Thứ 7, 20/04/2024, 14:16[GMT+7]

Phát triển kinh tế song hành với bảo vệ môi trường

Thứ 2, 02/04/2018 | 09:14:46
411 lượt xem
Những năm qua, kinh tế phát triển nhanh đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, cùng với đó Thái Bình đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH Một thành viên may TAV.

Với quan điểm bảo vệ môi trường (BVMT) vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững, đòi hỏi phải có sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động trong cả hệ thống chính trị, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai thi hành và tuân thủ pháp luật về BVMT trên địa bàn tỉnh. Việc lồng ghép BVMT vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của tỉnh đã được quan tâm thực hiện. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ động tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tiễn, góp phần tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả lãnh đạo, quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh xuống cơ sở. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức chung của các tầng lớp nhân dân; triển khai sâu rộng, thường xuyên công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật đối với công tác BVMT. Phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, lấy ý kiến nhân dân; tổ chức các hội thảo, hội nghị rút kinh nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quản lý, giám sát, kiểm tra BVMT, góp phần xây dựng kinh tế xanh, bền vững. Hoạt động thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Đến nay, hầu hết các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đều thực hiện việc lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết BVMT trình cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt hoặc xác nhận theo quy định.

Trong nhiều năm qua, Thái Bình đã chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc không vì phát triển kinh tế bằng bất kỳ giá nào để phải đánh đổi môi trường. Nhà đầu tư phải mang lại sự thịnh vượng, bảo đảm các yêu cầu quy định về BVMT. Bên cạnh đó, sửa đổi lại quy định bố trí các ngành nghề sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng ngăn chặn các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, xả nhiều nước thải và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; chỉ thu hút các dự án đầu tư đáp ứng các yêu cầu về BVMT, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, chủ động phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm, kiểm soát các hoạt động xả thải vào nguồn nước, cải thiện chất lượng môi trường, đầu tư đồng bộ, hiệu quả các dự án về môi trường…, từ đó giải quyết kịp thời các bức xúc về môi trường tại địa phương. Mặt khác, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là các doanh nghiệp có lưu lượng xả thải lớn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực BVMT. Năm 2017 và quý I/2018, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai, BVMT, tài nguyên nước của trên 200 tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Thanh tra Sở đã xử phạt vi phạm hành chính hoặc trình Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt vi phạm hành chính 64 trường hợp, tổng số tiền gần 2,57 tỷ đồng; trong đó nhiều nhất là lĩnh vực môi trường 29 trường hợp, với số tiền trên 1,6 tỷ đồng kèm theo các biện pháp khắc phục hậu quả.

Tuy nhiên, do nhận thức và do lợi ích kinh tế đem lại mà còn có doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã không quan tâm đầu tư BVMT. Tỷ lệ thu gom, phân loại, xử lý chất thải rắn công nghiệp chưa cao; hiện mới chỉ có 4 khu công nghiệp, 1 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn. Hệ thống thoát nước thải trong khu dân cư nông thôn và một số khu công nghiệp chưa được quy hoạch hoặc quy hoạch thiếu đồng bộ nên phần lớn nước thải sinh hoạt thải trực tiếp ra sông ngòi, ao, hồ gây ô nhiễm môi trường nước. Hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề chỉ chú trọng sản xuất, kinh doanh, chưa quan tâm đúng mức vấn đề thu gom, xử lý chất thải, khói bụi độc hại, nước thải. Việc quy hoạch của các làng nghề chủ yếu vẫn là tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, thủ công, thiết bị chắp vá, thiếu đồng bộ, khiến cho việc xử lý tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề gặp nhiều khó khăn, không triệt để.

Để công tác BVMT thực sự trở thành ý thức và được coi là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị cũng như mọi người dân, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức và trách nhiệm BVMT, thì cần gắn trách nhiệm của doanh nghiệp với xã hội bằng các biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước, khắc phục sự chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến trách nhiệm BVMT. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra đánh giá tác động môi trường của các doanh nghiệp; hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư cho công tác BVMT.

Minh Nguyệt

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày