Hy vọng được vào biên chế
Anh Vũ Viết Vụ, (Bình Nguyên, Kiến Xương) đảm nhận vị trí cán bộ chuyên trách dân số xã từ năm 2000. Anh Vụ tâm sự: nhiều năm nay nghe tin cán bộ dân số xã sẽ được tuyển vào viên chức Nhà nước vừa mừng vừa lo. Mừng thì đã rõ nhưng lo là lo cái mừng ấy sẽ thành mừng hụt. Thực tế những người cán bộ dân số xã như anh đã chờ đợi được tuyển dụng vào viên chức Nhà nước suốt từ năm 2008. Gắn bó với nghề từ khi còn là chàng trai trẻ, đến bây giờ ngoài 40, tóc anh đã bắt đầu điểm bạc, nhưng anh chưa biết liệu mình có được tuyển dụng hay không?

Cùng chung tâm trạng với anh Vụ là chị Nguyễn Thị Thanh, cán bộ dân số xã Nam Cường (Tiền Hải). Bước vào vị trí cán bộ dân số xã đúng vào giai đoạn công tác dân số đang gặp nhiều khó khăn, dù vậy, chị vẫn rất yêu và nhiệt huyết với nghề. Chị Thanh tâm sự: "Đi tuyên truyền cho bà con, miệng cười nói thật đấy nhưng mà đêm về thì lo. Hơn 10 năm theo nghề, năm nay chị đã gần 40 tuổi. Sức khoẻ, lòng nhiệt tình dư thừa, vừa làm, chị cũng vừa làm vừa tranh thủ đi học trung cấp chuyên môn để đủ tiêu chuẩn tuyển dụng, chờ đợi đã lâu mà chưa biết thế nào?".

Không chỉ có anh Vụ, chị Thanh, toàn tỉnh hiện có 286 cán bộ chuyên trách dân số xã ở 286 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, hầu hết họ đều đang trong tâm trạng như vậy, chờ đợi và hy vọng.

Tại sao lại phát sinh tâm trạng này trong đội ngũ cán bộ dân số xã? Năm 2008, khi Uỷ ban Dân số-Gia đình trẻ em giải thể, hệ thống Dân số-KHHGĐ (được gọi chung là Dân số) sáp nhập về ngành y tế, bộ máy làm công tác Dân số có nhiều xáo trộn. Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn (Công văn 2694 ngày 28/4, Công văn 6084 ngày 16/9…) về việc củng cố và kiện toàn bộ máy làm công tác Dân số-KHHGĐ các cấp. Ngày 14/5/2008, Bộ Y tế cũng có Thông tư 05 hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức bộ máy Dân số -KHHGĐ ở địa phương trong đó có quy định cụ thể về việc tuyển dụng cán bộ chuyên trách dân số xã vào viên chức trạm y tế. Thực hiện chỉ đạo từ Trung ương, tháng 5/2009, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ có Kết luận, tháng 7/2009, HĐND tỉnh có Nghị quyết, UBND tỉnh cũng có Quyết định về ban hành Đề án "Tiếp tục đẩy mạnh công tác Dân số-KHHGĐ đến năm 2010 và định hướng đến 2015". Trong Đề án đã ghi rõ "Từng bước tuyển dụng viên chức đối với chức danh cán bộ dân số xã, hoàn thành việc tuyển dụng vào năm 2010… Năm 2009, tuyển dụng số cán bộ có đủ tiêu chuẩn vào viên chức trạm y tế xã để làm công tác Dân số-KHHGĐ…". Tất cả các văn bản chỉ đạo trên chính là cơ sở để đội ngũ cán bộ dân số xã hy vọng một ngày mình sẽ được tuyển dụng là viên chức Nhà nước.

Thức ngủ chờ đợi
Chỉ đạo là vậy, tuy nhiên, đến nay, việc tuyển dụng này vẫn chưa được triển khai trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, đội ngũ cán bộ chuyên trách dân số xã (phó ban dân số xã) vẫn đang hưởng phụ cấp đối với người không chuyên trách cấp xã (loại 3) ở mức phụ cấp 0,69. Trong số 286 cán bộ dân số xã đang làm việc, có hơn 70% trong số này đã có bằng trung cấp chuyên môn và có đủ tiêu chuẩn tuyển dụng. Trong khi cán bộ cấp xã trong tỉnh thuộc các ngành khác đã được hưởng lương công chức, viên chức từ lâu, cán bộ dân số xã của các tỉnh bạn cũng đã được hưởng tuyển dụng vào viên chức, việc vẫn phải chờ đợi đã gây tác động lớn đến tư tưởng, tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ dân số xã, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dân số những năm gần đây.

Tâm trạng thấp thỏm, chờ đợi, sau gần 5 năm vẫn chưa có kết quả, nhiều cán bộ lâu năm gắn bó với công tác dân số xã đã phải ngậm ngùi chia tay với nghề "vác tù và hàng tổng" để tìm cho mình công việc mới. Anh Nguyễn Xuân Hiếu (Thị trấn Thanh Nê, Kiến Xương) tham gia làm cộng tác viên dân số xã khi còn là một chàng trai 20 tuổi. Sau hơn 15 năm làm cộng tác viên, năm 2005 anh được giao nhiệm vụ cán bộ chuyên trách dân số của Thị Trấn. Nhiệt tình với công việc, có đủ bằng cấp đạt tiêu chuẩn, được đánh giá là người có kinh nghiệm và năng lực, dù rất yêu công việc mà mình đã gắn bó hơn 20 năm, song gần đây, anh cũng phải xin chuyển công việc bởi đã hơn 40 tuổi, anh không thể chờ để rồi không biết đến khi nào mình mới được hưởng lương viên chức mức khởi điểm. 

Ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Kiến Xương cho biết, từ đầu năm 2012 đến nay, huyện đã có 6 cán bộ dân số xã như anh Hiếu từ bỏ công việc dân số để chuyển sang việc mới, họ hầu hết là những cán bộ năng nổ và có nghề. Trong số 6 xã trên, đến nay vẫn còn 4 xã chưa tìm được cán bộ đủ tiêu chuẩn kế cận. Là người có 10 năm làm nhiệm vụ quản lý tại cơ sở, ông Dũng cũng cho biết chính việc thấp thỏm chờ đợi của cán bộ dân số xã thời gian qua làm ảnh hưởng lớn đến việc triển khai công tác dân số tại cơ sở. Ông cũng nhận định nếu sự chờ đợi vẫn còn tiếp tục, việc cán bộ dân số xã xin chuyển việc là khó tránh khỏi. Như vậy, ngành sẽ để mất đi một đội ngũ vững vàng, có kiến thức và kinh nghiệm, điều này sẽ tạo ra một lỗ hổng lớn cho bộ máy dân số bởi kinh nghiệm và lòng nhiệt tình mới là thế mạnh của cán bộ dân số cơ sở. 

Niềm vui sẽ đến?
Có về nông thôn mới thấu hiểu cán bộ cơ sở vất vả thế nào, nhất là đối với những nghề "vác tù và hàng tổng". Riêng đối với bộ máy dân số, trải qua nhiều biến động bởi sự tách, nhập nhiều lần, cơ chế chính sách có nhiều thay đổi song những con người "sinh nghề, tử nghiệp" vẫn kiên trì bám nghề dù nhận được sự đãi ngộ rất ít ỏi. Sự cống hiến lặng thầm của họ đã góp phần to lớn làm nên những kết quả đáng ghi nhận của công tác dân số mấy chục năm qua. Trong bối cảnh hiện nay, công tác dân số đang tiếp tục đặt ra những thách thức mới, điều đó cũng đồng nghĩa với việc công việc của cán bộ dân số còn nhiều khó khăn, vất vả. "Được tuyển dụng vào viên chức Nhà nước, đây sẽ là điểm tựa để cán bộ dân số cơ sở yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Không chỉ là niềm tự hào nghề nghiệp, khi đã thực sự là viên chức sẽ thúc đẩy cán bộ dân số xã có tu duy, cung cách làm việc mới để xứng đáng những gì mình được hưởng…", đó chính là suy nghĩ và tâm sự của hầu hết cán bộ dân số xã. Cán bộ lãnh đạo từ cấp tỉnh đến huyện của hệ thống dân số thì khẳng định tuyển dụng viên chức cán bộ dân số xã chính là sự chuyên nghiệp hoá bộ máy làm công tác dân số, góp phần nâng chất lượng công tác dân số từ cơ sở.

Khi nào việc tuyển dụng viên chức cán bộ dân số xã sẽ được thực hiện, hàng trăm cán bộ dân số xã đều đang nóng lòng chờ đợi điều này. Ngày 4/7/2011, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 04 về Công tác dân số và sức khoẻ sinh sản giai đoạn 2011-2020. Nghị quyết một lần nữa nêu: "Trước mắt, thực hiện việc tuyển dụng viên chức chuyên trách làm nhiệm vụ Dân số, KHHGĐ ở cấp xã do Trung tâm Dân số-KHHGĐ quản lý…". Gần 1 năm hành động để đưa Nghị quyết 04 đi vào cuộc sống, đội ngũ cán bộ dân số xã vẫn đang chờ để được tuyển vào viên chức và một lần nữa họ hy vọng sự chờ đợi của mình sẽ không trở thành "đường xa vạn dặm". 

                                                                    
                                                                       Trần Thu Hương

 

 

 

 

 

 


  • Từ khóa