Chủ nhật, 25/08/2024, 07:41[GMT+7]

Hội là chỗ dựa, là niềm tin của chị em

Thứ 5, 21/06/2012 | 09:50:01
898 lượt xem
Nhiều năm qua, các cấp Hội phụ nữ huyện Vũ Thư bằng nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả đã thể hiện rõ vai trò của mình trong việc chỉ đạo, vận động chị em phụ nữ tích cực giúp nhau phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, xây dựng gia đình hạnh phúc; trở thành chỗ dựa, niềm tin của không chỉ hội viên mà của tất cả chị em phụ nữ vùng đất cửa ngõ phía Tây của tỉnh.

Gian hàng trưng bày các sản phẩm nghề do chị em phụ nữ Vũ Thư sản xuất

Tiếp sức để phát triển kinh tế

Theo chị Đỗ Thị Hồng Liên, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Vũ Thư thì: Làm tốt nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập còn là biện pháp hữu hiệu thu hút phụ nữ tham gia sinh hoạt Hội, đồng thời là một trong những phương thức gắn kết chị em phụ nữ lại thành một khối đoàn kết vững chắc, cùng nhau phấn đấu vượt qua nghèo khó, vươn lên làm giàu chính đáng.  Chính vì xác định như vậy, nên Hội LHPN huyện đã phát động phong trào thi đua lao động sản xuất, xây dựng nông thôn mới, vận động chị em xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả như: nhóm, tổ tiết kiệm tín dụng; giúp nhau giống, vốn, ngày công; dạy nghề, tạo việc làm … để chị em có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Ban đầu, các cấp Hội triển khai tới toàn thể hội viên đề án sản xuất mùa vụ, vận động chị em chăn nuôi theo hướng hàng hóa, mở rộng diện tích cây vụ đông, tăng diện tích lúa ngắn ngày, gieo trồng đúng thời vụ, đủ diện tích. Kêu gọi các chị tham gia dồn điền đổi thửa, tập huấn chuyển giao KHKT trong sản xuất, phòng trừ sâu bệnh, dịch bệnh.

Song song với việc trang bị kiến thức về sản xuất, chăn nuôi, Hội tiếp tục giúp chị em giải quyết bài toán khó “buôn tài không bằng dài vốn” bằng cách đứng lên tín chấp vay vốn Ngân hàng Chính sách - xã hội. Tổng dư nợ đến nay do Hội quản lý là 79 tỷ 175 triệu đồng, cho trên 7200 lượt chị vay. Đồng thời tín chấp với công ty phân bón mua hơn 300 tấn phân bón các loại theo hình thức trả chậm, tạo điều kiện cho chị em thâm canh tăng vụ, tăng năng suất cây trồng. Tiến hành khảo sát, làm hồ sơ vay vốn và giải ngân “Quỹ quay vòng vốn cho cấp nước và vệ sinh hộ gia đình”, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của hơn 2400 gia đình hội viên, giữ môi trường sạch, đẹp, cũng là để thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Với mục đích khơi dậy và phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương trợ trong chị em phụ nữ, các cấp Hội đã vận động chị em xây dựng được hơn 190 tổ, nhóm tiết kiệm theo gương Bác Hồ, tiết kiệm được trên 700 triệu đồng, giúp phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn làm vốn sản xuất.  Từ phong trào “Phụ nữ giúp đỡ nhau giống, vốn”, đã có trên 1700 chị giúp gần 1100 chị: 816 triệu đồng, 124 chỉ vàng, 2000 con giống, 8100 kg phân bón, hơn 15.000 kg thóc và hàng ngàn ngày công.

Tiêu biểu như: cán bộ, hội viên xã Minh Lãng giúp chị Đỗ Thị Lý và chị Lê Thị Lơ 105 ngày công xóa nhà dột nát; phụ nữ thôn Nam Bi (Tân Hòa) huy động 21 chị tham gia xây dựng nhà tình nghĩa tặng nữ cựu thanh niên xung phong Phạm Thị Tuất; cá nhân chị Trần Thị Tới - chủ cơ sở may giúp 68 chị vay 58 triệu đồng, cho 2 hội viên khó khăn vay không lấy lãi 60 triệu đồng, tạo công ăn việc làm cho hơn 30 lao động nữ, với mức lương 2- 3 triệu đồng/người/tháng… Hoạt động dạy nghề, tạo việc làm cũng luôn được các cấp Hội quan tâm. Hàng năm đều tổ chức 20- 30 lớp dạy may công nghiệp và các nghề thủ công truyền thống, thu hút hàng nghìn chị em học và làm nghề.

Qua thực tế, Chị Liên khẳng định: đồng vốn nội lực không chỉ tiếp thêm sức mạnh về vật chất mà còn củng cố niềm tin của chị em vào tổ chức hội, vào sức mạnh của tập thể trên bước đường vươn lên xóa nghèo, làm giàu chính đáng.

Nhiều mô hình hiệu quả

Có sự hỗ trợ tích cực của tổ chức Hội về vốn, kiến thức, chị em phụ nữ Vũ Thư đã liên kết, hình thành nhiều mô hình làm ăn hiệu quả như: Nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm; phụ nữ tiết kiệm tích lũy; tương trợ, giúp nhau giống, vốn; tổ phụ nữ trồng màu, trồng cây vụ đông; tổ phụ nữ thêu thùa, đan đát, làm chổi... Mỗi thành viên trong các tổ có thu nhập trung bình từ 1,5- 2 triệu đồng/tháng. Điển hình là mô hình trồng màu ở xã Song An, Nguyên Xá, Duy Nhất, mỗi vụ cho thu nhập hàng chục triệu đồng/hộ. Chị Lựu (Duy Nhất) cho biết: gặt hái xong, gia đình chị trồng hơn 1 mẫu đậu tương và ngô, thu nhập trên 10 triệu đồng/vụ. Chị Thuận, chị Duyên, bà Hải (Tân Lập) chuyên trồng, buôn bán hoa cúc, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng, nói với chúng tôi: trồng hoa vất vả nhưng được mùa thì lãi cao, gia đình có cuộc sống khá giả cũng nhờ cây hoa.

Bên cạnh nghề thêu truyền thống, mô hình làm chổi quét, chổi lau nhà cũng đang được nhân rộng. Đi từ thành phố về đến cầu Nhì là thấy một dãy dài các hộ san sát phát triển nghề làm chổi, mấy chục chị đang miệt mài, tất bật với các công đoạn làm chổi. Chị Bưởi (Tân Lập) mới làm nghề vặn chổi 2 năm nay đã xây dựng được nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi, tạo việc làm cho hơn chục người, thu nhập ổn định.

Đời sống vật chất, tinh thần của chị em được nâng lên, tỷ lệ thu hút hội viên cũng tăng lên đáng kể. Hiện, toàn huyện có gần 40 nghìn hội viên, năm 2011 kết nạp mới 550 hội viên, đạt tỷ lệ thu hút 71%. Điều đó cho thấy, tổ chức Hội luôn khẳng định được vai trò chỗ dựa, niềm tin của chị em phụ nữ.

Bài, ảnh: Đỗ Hiền

  • Từ khóa