Thứ 7, 20/04/2024, 05:38[GMT+7]

Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước

Thứ 2, 05/06/2017 | 09:33:51
1,512 lượt xem
Thái Bình có hơn 25.000ha đất ngập nước ven biển ngoài đê, được đánh giá có độ đa dạng sinh học cao với trữ lượng động thực vật phong phú. Không chỉ có ý nghĩa nghiên cứu sinh học, vùng đất ngập nước đã và đang đóng góp to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, cần được bảo tồn và sử dụng bền vững nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nông dân Thái Thụy khai thác hải sản vùng đất ngập nước.

Với 54km bờ biển, có hệ thống sông ngòi dày đặc, 5 cửa sông lớn đổ ra biển, vùng đất ngập nước cửa sông, ven biển Thái Bình là nơi giao thoa giữa lục địa và đại dương, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Với trên 1.381 loài động thực vật; đặc biệt, vùng đất ngập nước ven biển Thái Bình còn là nơi trú ngụ và kiếm ăn của một số loài chim nước di cư bị đe dọa trên toàn cầu, được ghi trong sách đỏ thế giới như cò thìa, mòng bể mỏ ngắn, rẽ mỏ thìa, quắm đầu đen… Chính vì vậy, việc bảo tồn, trồng rừng ngập mặn có ý nghĩa quan trọng, không chỉ góp phần điều hòa khí hậu, bảo vệ vùng đất ven biển mà còn giúp tích lũy phù sa, tạo điều kiện phát triển kinh tế cũng như nâng cao ý thức cho người dân địa phương trong công tác bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh đã tập trung chỉ đạo, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển vùng ven biển như: cứng hóa toàn bộ hệ thống đê biển, xây dựng khu vực ven biển thành trọng điểm phát triển kinh tế, đồng thời quan tâm tới công tác trồng và bảo vệ rừng ngập mặn ven biển, toàn tỉnh đã trồng, chăm sóc và bảo vệ được hơn 3.700ha rừng ngập mặn đặc thù. Chú trọng bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên đất ngập nước để giảm áp lực về môi trường cho các vùng đất ngập nước ở cửa sông, ven biển, hướng tới sự phát triển bền vững.

Cũng bởi hệ sinh thái đa dạng, đặc trưng, Thái Bình là một trong hai tỉnh của cả nước được lựa chọn tham gia dự án bảo tồn các khu đất ngập nước quan trọng và sinh cảnh liên kết tại huyện Thái Thụy. Dự án do Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường và Cục Bảo tồn đa dạng sinh học (Bộ Tài nguyên và Môi trường) xây dựng, được triển khai trong giai đoạn 2015 - 2018 với tổng kinh phí hơn 18 triệu đô la Mỹ. Với việc tham gia dự án, Thái Bình đang hướng tới việc hình thành khu bảo tồn theo phương thức đồng quản lý, góp phần nâng cao nhận thức, quyền lợi và trách nhiệm của người dân để đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất và quản lý. 

Trước đó, nhiều chương trình, dự án cũng đã được triển khai nhằm bảo tồn đất ngập nước như: Kế hoạch khôi phục đất ngập nước trong khu vực dễ bị tổn thương (thời gian triển khai 2013 - 2015); Phát triển cơ sở dữ liệu cho đa dạng sinh học ở tỉnh Thái Bình (thời gian triển khai 2015 - 2020); Nâng cao nhận thức cộng đồng về luật và quy định đa dạng sinh học (thời gian triển khai 2012 - 2015)…

Hệ sinh thái đất ngập nước đang bị đe dọa bởi hoạt động khai thác, đánh bắt quá mức; tình trạng ô nhiễm dòng chảy và các hoạt động kinh tế, đặc biệt là các hoạt động chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản, phát triển khu công nghiệp... 

Để góp phần nâng cao sinh kế, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, các cấp, các ngành và mỗi người dân tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, giá trị, phương thức quản lý, bảo vệ, sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước; tích cực tham gia trồng và bảo vệ rừng ngập mặn; áp dụng các mô hình khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất ngập nước.

Lưu Ngần

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày