Thứ 2, 29/07/2024, 23:16[GMT+7]

Hậu thần làng Kim Ngọc

Thứ 2, 23/12/2019 | 09:51:07
6,939 lượt xem
Theo quan niệm của người xưa chẳng có gì bền vững bằng tượng đồng, bia đá vì thế dân gian có câu: “khôn” văn tế, “dại” văn bia”. Việc tôn tạo hoặc tu sửa chùa, đình, miếu, đền... thờ thần, Phật; dựng gác chuông, đúc hồng chung, xây nhà thờ tổ... những người có công lao lớn đều được dân làng tín nhiệm bầu làm Hậu Thần, Hậu Phật và dựng bia ghi công đức lưu danh muôn thuở.

Bia đá Hậu Thần, Hậu Phật còn lưu giữ được ở đền Sảnh, xã Liên Giang, huyện Đông Hưng.

Theo tài liệu khảo cứu, “Hậu Thần, Hậu Phật” là danh hiệu cao quý dành cho những người có công có đức sau khi được cộng đồng dân cư bầu chọn hoặc là người “đức cao, vọng trọng” như “Hội đồng sắc mục”; “Hội đồng tộc” đã được biểu thương lượng, biểu quyết và thông qua... tất thảy những người ấy được đưa ra bầu làm “Hậu Thần, Hậu Phật” của làng, khi chết đi họ được phối thờ với “Thần” trong đền, miếu của làng hoặc phối thờ với Phật ở trong chùa. Những việc “bầu” như kể trên nhân dân làng Kim Ngọc gọi là “bầu Hậu”. Cũng theo tục lệ này, dân làng còn tổ chức nhiều hội nghị toàn thể để bàn bạc và quyết định thần hiệu cho “Hậu Thần” và pháp hiệu cho “Hậu Phật”, các nghi thức, các điều lệ và vật phẩm tế lễ Hậu Thần, Hậu Phật... Tất thảy những thủ tục “bầu Hậu” ấy đều được viết thành văn bản chép vào hương ước và khắc tạc lên bia đá để lưu truyền hậu thế nên gọi là “Hậu Thần, Hậu Phật bi ký”.

Trong chuyến điền dã về làng Kim Ngọc (tên Nôm là làng Vọc thuộc xã An Lạc, tổng An Lạc, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng, trấn Sơn Nam Hạ), nay là xã Liên Giang, huyện Đông Hưng, nhóm nghiên cứu chúng tôi được cựu chiến binh Nguyễn Minh Lượng, thủ nhang đền Sảnh, thôn Kim Ngọc dẫn đi tham quan những tấm bia đá cổ còn lưu giữ được trong khuôn viên đền Sảnh, trong đó có 7 tấm bia khắc ghi tên tuổi các vị chức sắc và nhân dân được bầu “Hậu Thần, Hậu Phật”. Theo các bậc cao niên làng Vọc (Kim Ngọc nay) truyền ngôn lại, tổng An Lạc, huyện Thần Khê, phủ Tiên Hưng trước thế kỷ X là đất Đằng Châu (căn cứ địa của Phạm Phòng Ất, thường gọi là Phạm Bạch Hổ), 1 trong 12 sứ quân (loạn 12 sứ quân). Tới cuối thế kỷ XIX làng lại xuất hiện võ tướng lừng danh đánh Pháp là Phạm Trọng Điển (Đốc Điển mà dân gian gọi tên là Đốc Đen). Đền Sảnh thờ Tản Viên Sơn thánh, trong đền có đôi câu đối “Phù Hùng chí thánh/Bình Thục cao công”, tạm dịch là “Bậc chí thánh giúp vua Hùng/Có công cao đánh giặc Thục”. Đền phối thờ Nam Hải Đại vương, Tam Kỳ Đại vương, Kim Trương Đại La, Thiên Quan Đông sứ. Đền được các triều đại phong kiến sắc phong 18 đạo sắc, trong đó chủ yếu là sắc phong của triều Nguyễn từ thời Thiệu Trị 6 (1846) cho tới năm Khải Định thứ 9 (1925). Cựu chiến binh Nguyễn Minh Lượng chỉ cho chúng tôi xem các tấm bia đã xuống màu thời gian, nhiều nét chữ đã mờ cùng năm tháng, phải giã chuối chín trộn với vôi tôi trát lên mặt bia, để bia khô xoa nhẹ mặt bia nét chữ người xưa mới hiện lên. Ông Lượng có may mắn được người cha của mình vốn là nhà nho, có chút vốn liếng chữ Hán truyền lại cho ông, lại được Tiến sĩ Mai Hồng (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) từng “ăn nằm” ở nhà ông để nghiên cứu, dập bản, dịch thuật bi ký hậu thần làng Vọc. Cũng nhờ những ngày sát cánh bên Tiến sĩ Mai Hồng mà ông “học lỏm” khá nhiều vốn Hán Nôm, nay có người muốn tìm hiểu bi ký, ông Lượng say sưa dịch văn bia, một tấm bia có nội dung như sau: “Các vị hương lão sắc mục thôn Kim Ngọc, xã An Lạc, huyện Thần Khê họp tại đình làng để xét bầu Hậu Thần. Cuối vụ năm xưa vì thiếu tiền nộp quan trên. Quan đã cho người về tróc nã, nhưng vẫn không có tiền nộp. Bấy giờ tình hình rất gay gắt, may có ông Trùm trưởng người bản thôn tên là Nguyễn Phúc Hữu và vợ Nguyễn Thị Đài mang số tiền cần nộp hoàn nợ quan trên, tiền còn dư gán số hương hỏa cho ông bà. Nên số ruộng hương hỏa chỉ còn lại có một mẫu. Quan trọng là tránh được sự tróc nã của quan trên nếu không thì sẽ có một số người phải tù tội. Bởi thế dân làng trên dưới hồ hởi bầu ông bà làm Hậu Thần của làng và cùng dựng bia ghi việc”. Một tấm bia khác lại đề cập nội dung: Các vị quan viên chức sắc cùng đại biểu dân thôn họp tại đình chứng kiến việc mua Hậu Thần của ông bà Phạm Quý Giám và Khúc Thị Tý đã có hằng tâm lại có hằng sản tự xuất số tiền bạc của mình để cung ứng cho việc sửa sang miếu vũ là 150 quan tiền. Do công đức ấy toàn dân thôn trên dưới đều đồng lòng suy tôn ông bà họ Khúc làm Hậu Thần của làng với bài vị Kỳ lão Thập Lý hầu (Lý trưởng) kiêm Trùm trưởng, Hậu Thần Phạm quý công, tự là Trung Thể phủ quân và Kỳ lão Thập Lý hầu kiêm Trùm trưởng Hậu Thần Phạm quý công Chính thất (vợ cả), hiệu là Minh Cần nhụ nhân. Danh sách họ tên tham gia hội nghị bầu Hậu như sau: Hương lão Nguyễn Quý Đoán, Nguyễn Trọng Hiền, Nguyễn Danh Bao, Nguyễn Gia Cấp, Khúc Đăng Huy, Thôn trưởng Nguyễn Trọng Tuyển, Khán thủ Nguyễn Công Hồng... Việc bầu Hậu Phật cũng được dân làng kính trọng họp bầu như nội dung một tấm bia khác còn lưu giữ được ở đền Sảnh: Hội đồng kỳ mục cùng dân làng Vọc họp về việc bà Nguyễn Thị Em, hiệu là Diệu Thọ. Cụ là người có hằng tâm, hằng sản đóng góp nhiều cho việc xây dựng tu bổ cho các công trình văn hóa như đình, chùa của làng. Từ trước đã được dân bầu làm Hậu Phật và đã có khoán ước của làng ghi rõ. Nay được con cháu cụ lại có nguyện vọng xin làng tạc tượng. Vậy nên, các vị quan viên chức sắc họp để chuẩn cho con cháu cụ được tạc tượng đá để phối thờ Phật ở chùa làng. Những vị chức sắc trong làng đến chứng kiến việc tạc tượng của con cháu Hậu Phật như: Nguyễn Gia Xuân (Xã trưởng) cùng các vị: Nguyễn Gia Khoan, Ngô Đăng Đài, Ngô Đăng Xuân, Nguyễn Trọng Nho, Nguyễn Tài Hiền, Khúc Văn Mậu, Nguyễn Công Dụng... Không chỉ có những tấm bia ghi công đức các Hậu Thần, Hậu Phật, đền Sảnh còn lưu giữ 1 cuốn sách thuốc Nam chữa bệnh cho dân nghèo tương truyền của thần y Thuần Dương Tử thời nhà Đường (thời kỳ Bắc thuộc) và đã được sao chép lại qua nhiều đời. Truyền ngôn, thần y Thuần Dương Tử vốn là quan lại nhà Đường được cử sang cai trị nước ta. Thuần Dương Tử là vị quan gần gũi dân chúng. Ông thấy người dân nghèo không có tiền mua thuốc chữa bệnh nên đã tự mình đi tìm cây thuốc quý trong dân gian về chữa bệnh cho dân nghèo. Ông lấy vợ làng Vọc và sinh hạ được 4 người con trai, hiện không rõ lai lịch hậu duệ của Thần y giờ ở đâu.

Theo các cụ cao niên làng Kim Ngọc, tục bầu “Hậu Thần, Hậu Phật” có từ thời xa xưa là nếp sinh hoạt văn hóa cao đẹp của dân làng Vọc (Kim Ngọc nay) mang đậm tính nhân văn và tính khuyến thiện rất lớn. Những người hằng tâm, hằng sản được dân làng tôn bầu Hậu Thần, Hậu Phật đã là vinh dự to lớn không chỉ với cá nhân mà “tiếng thơm” cho cả dòng tộc. Còn người được tạc tượng đồng, tượng đá, khắc tên bia đá càng là sự tôn vinh đặc biệt với người có tâm đức lớn lao. Lời minh còn khắc trên chuông đồng chùa làng Vọc chỉ rõ: “Phú giả thiên chi cơ; thiện giả phúc chi báo”. Tạm dịch là: Phúc là nền móng của cái thiện; người làm điều thiện sẽ được cái phúc báo.



Ông Nguyễn Trọng Lương, Chủ tịch Ủy ban MTTQ kiêm công chức văn hóa xã Liên Giang, huyện Đông Hưng
Tục bầu “Hậu Thần, Hậu Phật” ở làng Vọc (thôn Kim Ngọc) là nét đẹp văn hóa truyền thống được truyền lại từ bao đời nay. Hiện nay, tục này không duy trì được, tuy nhiên vào các kỳ lễ hội làng hay dịp tết đến, xuân về, con cháu trong làng vẫn tề tựu tại đền Sảnh nghe các bậc cao niên kể về sự tích đền Sảnh, ngọc phả đình, chùa, miếu làng Vọc gắn với nhiều nghi lễ văn hóa dộc đáo, tôn vinh nét đẹp văn hóa của người dân làng Vọc.

Cựu chiến binh Nguyễn Minh Lượng, thủ nhang đền Sảnh, thôn Kim Ngọc 3, xã Liên Giang, huyện Đông Hưng
Đền Sảnh có hai bức đại tự, một bức ghi: “Thanh tiên giáng” đại ý nói về công lao của thần y Thuần Dương Tử, người có công làm thuốc trị bệnh cho dân nghèo và để lại cuốn sách thuốc quý cho dân làng chữa bệnh. Bức thứ hai đề: “Thần Nhạc giáng” đại ý tôn thờ các vị thần như Nam Hải Đại vương; Đông Xứ Đại vương; Bát Bộ Đại vương; Kim Tương Đại La... có công lao với dân làng Vọc chúng tôi...

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Lời, thôn Kim Ngọc 3, xã Liên Giang, huyện Đông Hưng
Trước năm 1954, đền Sảnh còn nằm ngoài làng nhưng cho đến thời điểm hiện tại, đền Sảnh nằm sát với nhà dân do dân số làng Vọc tăng nhanh, số hộ dân cũng vì thế tăng lên, đất xung quanh đền được chính quyền chia cho hộ dân để ở. Chúng tôi kiến nghị các cấp chính quyền tạo điều kiện để dân làng xây dựng con đường rộng rãi vào đền, phục vụ bà con gần xa về dự lễ hội đền Sảnh hàng năm được thuận lợi.


Quang Viện