Chủ nhật, 19/05/2024, 11:58[GMT+7]

Gia tăng bệnh nhân mắc hội chứng cúm, chưa ghi nhận tử vong

Thứ 2, 30/12/2019 | 08:51:55
1,107 lượt xem
Qua giám sát của ngành Y tế, từ đầu tháng 12 đến nay, trên địa bàn tỉnh số lượng bệnh nhân mắc hội chứng cúm gia tăng, xuất hiện một số chùm ca bệnh tại trường học. Những ngày qua, trên mạng xã hội đã xuất hiện thông tin có bệnh nhi tử vong do cúm song theo khẳng định của lãnh đạo Bệnh viện Nhi và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, phần lớn bệnh nhân mắc hội chứng cúm trên địa bàn tỉnh ở thể vừa và nhẹ, chưa ghi nhận ca bệnh nặng dẫn tới tử vong.

Bệnh nhân mắc hội chứng cúm gia tăng tại Bệnh viện Nhi Thái Bình từ đầu tháng 12 đến nay.

Gia tăng bệnh nhân mắc hội chứng cúm

Bác sĩ Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, qua giám sát, từ đầu tháng đến ngày 28/12, trên địa bàn tỉnh phát hiện tình trạng gia tăng bệnh và một số chùm ca bệnh mắc hội chứng cúm nhất là trong các trường học. Cụ thể, đến ngày 25/12 đã phát hiện 7 chùm ca bệnh ở các trường: THCS Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ) với 76 học sinh mắc; THCS Trần Phú và Mầm non Trần Lãm (thành phố Thái Bình) là 8 ca và 11 ca mắc; THCS Việt Thuận, THCS Vũ Hội (Vũ Thư) là 16 ca và 15 ca mắc; THCS Nguyễn Đức Cảnh và Tiểu học Diêm Điền (Thái Thụy) là 112 ca và 25 ca mắc. Qua xét nghiệm ở 33 trường hợp bệnh nhân, có 6 trường hợp dương tính với cúm A, chiếm tỷ lệ 18,2%. Qua giám sát, đa số các bệnh nhân mắc bệnh ổn định sau 3 ngày, được theo dõi, cách ly, điều trị tại nhà. Cùng với các chùm ca bệnh có dấu hiệu mắc hội chứng cúm xuất hiện tại trường học, tại Bệnh viện Nhi và các bệnh viện đa khoa huyện, thành phố cũng ghi nhận số trường hợp mắc bệnh lây truyền qua đường hô hấp có xu hướng tăng.

Tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, bác sĩ Vũ Thanh Liêm, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Từ đầu tháng 12 đến nay, số bệnh nhân mắc hội chứng cúm tăng đáng kể. Mỗi ngày Bệnh viện đón trung bình từ 80 - 120 bệnh nhân đến khám, điều trị từ 60 - 80 bệnh nhân mắc hội chứng cúm. Đến ngày 28/12, đã có 238 bệnh nhân đã được điều trị khỏi xuất viện, tại khoa truyền nhiễm ngày 28/12 có 74 bệnh nhân điều trị, trong đó số mắc hội chứng cúm là 70 bệnh nhân. Hiện tại, Khoa Truyền nhiễm đã quá tải, Bệnh viện đã phải kê thêm 18 giường bệnh ra hành lang để đáp ứng yêu cầu điều trị. Số bệnh nhân tăng cao, song các ca bệnh phần lớn ở thể vừa, chỉ ghi nhận có 6 bệnh nhân nặng, có biến chứng viêm phổi, suy hô hấp phải thở máy song đều đã được điều trị kịp thời, khỏi bệnh và xuất viện.

Chủ động phòng, chống cúm, đặc biệt cho trẻ nhỏ

Bác sĩ Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết thêm, không phải chỉ có Thái Bình mà bệnh nhân mắc hội chứng cúm đang tăng cao ở hầu hết các tỉnh miền Bắc. Đây là sự gia tăng do chu kỳ và do thời tiết lạnh, ẩm. Công tác phòng, chống dịch bệnh được hệ thống y tế dự phòng triển khai thường xuyên, tích cực suốt từ đầu năm đến nay nên ngay sau khi có thông tin xuất hiện các chùm ca bệnh tại một số trường học và tăng cao bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhi và một số bệnh viện đa khoa huyện, bác sĩ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã được cử đến các đơn vị điều trị để theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến bệnh dịch. Do trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện chùm ca bệnh tại một số trường học nên tất cả các trường học này đã được hỗ trợ dung dịch và chỉ đạo vệ sinh tẩy trùng lớp học, bếp ăn... Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cũng chỉ đạo, hướng dẫn các trạm y tế địa phương theo dõi, cập nhật tình trạng sức khỏe học sinh để tổ chức khám phân loại, hướng dẫn cách ly, theo dõi, điều trị phù hợp, tránh lây lan bệnh.

Để chủ động phòng, chống dịch trong thời gian tới, theo bác sĩ Nguyễn Văn Thơm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang tập trung vào các giải pháp xử lý đối với các trường học có chùm ca bệnh bằng biện pháp chủ động, thường xuyên thông tin tình hình dịch bệnh tới giáo viên, học sinh, giao nhiệm vụ cho giáo viên chủ nhiệm lớp báo cáo hàng ngày về tình hình học sinh ốm, nắm bắt diễn biến bệnh dịch để phối hợp với y tế địa phương khám, sàng lọc. Khuyến cáo các nhà trường tạm thời không tổ chức các hoạt động tập trung đông người. Các trường cũng cần tăng cường các biện pháp phòng bệnh cho học sinh, đặc biệt chú trọng vệ sinh môi trường, hướng dẫn cho học sinh đeo khẩu trang đúng cách...

Bác sĩ Nguyễn Văn Thơm cũng cho biết: Hội chứng cúm là bệnh thường gặp bởi vi rút cúm có thể dễ dàng lây lan từ người sang người, vi rút cúm chứa trong các giọt bắn nhỏ li ti của người bệnh khi ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện. Người bệnh cũng có thể nhiễm vi rút cúm do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm vi rút, chạm vào khăn giấy đã dùng có nhiễm vi rút sau đó đưa tay lên mũi, miệng hoặc dụi mắt. Việc dùng chung đồ dùng, ly uống nước cũng có thể lây nhiễm vi rút cúm. Vì vậy, bệnh rất dễ lây thành dịch lớn nếu không chủ động phòng, chống. Vệ sinh môi trường, rửa tay đúng cách, ăn uống hợp lý là một trong những biện pháp cơ bản phòng, chống cúm. Bệnh cúm tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở trẻ em nhất là trẻ dưới 5 tuổi và những trường hợp khác như: người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai... 

Bác sĩ Vũ Thanh Liêm, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi cho biết, sở dĩ bệnh nhân mắc cúm chiếm tỷ lệ cao ở trẻ em và thường xảy ra biến chứng nguy hiểm bởi trẻ em là đối tượng có sức đề kháng kém hơn. Vì vậy, khi trẻ em đặc biệt trẻ em dưới 5 tuổi có dấu hiệu mắc cúm như sốt cao quá 2 ngày, quấy khóc, li bì, thở nhanh, thở mệt phải ngay lập tức đưa đến bệnh viện điều trị để tránh biến chứng nguy hiểm. Cách phòng bệnh cho trẻ em là thường xuyên vệ sinh đường hô hấp bằng dung dịch hoặc nước muối sinh lý.

Trần Hương

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày