Chủ nhật, 30/06/2024, 23:23[GMT+7]

"Diễn viên làng" làm tuyên truyền dân số

Thứ 2, 09/07/2012 | 18:19:45
1,895 lượt xem
Bằng lòng nhiệt huyết, yêu nghề, những tuyên truyền viên dân số đã biến những điều khó trở thành thế mạnh trong tuyên truyền về Dân số-KHHGĐ hiện nay thông qua hình thức sân khấu hoá. Những "diễn viên làng" này vẫn ngày ngày góp sức cùng với đội ngũ cán bộ dân số các cấp để làm nên những kết quả mới cho công tác Dân số-KHHGĐ.

Ảnh Thành Tâm

Nhà có hai con gái, ông vẫn mong chờ và mơ ước đứa con trai. Biết sự mong chờ của bố, cô con gái xinh xắn, học hành giỏi giang của ông thường mặc quần áo, đi đứng tập làm con trai. Một ngày, có vị khách đến nhà chơi, nhầm tưởng cô bé là "cậu cả". Sau khi rõ tâm trạng khát con trai của ông, vị khách (cũng là người có hai con gái) đã tư vấn, giảng giải thấu tình đạt lý để ông hiểu ra: con trai, con gái như nhau và chỉ quý khi đó là những đứa con ngoan, có hiếu. Đó là nội dung của tiểu phẩm: "Y như cũ", một tiết mục mới được dàn dựng của Đội tuyên truyền Dân số-KHHGĐ xã An Đồng (Quỳnh Phụ) biểu diễn trong liên hoan "Tuyên truyền viên dân số-KHHGĐ" nhân kỷ niệm 25 năm ngày Dân số Thế giới năm 2012.

Cùng chuyển tải thông điệp "không trọng nam, khinh nữ", Đội tuyên truyền dân số của huyện Vũ Thư đem đến liên hoan tiểu phẩm "Ước đứa con trai". Ba ông sinh con gái trong đó có hai ông cố đẻ thêm. Cuộc sống của hai gia đình này đều rơi vào cảnh nghèo đói, con cái không được học hành. Ông còn lại giữ vững lập trường "không phân biệt trai gái, không đẻ nhiều" nên con gái ông được chăm lo học hành, thành đạt, gia đình ông đề huề, hạnh phúc.

"Tối ưu" là tiểu phẩm của Đội tuyên truyền Dân số-KHHGĐ Thành Phố. Tiểu phẩm kể câu chuyện về hai ông dẫn vợ đi đẻ.  Trong lúc tối tăm mặt mũi vì lo lắng, hai ông xảy ra cãi cọ. Cãi nhau chán mới nhận ra người quen. Cùng chờ hai bà vợ vượt cạn trong cơn hiểm nguy vì tuổi đã cao, hai ông đã thấu hiểu thế nào là "cố đẻ". KHHGĐ chính là giải pháp tối ưu cho các cặp vợ chồng, đó là thông điệp của tiểu phẩm chuyển đến cho người xem...

Không phức tạp, cầu kỳ, hoa mỹ, tất cả các tiết mục tham gia Liên hoan tuyên truyền dân số đều rất đơn giản, nhẹ nhàng, phản ánh đúng tính chất trong tuyên truyền về đề tài Dân số-KHHGĐ. Kể những câu chuyện rất thực, rất gần gũi mà chúng ta vẫn gặp trong cuộc sống hàng ngày, nhưng qua cách thể hiện hài hước, dí dỏm của các diễn viên là các tuyên truyền viên dân số mà các thông điệp về Dân số-KHHGĐ được chuyển đến người nghe một cách dễ hiểu nhưng để lại ấn tượng không kém phần sâu sắc. Cùng với nội dung dễ hiểu, xúc tích, điều đọng lại với người xem còn là tinh thần say mê và nhiệt huyết của những diễn viên trên sàn diễn.

Là một trong bốn diễn viên tham gia trong tiểu phẩm "Y như cũ" của đội tuyên truyền huyện Quỳnh Phụ, bà Trần Thị Hải, cộng tác viên dân số xã An Đồng năm nay đã hơn 50 tuổi. Đã lên chức bà nội, bà ngoại nhưng vẫn là một tuyên truyền viên dân số hết sức nhiệt tình. Hơn 10 năm làm cộng tác biên dân số xã, nhiều năm tham gia đội văn nghệ tuyên truyền dân số, bà Hải cho biết để diễn thành công tiết mục, đội của bà mất nhiều buổi tập luyện. Dù là đội khá cứng tuổi, các thành viên tham gia đội 100% là cộng tác viên dân số của xã An Đồng, trong số 4 diễn viên của đội, có tới 3 người đã lên chức ông, bà, người ít tuổi nhất đã gần 40, dù vậy cả đội rất say sưa tập luyện để chuẩn bị tham gia liên hoan. Song, tham gia liên hoan cũng chỉ là một hoạt động nhỏ bởi việc tập luyện để có một tiết mục mới biểu diễn phục vụ bà con địa phương mới là việc chính. Bà Hải cho biết thêm, trước khi có tiểu phẩm "y như cũ", đội của bà đã có một số tiết mục khác làm vốn như: "ước đứa con trai", "Chuyển đổi"... Đội thường xuyên diễn phục vụ bà con địa phương, được bà con đón nhận rất nồng nhiệt. Không chỉ biểu diễn tại xã, đội còn tham gia biểu diễn tại khắp các làng, xã khác trong huyện, trở thành đội văn nghệ tuyên truyền dân số tiêu biểu của huyện Quỳnh Phụ.  

Khác một chút với đội tuyên truyền huyện Quỳnh Phụ, đội tuyên truyền của Vũ Thư có phần chuyên nghiệp hơn. Tập hợp các cộng tác viên dân số các xã trong huyện và một số cộng tác viên từ Trung tâm văn hoá huyện. Hàng năm, đội thường xuyên dàn dựng tiết mục mới, có nhiều buổi biểu diễn ở khắp các địa phương trong tỉnh để tuyên truyền về công tác Dân số-KHHGĐ. Anh Bùi Văn Thưởng, cộng tác viên dân số xã Phúc Thành, diễn viên trong đội cho biết chỉ từ cuối năm 2011 đến nay, đội đã có 14 buổi biểu diễn tại các xã khắp các huyện trong tỉnh. Đến các địa phương biểu diễn, nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của bà con, các thành viên trong đội đều cảm thấy vui. Mỗi người đều thấy ngày càng gắn bó với công việc và chuyên nghiệp hơn trong việc tuyên truyền dân số. Bất kỳ mùa nóng hay mùa rét, các thành viên trong đội đều sẵn sàng lên đường biểu diễn.

Bùi Thanh Tùng, tuyên truyền viên của Thành phố, một trong các diễn viên diễn tiểu phẩm "Tối ưu" còn rất trẻ. Bên ngoài là một thanh niên 8x hiện đại, song Tùng đã vào vai ông chồng rất nuột như một diễn viên thực sự. Bùi Thanh Tùng cho biết anh thực sự thấy thích thú với việc tham gia đội văn nghệ tuyên truyền dân số. Thực sự yêu thích công việc này nên việc lên sân khấu diễn, tuyên truyền dân số với anh không quá khó khăn, nó giống như sinh ra là để làm anh hề trong các tiểu phẩm về đề tài dân số vậy.

Sân khấu hoá chính là cách tiếp cận mới trong truyền thông Dân số-KHHGĐ. Nếu những nội dung về công tác Dân số-KHHGĐ cứ đem mãi lên hội nghị mà đọc thì ít người muốn nghe nhưng lồng ghép trong các tiết mục văn nghệ sẽ luôn nhận được sự đón nhận của mọi người. Những chương trình văn nghệ như thế mang về nông thôn là những món quà quý đối với bà con. Chính vì vậy, những năm gần đây, đội văn nghệ tuyên truyền Dân số-KHHGĐ được thành lập ở nhiều địa phương. Nhiều đội đã hoạt động rất hiệu quả. Tuy nhiên, là một đề tài vừa khó, vừa khô, đưa lên sân khấu để nói lại càng không phải là điều dễ. Song bằng lòng nhiệt huyết, yêu nghề, những tuyên truyền viên dân số đã biến những điều khó trở thành thế mạnh trong tuyên truyền về Dân số-KHHGĐ hiện nay. Từ nhiều năm nay, những "diễn viên làng" vẫn ngày ngày góp sức cùng với đội ngũ cán bộ dân số các cấp để làm nên những kết quả mới cho công tác Dân số-KHHGĐ.

 

                                                                        Trần Thu Hương

  • Từ khóa