Thứ 2, 26/05/2025, 00:41[GMT+7]

Nâng cao tính bền vững của rừng ngập mặn

Thứ 4, 13/04/2016 | 08:05:19
711 lượt xem
Là một trong những địa phương được chọn triển khai sâu rộng, toàn diện các hoạt động của Dự án “Trồng rừng ngập mặn - Giảm thiểu rủi ro thảm họa” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh thực hiện với nguồn tài trợ của Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch (1994 - 2005) và Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản (2011 - 2015) song bài toán đặt ra với Nam Hưng (Tiền Hải) hiện nay là việc duy trì sự phát triển bền vững của rừng ngập mặn.

Vành đai rừng ngập mặn xã Nam Hưng.

Theo người dân Nam Hưng, trước đây, diện tích rừng ít, mỗi mùa bão về bà con lại thường trực nỗi lo vỡ đê, nước mặn tràn. Riêng ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp phải mất đến vài năm mới phục hồi được. Từ khi Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai Dự án tại xã, người dân Nam Hưng đã bớt lo trước mối đe dọa của thiên nhiên. Ông Trần Công Đoan, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã cho biết: Giai đoạn được Hội Chữ thập đỏ Đan Mạch tài trợ, xã đã tiến hành trồng khoảng 300ha rừng ngập mặn với các loại cây vẹt, đước, bần…, góp phần bảo vệ vững chắc tuyến đê biển, tạo môi trường sinh thái, giảm thiểu tác động do thiên tai gây ra. Đội bảo vệ rừng cũng được thành lập, được trang bị nhà bảo vệ, xuồng máy, đèn pin cùng các trang bị thiết yếu phục vụ nhiệm vụ hàng ngày. Triển khai Dự án, các chương trình tuyên truyền, tập huấn được tổ chức sâu rộng trong cán bộ, nhân dân, qua đó nâng cao kiến thức, nhận thức của nhân dân về vai trò, lợi ích của việc bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn cũng như bảo vệ môi trường. Từ đó, hiện tượng chặt phá, lấn chiếm rừng đã giảm dần và chấm dứt hẳn, nhân dân trong xã đồng lòng, kiên quyết bảo vệ rừng.

Giai đoạn 2011 - 2015, Dự án được nối tiếp với sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản nhưng chú trọng nhiều hơn đến việc tham gia xây dựng cộng đồng an toàn thông qua các hoạt động giảm thiểu rủi ro thảm họa. Năm 2012, 10ha rừng được trồng mới, trồng dặm hòa nhập với diện tích rừng đã được trồng trước đây (cả trong và ngoài Dự án), nâng tổng diện tích rừng ngập mặn của xã lên 500ha. Đội bảo vệ rừng cũng được kiện toàn, đồng thời thành lập đội ứng phó cấp cộng đồng. Các đội đều được cấp dụng cụ, trang thiết bị cơ bản để hoạt động, đồng thời được tập huấn, đào tạo kiến thức và kỹ năng thực hành ứng phó an toàn với các thảm họa và tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, đội ngũ cán bộ chủ chốt của chính quyền và Hội Chữ thập đỏ xã cũng được tập huấn về quản lý rủi ro thảm họa dựa vào cộng đồng và thích nghi với biến đổi khí hậu.

Là người trực tiếp hưởng lợi từ các hoạt động của Dự án, ông Trần Minh Phùng, đội trưởng đội bảo vệ rừng của xã cho biết: Tôi tham gia đội bảo vệ rừng từ năm 1997. Trong đội, có những người được tạo điều kiện cho thuê một số diện tích mặt nước, mặt bãi để kết hợp vừa khai thác thủy sản vừa bảo vệ rừng. Tôi cũng như mọi người dân trong xã đều hiểu, rừng là "lá chắn xanh" giúp chống thiên tai và các tác động của biến đổi khí hậu. Tuyến rừng dày, kéo dài của xã có hệ động thực vật đa dạng, nhất là nguồn lợi thủy sản dồi dào, giúp người dân có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, trong đợt rét vừa qua có một số diện tích rừng bị chết, xuống cấp cần được trồng mới, trồng xen. Hoạt động của đội bảo vệ rừng cũng gặp khó khăn do trợ cấp cho đội viên hạn chế, trang thiết bị thiếu thốn trong khi rừng rộng, đường khó đi.

Ông Trần Công Đoan cũng chia sẻ: Việc trồng và bảo vệ rừng ven biển gặp nhiều khó khăn do điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, cây con bị hà gây hại làm chết hàng loạt. Là vùng mặn, ẩm ướt, các phương tiện, thiết bị phục vụ chăm sóc, bảo vệ rừng như xuồng máy, loa… cũng rất nhanh hỏng. Sự hỗ trợ từ các dự án đã giúp địa phương giải quyết khó khăn này song khi các dự án kết thúc, nguồn lực đầu tư cho công tác bảo vệ rừng rất khó khăn. Vì vậy, là những người lâu năm gắn bó với rừng, chúng tôi mong muốn chính quyền và các tổ chức quan tâm đầu tư trồng mới và duy trì bảo vệ rừng - "vành đai xanh" bảo vệ cuộc sống cộng đồng, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống.

Mai Hiền

  • Từ khóa