Thứ 2, 29/07/2024, 13:34[GMT+7]

Công tác đền ơn đáp nghĩa ở một xã Anh hùng

Thứ 6, 06/07/2012 | 14:32:16
1,917 lượt xem
Xã Hòa Bình (Vũ Thư) được nhiều người biết tới, không chỉ là một xã Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ chống Pháp mà nơi đây còn là một địa chỉ đỏ về thực hiện công tác tri ân với các gia đình thương, bệnh binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.

Nghĩa trang liệt sỹ liên xã Hòa Bình - Tự Tân, một trong những nghĩa trang đẹp nhất tỉnh Thái Bình

Những ngày cuối tháng 6, chúng tôi về Hòa Bình khi nông dân đang hối hả thu hoạch lúa xuân và khẩn trương chuẩn bị gieo cấy lúa mùa. Đi tới đâu cũng thấy thóc lúa vàng óng trong sân mỗi gia đình và đường thôn thơm ngái mùi rơm. Bề bộn công việc nhà nông, nhưng ông Lê Văn Thấn - cán bộ Thương binh xã hội xã Hòa Bình vẫn cặm cụi bên chiếc máy vi tính ngay cả khi tiếp đón chúng tôi tại nhà. Ông đang lên kế hoạch chi tiết cho buổi lễ kỷ niệm 65 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 -27/7/2012) và đêm thắp nến tri ân.

Tổng kết các cuộc kháng chiến, Hòa Bình đã đóng góp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm cho tiền tuyến và có gần 2.000 người con lên đường ra mặt trận. Hơn 220 người đã hy sinh, gần 180 người trở về là thương, bệnh binh, 11 người được công nhận nhiễm chất độc hóa học điôxin và có 8 bà mẹ liệt sĩ được phong Mẹ Việt Nam anh hùng. Ghi nhận những đóng góp sức người, sức của đó, Đảng và Nhà nước đã phong tặng Hòa Bình là xã Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Pháp.

Nếu trong những năm kháng chiến, người dân Hòa Bình hăng hái thực hiện phong trào thi đua “Hũ gạo nuôi quân” quyên góp áo ấm “Mùa đông binh sỹ” hay phong trào “Thóc thừa cân, quân vượt mức”... thì từ sau giải phóng đất nước đến nay nhân dân tích cực thực hiện phong trào “Đền ơn đáp nghĩa, tri ân với người có công với cách mạng”. Địa phương đã sớm thành lập hội đồng chính sách xã thực hiện quản lý và giải quyết tốt mọi chính sách ưu đãi cho các đối tượng thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công. Việc chi trả trợ cấp ưu đãi được tiến hành đúng thời gian, đúng qui định, an toàn và nhanh chóng.

Đặc biệt, trong các dịp lễ tết, không chỉ tổ chức gặp mặt, thăm hỏi động viên, địa phương còn làm tốt chế độ tặng quà. Trong 5 năm qua, xã đã chuyển đủ 4.689 suất quà của Chủ tịch nước, của tỉnh và huyện tới tận tay các gia đình chính sách. Mỗi khi Nhà nước ban hành chính sách mới cho đối tượng hoạt động kháng chiến, Hội đồng chính sách xã kịp thời triển khai tuyên truyền, hướng dẫn cho các đối tượng hoàn thiện hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết để được hưởng chế độ. Toàn xã có 249 đối tượng đã được hưởng chế độ như: người nhiễm chất độc da cam, trợ cấp một lần cho thân nhân người hoạt động kháng chiến chết trước năm 1995, thanh niên xung phong, con gia đình thương binh, liệt sỹ...

100% hộ gia đình liệt sỹ, thương binh, bệnh binh có mức sống trên trung bình, không còn hộ nghèo, hàng năm có trên 90% hộ gia đình đủ tiêu chuẩn gia đình văn hoá. Đây là kết quả của quá trình nhiều năm Hòa Bình thực hiện chích sách quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ các gia đình chính sách ổn định cuộc sống. Đối với những hộ còn khả năng lao động, UBND xã cùng với các đoàn thể đứng ra tín chấp vay vốn và tổ chức chuyển giao KHKT sản xuất chăn nuôi. Xã tạo điều kiện cho các hộ được nhận ruộng gần nhà, ruộng tốt để thâm canh; hỗ trợ ngày công lao động đối với những hộ gia đình neo. Một trong những hoạt động giàu tính nhân văn đó là các tầng lớp nhân dân trong xã đã tích cực tham gia xây dựng “Quĩ đền ơn đáp nghĩa”.

Ông Phạm Văn Đoan - Chủ tịch UBND xã cho biết : “Chỉ trong 5 năm qua, số tiền quĩ của xã đã thu được gần 70 triệu đồng, đạt hơn 250% so với kế hoạch huyện Vũ Thư giao. Các thôn có mức vận động đóng góp quĩ được nhiều như: Ngũ Lão, Nẽ Châu, Thống Nhất. Từ nguồn quĩ này, địa phương đã kịp thời giúp đỡ vốn giống sản xuất, hỗ trợ xây mới, tu sửa nâng cấp nhà ở cho 11 hộ gia đình.” Được ở trong ngôi nhà mới khang trang, vững chắc, bà Nguyễn Thị Háu là vợ liệt sỹ ở thôn Thống Nhất hay ông Đặng Xuân Võ là thương binh 3/4 ở thôn Ngũ Lão đã không dấu được xúc động khi được các cấp, các ngành, đoàn thể và địa phương hỗ trợ xóa nhà ở dột nát.

Cùng với những hỗ trợ về vật chất, các gia đình thương, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công còn được quan tâm, chăm sóc tinh thần. Mỗi khi các đối tượng bị ốm đau, gặp hoạn nạn hay qua đời, cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể từ xã tới thôn và hàng xóm láng giềng đều tới hỏi thăm, động viên chia sẻ. Các đối tượng chính sách xã hội được chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh tại trạm y tế. Hơn 280 lượt đối tượng đi điều dưỡng luân phiên và tập trung tại các trung tâm điều dưỡng người có công. Nhiều thương binh, bệnh binh có sức khỏe và năng lực được Đảng và nhân dân tín nhiệm đều được sắp xếp vào các vị trí cán bộ xã thôn phát huy bản chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, được cống hiến cho xã hội.

Ngoài quỹ đền ơn đáp nghĩa, từ năm 2007 đến nay, Hòa Bình còn vận động được hơn 260 triệu đồng từ những người con xa quê để tu sửa, cải tạo nâng cấp các công trình của nghĩa trang liệt sỹ như: xây dựng 2 nhà bia ghi danh liệt sỹ, lắp hệ thống điện chiếu sáng, xây dựng bồn hoa, trồng cây cảnh trong khuôn viên nghĩa trang... Nơi yên nghỉ của các anh hùng liệt sĩ đã trở thành công trình văn hóa lịch sử xanh, sạch, đẹp để các tầng lớp nhân dân lui tới viếng thăm.

Bài, ảnh: KHẮC DUẨN (Đài phát thanh Vũ Thư)

  • Từ khóa