Thứ 2, 20/05/2024, 15:06[GMT+7]

Tự nguyện xin thoát nghèo

Thứ 3, 24/12/2019 | 09:35:34
2,008 lượt xem
Trong khi vẫn có người mong muốn được đứng trong danh sách hộ nghèo để được nhận trợ cấp và các ưu đãi khác của Nhà nước thì tại một số địa phương trong tỉnh đã có những hộ nghèo, hộ cận nghèo chủ động xin thoát nghèo với suy nghĩ nhường cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày bà Phạm Thị Tứ, thôn Đoàn Kết, xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình) vẫn đi chợ để tự trang trải cuộc sống.

Gia đình ông Nguyễn Văn Thấn, tổ 8, phường Bồ Xuyên (thành phố Thái Bình) là một trong những gia đình tự nguyện xin thoát nghèo điển hình của tỉnh trong năm 2019. Trong đợt rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo vừa qua, ông Thấn là người duy nhất trong phường xin thoát nghèo, mặc dù cuộc sống của ông cũng còn gặp nhiều khó khăn. Theo như chia sẻ của ông, năm 1976 sau 9 năm tham gia chiến đấu ở chiến trường Tây Ninh, ông về quê hương lập nghiệp rồi lập gia đình. Sống với nhau gần 10 năm thì vợ mất vì căn bệnh ung thư để lại 3 đứa con thơ nhỏ dại. Năm 1991, ông đi bước nữa và sinh được một người con, đến năm 2008 vợ ông bị bệnh tiểu đường và biến chứng phải nằm liệt một chỗ, mọi sinh hoạt của vợ và chăm lo học hành cho các con đều do một tay ông lo liệu. Bản thân ông cũng không có công việc ổn định bởi sau 12 năm làm việc tại một hợp tác xã chuyên sản xuất cơ khí, ông phải nghỉ việc do hợp tác xã giải thể. Nhận thấy hoàn cảnh cảnh khó khăn, năm 2013 địa phương đã đưa gia đình ông vào danh sách hộ nghèo. Sau 5 năm trong danh sách hộ nghèo, đến năm 2019 ông quyết định xin rút ra khỏi danh sách hộ nghèo để nhường cho gia đình khác. 

Nói về lý do rút ra khỏi hộ nghèo, ông Thấn tâm sự: Tôi năm nay 70 tuổi, mặc dù không có công việc ổn định nhưng vẫn còn sức khỏe để chăm sóc bản thân và người vợ bị liệt; con cái cũng đã trưởng thành có thể phụ giúp bố mẹ hàng tháng nên cũng đỡ vất vả. Ngày xưa chiến tranh đạn bom, nghèo khổ như thế nào chúng tôi còn chịu được, giờ hòa bình phải tự lực mà vươn lên, không nên ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước. Xã hội hiện giờ nhiều người còn khổ lắm, tại sao mình không nhường lại cho họ.

Việc tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo được nhiều gia đình ở các địa phương trong tỉnh vươn tới. Nhiều hộ dù còn nhiều khó khăn nhưng ý chí luôn thôi thúc phải quyết tâm thoát nghèo. 

Tiêu biểu như bà Phạm Thị Tứ, thôn Đoàn Kết, xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình). Mặc dù đã 70 tuổi, cuộc sống còn khó khăn nhưng hàng ngày bà vẫn đạp xe ra chợ buôn bán hoa quả, rau xanh để tự trang trải cuộc sống. Bà Tứ cho biết: Trước đây cuộc sống của tôi cũng khổ, chồng mất sớm, một mình nuôi 3 người con trong căn nhà cấp 4 xuống cấp lụp xụp, vài năm trước tôi bị gẫy cả chân và tay không đi chợ được, thấy cuộc sống của tôi khó khăn, năm 2017 địa phương đưa vào danh sách hộ cận nghèo. Năm 2018, nhờ con cái hỗ trợ tôi cũng đã xây lại căn nhà chắc chắn, sức khỏe cũng ổn định dần có thể đi chợ, chăn nuôi gà nên có thể tự lo cho bản thân. So với nhiều người trong thôn, trong xã, cuộc sống của họ còn nghèo khổ hơn tôi nên tôi xin rút khỏi danh sách hộ cận nghèo để nhường cho người khác.

Năm 2019, tại xã Đông Thọ (thành phố Thái Bình) có 3 hộ xin thoát cận nghèo, 2 hộ đưa vào danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng cũng đều xin rút, với họ tự lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước là cách tốt nhất để thoát nghèo. Như trường hợp của ông Phạm Quốc Tuấn, thôn Quang Trung, vợ bị tai biến liệt nửa người, cuộc sống chưa hết khó khăn, mặc dù người dân trong thôn đều nhất trí đưa ông vào danh sách hộ cận nghèo nhưng ông không nhận mà quyết tâm nhường cho người khác, bởi theo quan điểm của ông đã gọi là hộ nghèo là phải thực sự khó khăn, phải thực sự cần sự giúp đỡ thì mới cho vào danh sách, còn bản thân ông với thu nhập hàng ngày từ nghề thợ xây ông có thể tự trang trải cuộc sống gia đình. 

Chia sẻ về chính sách giảm nghèo của địa phương, ông Nguyễn Cao Luyện, Chủ tịch UBND xã Đông Thọ cho biết: Đối với những hộ nghèo, hộ cận nghèo trong xã còn sức khỏe chúng tôi thường lấy những cách làm hay, gương thoát nghèo tiêu biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền trên loa phát thanh của xã khuyến khích, động viên họ học tập; đồng thời chỉ đạo ban giảm nghèo của xã mà trực tiếp là các tổ chức, đoàn thể như hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân… tổ chức cho hộ nghèo vay vốn ưu đãi để tập trung phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Với những hộ nghèo, hộ cận nghèo là người cao tuổi, xã cũng chỉ đạo ban giảm nghèo của thôn, xóm động viên con cháu, người thân giúp đỡ để thoát nghèo. Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền mà tăng số gia đình tự nguyện xin thoát nghèo, qua đó số hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng giảm qua từng năm. Năm 2019, số hộ nghèo toàn xã chỉ còn 25 người, chiếm tỷ lệ 1,62%, giảm 9 hộ so với năm 2018; số hộ cận nghèo còn 37 người, chiếm tỷ lệ 2,39%, giảm 19 hộ so với năm 2018, đời sống người dân từng bước được nâng lên.

Những câu chuyện xin thoát khỏi hộ nghèo đang dần có sức lan tỏa trong cộng đồng. Bằng ý chí và nghị lực, nhiều hộ dân đã và đang chủ động vươn lên thoát nghèo, quyết tâm xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Nguyễn Cường

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày