Thứ 7, 23/11/2024, 12:41[GMT+7]

Kỷ niệm ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam 1/7 Tăng cường trách nhiệm, thực hiện nghiêm pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân

Thứ 6, 29/06/2012 | 07:44:50
846 lượt xem
Ngày Bảo hiểm Y tế Việt Nam năm 2012, Bảo hiểm xã hội Việt đã đưa ra chủ đề: “Tăng cường trách nhiệm, thực hiện nghiêm pháp luật BHYT, tiến tới BHYT toàn dân”. Nhân dịp này, phóng viên Báo Thái Bình đã có cuộc phỏng vấn với bà Phạm Thị Xuyến, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh xoay quanh nội dung trên.

UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện BHYT đối với trẻ em dưới 6 tuổi, bảo đảm quyền lợi BHYT cho người nghèo, cận nghèo, người thuộc diện chính sách xã hội… Ảnh: Thành Tâm

Phóng viên: Bà đánh giá như thế nào về vai trò trách nhiệm cũng như sự đóng góp của các ngành, địa phương trong việc thực hiện chính sách, pháp luật BHYT trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Bà Phạm Thị Xuyến: Sau 3 năm triển khai thực hiện, Luật BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần tích cực bảo đảm an sinh xã hội cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Có được kết quả đó nhờ sự  quan tâm chỉ đạo của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh. Ba năm qua, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác BHYT, cụ thể: Công văn số 1762 ngày 14/9/2011 của UBND tỉnh chỉ đạo thủ trưởng các sở, ngành thuộc tỉnh, UBND các huyện, thành phố, các trường học, các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm Luật BHXH, BHYT; Công văn số 883 ngày 2/5/2012 của UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố phối hợp chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Đặc biệt, ngày 12/6/2012, Tỉnh uỷ có Công văn số 532 chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, MTTQ và đoàn thể tỉnh, các huyện uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh ủy, BHXH tỉnh tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác bảo hiểm xã hội. Ngoài ra, UBND tỉnh còn ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện BHYT đối với trẻ em dưới 6 tuổi, đảm bảo quyền lợi BHYT cho người nghèo, cận nghèo, người thuộc diện chính sách xã hội…

Hệ thống văn bản chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã khẳng định sự vào cuộc mạnh mẽ và hết sức cụ thể của hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện đối với việc thực hiện Luật BHXH, Luật BHYT trong tỉnh.

Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, ngành Bảo hiểm xã hội đã nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành: Sở Tài chính, Y tế, Lao động - Thương binh & Xã hội, Liên đoàn lao động tỉnh… và các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể của các huyện, thành phố trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT.

Phóng viên: Xin bà cho biết kết quả thực hiện công tác BHYT trong ba năm qua và những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Luật BHYT?

Bà Phạm Thị Xuyến:  Chúng ta đã đạt được một số kết quả nhất định từ việc mở rộng các nhóm đối tượng tham gia BHYT đến việc đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT. Đến nay, toàn tỉnh có 1.148.408 người tham gia BHYT (đạt 63% dân số); Quỹ khám, chữa bệnh BHYT đảm bảo trên 85% tổng chi KCB trong toàn tỉnh. Đặc biệt đối tượng HS-SV tham gia BHYT của tỉnh Thái Bình luôn dẫn đầu toàn quốc trong nhiều năm liền. Một số doanh nghiệp trước đây né tránh, trốn đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH, BHYT cho số lao động của đơn vị, đến nay tình trạng này cũng đã giảm.

Trong khám chữa bệnh, các cơ sở y tế đã phối hợp tốt trong việc tổ chức khám, chữa bệnh phục vụ người bệnh BHYT song song với việc phát triển các dịch vụ kỹ thuật mới nên đã giảm được số người bệnh phải chuyển lên tuyến trên. Năm 2010, có 1.976.034 lượt người được khám, chữa bệnh bằng quỹ KCB BHYT. Năm 2011, tổng số lượt khám, chữa bệnh 1.931.344 lượt. Dự kiến 6 tháng đầu năm 2012: 891.693 lượt. Quyền lợi của người bệnh được đảm bảo từ tuyến y tế cơ sở đến trung ương. 

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai công tác BHYT còn gặp nhiều khó khăn: - Trong việc phát triển và mở rộng nhóm đối tượng: Còn khoảng 37% dân số trong tỉnh chưa có thẻ BHYT. Mặc dù, nhiều đối tượng đã được ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí mua thẻ song số người tự nguyện tham gia BHYT còn thấp.

- Một số doanh nghiệp không đóng hoặc trốn đóng BHYT cho người lao động do nhận thức của chủ sử dụng lao động chưa đầy đủ và một bộ phận người lao động còn thiếu hiểu biết về chính sách BHYT.

- Quỹ KCB BHYT nhiều năm trong tình trạng mất cân đối. Thực tế số cán bộ của cơ quan Bảo hiểm xã hội làm công tác giám định BHYT tại các cơ sở KCB BHYT còn rất thiếu, nên việc giám định KCB BHYT còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc phối hợp với các cơ sở KCB đảm bảo quyền lợi của người bệnh BHYT và quản lý sử dụng quỹ KCB phù hợp, có hiệu quả, tránh lãng phí.

Phóng viên: Thái Bình đã có kế hoạch như thế nào để đẩy mạnh việc thực hiện lộ trình BHYT toàn dân, thưa bà?

Bà Phạm Thị Xuyến: Bảo hiểm y tế toàn dân là một giải pháp phát triển kinh tế, vừa là giải pháp bảo đảm an sinh xã hội. Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển BHYT toàn dân, đây là tiền đề cho việc bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân theo định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển.

Muốn thực hiện BHYT toàn dân cần phải có giải pháp tổng thể, đó là hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BHYT và các lĩnh vực liên quan tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ, tương đối ổn định cho BHYT phát triển. Đầu tư mạng lưới y tế cơ sở đáp ứng yêu cầu thực hiện lộ trình BHYT toàn dân.

Từ những điều kiện cần và đủ để thực hiện đề án BHYT toàn dân trong tỉnh, trong báo cáo số 33/BC-BHXH ngày 27 tháng 4 năm 2012 của Bảo hiểm xã hội tỉnh đã báo cáo Thường trực Tỉnh uỷ và đề nghị Tỉnh uỷ, UBND tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, Bảo hiểm xã hội tỉnh là cơ quan thường trực phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch, đề án để trình UBND tỉnh phê duyệt trong thời gian tới. Đồng thời thường xuyên tuyên truyền về BHXH, BHYT làm cho người lao động, người sử dụng lao động và các tầng lớp dân cư khác ngày càng hiểu biết về chính sách BHXH, BHYT để họ tích cực tham gia.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà đã tham gia phỏng vấn!

                          (Thực hiện)

  • Từ khóa