Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp
Hội nghị có chủ đề “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững”. Đây là cuộc đối thoại lần thứ ba với DN kể từ khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhậm chức năm 2016.
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, đánh giá cao nhiều ý kiến tâm huyết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Chính phủ luôn quan tâm, lắng nghe và giải quyết nguyện vọng của DN, nhờ đó, môi trường cạnh tranh được cải thiện đáng kể; đến nay chúng ta có hơn 800 nghìn DN. Thủ tướng đề nghị sau hội nghị này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan xây dựng một Nghị quyết của Chính phủ về định hướng phát triển DN trong thời gian tới. Thủ tướng yêu cầu, trừ cứu hỏa và thiên tai, việc giải quyết các khó khăn của DN phải nằm ở trang đầu sổ tay hành động của lãnh đạo. Không thể biết DN rất khó khăn trên địa bàn của mình, trong lĩnh vực của mình phụ trách mà không quan tâm giải quyết. Mỗi bộ, ngành khẩn trương xây dựng một chương trình hành động nhằm thực hiện các cam kết hỗ trợ cộng đồng DN trong năm 2020, tầm nhìn 2025. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải làm đầu mối đốc thúc cập nhật, tổng hợp gửi báo cáo Thủ tướng, trong đó nhấn mạnh những việc mà Hội nghị đã nêu ra như phối hợp trong đào tạo nguồn nhân lực, tìm kiếm thị trường, xây dựng những trung tâm triển lãm sản phẩm ở các thành phố, thị xã lớn.
Các bộ, ngành tiếp tục có những chính sách cởi mở hơn, thật sự, ủng hộ để DN bứt phá, làm được nhiều hơn nữa; “cởi trói” cho DN tư nhân tham gia nhiều hơn vào các lĩnh vực, các ngành mà trước đây chỉ có Nhà nước đảm trách, ngoại trừ những lĩnh vực nhạy cảm liên quan an ninh, quốc phòng và điều hành vĩ mô.
Phải thay đổi tư duy là, những gì tư nhân làm được và làm tốt thì nên để tư nhân tham gia. Tiếp tục thực hiện nhất quán, triệt để trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh (MTĐTKD) tập trung vào những khâu còn yếu mà các tổ chức quốc tế và hội nghị này đã chỉ ra như xử lý việc mất khả năng thanh toán, độ dễ dàng khi nộp thuế, thủ tục mở DN, bảo vệ nhà đầu tư nhỏ lẻ, tính thực thi pháp luật, nhất là tiếp cận đất đai. Tiếp tục giảm đáng kể danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Cải thiện mạnh mẽ, rõ nét chỉ số phá sản DN và giải quyết tranh chấp hợp đồng. Rà soát, sửa đổi, hoàn thiện các thủ tục về đầu tư, đất đai, xây dựng và môi trường.
Rà soát và thiết lập cơ chế ưu đãi tài chính tốt hơn, khuyến khích DN áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững bao trùm như ứng dụng công nghệ tiên tiến; sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng, sản xuất thông minh, bảo vệ môi trường; khuyến khích các DN FDI và cả DN nội địa liên kết với nhau trong việc hình thành chuỗi giá trị. Cải cách triệt để thủ tục hành chính, thuế, giấy phép, trong đó có việc áp dụng công nghệ, quy trình tinh giản thủ tục, xóa bỏ các trở ngại liên quan quy hoạch, tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, thủ tục xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh của DN ở địa phương.
Chấm dứt ngay tình trạng một số nhân viên công quyền sử dụng “quyền lực mềm” để hù dọa DN mỗi khi DN có sai sót hay bất đồng. Phải bảo đảm tất cả các ý kiến của DN đều phải được lắng nghe và tôn trọng, từ đó có thảo luận, phân tích, phản biện để đem ra những chính sách tốt nhất. Các cơ quan quản lý nhà nước phải loại những cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà, gây khó khăn cho sản xuất, kinh doanh (SXKD) do tham nhũng, tiêu cực hoặc do trình độ yếu kém để kéo dài thời gian, làm mất cơ hội đầu tư của DN. Yêu cầu chính quyền các địa phương đổi mới tư duy mạnh mẽ và năng lực quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương mình để tương thích mặt bằng nhu cầu của DN, nhà đầu tư; tích cực cải thiện MTĐTKD, chống phân biệt đối xử giữa kinh tế trong nước và nước ngoài, kinh tế nhà nước với tư nhân, DN với hộ kinh doanh cá thể, DN lớn và DN nhỏ…
Thủ tướng kêu gọi các DN Việt Nam phải nâng cao tinh thần đoàn kết, tương tác, khuyến khích sự chủ động hợp tác, tương trợ; phát huy tinh thần yêu nước, gắn bó khi khó khăn và cùng vươn ra biển lớn. Cộng đồng DN phải chủ động đổi mới chính mình, tái cấu trúc và cải tiến liên tục, nâng cao sức cạnh tranh, xây dựng uy tín thương hiệu sản phẩm, chú trọng đầu tư áp dụng công nghệ, luôn nghĩ đến chìa khóa công nghệ mỗi khi cần giải quyết một bài toán sản xuất; tận dụng cơ hội cách mạng công nghiệp 4.0 và các Hiệp định Thương mại tự do.
DN phải tuân thủ luật pháp, thực hành các chuẩn mực kinh doanh tiến bộ; nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính bắt buộc, thực hiện đầy đủ các quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường; bảo vệ, giữ gìn thương hiệu, uy tín quốc gia. Thủ tướng yêu cầu nói không với các hành vi gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tiếp tục xây dựng thương hiệu, tạo dựng chỗ đứng cho DN, kể cả trong nước và nước ngoài, đóng góp xứng đáng và tự hào vào sự vững mạnh của thương hiệu quốc gia. DN Việt Nam cần đi đầu trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, nhất là không được đưa hối lộ và kịp thời phát hiện tình trạng tham nhũng, kể cả tham nhũng vặt. Thủ tướng mong muốn cộng đồng DN Việt Nam tự tin đặt mục tiêu lớn hơn trong năm 2020, dám đặt tầm nhìn và nuôi dưỡng khát vọng lớn hơn trong giai đoạn tới. Chính phủ tiếp tục củng cố vững chắc, ổn định kinh tế vĩ mô và trực tiếp bảo đảm tăng trưởng kinh tế; cam kết sẽ thúc đẩy không ngừng và mạnh mẽ hơn nữa các cải cách, tích cực rà soát rào cản pháp lý, chính sách, quy định, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DN đầu tư SXKD, xóa bỏ các rào cản độc quyền nhà nước để trao cơ hội tham gia nhiều hơn cho khu vực tư nhân bao gồm các dịch vụ công cộng.
Chính phủ cam kết bảo vệ quyền tài sản chính đáng của người dân và DN; nghiên cứu và sớm ban hành thiết chế bảo vệ quyền tài sản của người dân và DN, kiểm soát quyền lực, tránh lạm dụng quyền lực công, đụng chạm đến tài sản và lợi ích của DN. Cần ý thức rằng để một DN hay một thương hiệu chính đáng nào đó của Việt Nam biến mất thì đó không chỉ là thất bại của riêng DN mà của cả Chính phủ và chính quyền địa phương, của tất cả chúng ta. Một cộng đồng DN lớn mạnh bền vững có khả năng cạnh tranh toàn cầu, với những doanh nhân Việt Nam có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt, chính là những tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập tự cường và thịnh vượng vào năm 2045.
* Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, máy móc, thiết bị… của một số tập đoàn, DN Việt Nam.
* Chiều cùng ngày, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch
năm 2020 của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Phát biểu ý kiến tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương thành tích toàn diện của ngành nông nghiệp đạt được trong năm 2019. Đề cập mục tiêu năm tới, Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2020 có nhiều sự kiện quan trọng, do đó ngành nông nghiệp cần đóng vai trò tốt hơn để giải quyết các vấn đề đặt ra. Phải dự báo tốt mọi tình huống, nhất là diễn biến thời tiết; ngay từ bây giờ, phải có giải pháp ứng phó tốt hơn giải quyết tình trạng hạn hán, thiếu nước, không để thời tiết ảnh hưởng sản xuất và đời sống nhân dân. Thủ tướng đề nghị phấn đấu đạt mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP của ngành 3%; kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 43 tỷ USD… Ngành phải phấn đấu để nông nghiệp nước ta trở thành một trong những nền nông nghiệp phát triển nhất thế giới; đẩy mạnh cơ cấu lại, coi trọng phát triển sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, mở rộng thị trường; giữ chất lượng và chữ tín sản phẩm nông nghiệp như gạo, trái cây, tôm…
Thủ tướng đề nghị có các cơ chế, chính sách về nông nghiệp để tiếp tục tháo gỡ những nút thắt về đất đai, tín dụng; tập trung hỗ trợ đầu ra cho nông nghiệp. Nâng cao chất lượng, hiệu quả tái cơ cấu nông ghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương để nâng cao chất lượng công tác dự báo, nghiên cứu thị trường. Hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Sử dụng linh hoạt chính sách chuyển đổi đất lúa sang trồng cây lâu năm, nuôi trồng thủy sản. Tiếp tục coi trọng vấn đề bảo đảm an ninh lương thực Việt Nam; ứng phó biến đổi khí hậu, tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Đảng, Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long. Quyết liệt, đồng bộ thực hiện giải pháp để EC gỡ bỏ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Các ngành liên quan phối hợp làm tốt công tác tín dụng cho nông nghiệp mạnh mẽ, hiệu quả hơn.
Triển khai hiệu quả các chương trình, kế hoạch bảo vệ rừng; sử dụng rừng trồng hiệu quả hơn; phát triển sản phẩm dưới tán rừng, nhất là dược liệu. Thúc đẩy, thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, kiểu mẫu. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm. Quản lý chất lượng giá cả đầu vào cho nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu. Nâng cao chất lượng tăng trưởng của ngành; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Áp dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực phòng, chống thiên tai, nuôi trồng thủy sản…; đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm của ngành. Đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực; tích cực đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; cán bộ nông nghiệp phải bám sát cơ sở, hiểu biết chuyên ngành sâu, giỏi. Thủ tướng khẳng định, nông nghiệp Việt Nam cần một lớp nông dân mới chủ động hơn thích ứng tình hình mới.
* Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho bốn tập thể và một cá nhân có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực nông nghiệp.
Theo: nhandan.com.vn
Tin cùng chuyên mục
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân: Đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 07.06.2024 | 18:53 PM
Xem tin theo ngày
- Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
- Xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ “then chốt” của công tác xây dựng Đảng
- Các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh Thái Bình, Hưng Yên: Thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Giáo phận Thái Bình nhân dịp lễ Giáng sinh năm 2024
- Công tác dân vận góp phần giữ vững ổn định chính trị, xã hội
- Đưa nội hàm “chống lãng phí” vào công tác kiểm tra, giám sát của Đảng
- Bế giảng lớp bồi dưỡng đối với công chức ngạch chuyên viên cao cấp và tương đương năm 2024
- Triển khai chương trình thống nhất hành động công tác mặt trận năm 2025
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam
- Gặp mặt kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm ngày hội quốc phòng toàn dân
- Gặp mặt cán bộ cấp tướng Quân đội, Công an quê hương Thái Bình