Thứ 2, 25/11/2024, 23:47[GMT+7]

Về đích an toàn, chất lượng, hiệu quả

Thứ 5, 02/01/2020 | 09:38:00
1,892 lượt xem
Kết thúc năm 2019, ngành Ngân hàng Thái Bình đã về đích an toàn, chất lượng, hiệu quả với nhiều kết quả rất tích cực: nguồn vốn huy động tăng trưởng cao, tín dụng tăng ngay từ những tháng đầu năm và tăng liên tục qua các tháng, nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp, doanh số thanh toán, đặc biệt là thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng tăng.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh đón nhận cờ đơn vị xuất sắc trong phong trào thi đua của Chính phủ.

Để làm rõ hơn những kết quả cũng như những đóng góp tích cực của ngành Ngân hàng Thái Bình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phóng viên Báo Thái Bình đã phỏng vấn bà Phan Thị Tuyết Trinh, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Thái Bình.

Phóng viên: Xin bà cho biết một số kết quả nổi bật của ngành Ngân hàng Thái Bình trong năm 2019?

Bà Phan Thị Tuyết Trinh: Năm 2019, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, nhân viên trong toàn ngành, ngành Ngân hàng Thái Bình đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, đáng khích lệ. Bám sát định hướng của ngành, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, mạng lưới hoạt động của hệ thống Ngân hàng Thái Bình đã không ngừng mở rộng và phát triển. Đến nay, trên địa bàn tỉnh, ngoài Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về tiền tệ và hoạt động ngân hàng có 24 chi nhánh ngân hàng (tăng 1 chi nhánh ngân hàng thương mại so với năm 2018) và 85 quỹ tín dụng nhân dân. Các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thành lập 8 chi nhánh cấp huyện, thành phố, 93 phòng giao dịch, 48 quỹ tín dụng nhân dân mở rộng địa bàn sang 72 xã liền kề và 286 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội trải rộng khắp các xã, phường, thị trấn; từ đó, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế và nhân dân. Đến ngày 31/12/2019, tổng nguồn vốn huy động toàn địa bàn đạt trên 75.000 tỷ đồng, tăng 18% so với thời điểm 31/12/2018, trong đó tiền gửi dân cư chiếm 91,6%; tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn tỉnh đạt trên 60.000 tỷ đồng, tăng 14% so với thời điểm 31/12/2018, trong đó cho vay ngắn hạn chiếm 69% và cho vay trung, dài hạn chiếm 31%; tỷ lệ nợ xấu chỉ chiếm 0,9% tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn (không bao gồm dư nợ, nợ xấu của Ngân hàng Phát triển Chi nhánh Thái Bình).

Phóng viên: Để duy trì tốt đà tăng trưởng tín dụng, năm 2019, ngành Ngân hàng Thái Bình đã có những đổi mới nổi bật gì trong công tác điều hành, thưa bà?

Bà Phan Thị Tuyết Trinh: Năm 2019 có thể nói là năm gặp nhiều khó khăn đối với ngành Nông nghiệp nói chung và ngành chăn nuôi lợn nói riêng bởi bệnh dịch tả lợn châu Phi phát sinh trên địa bàn 281 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thành phố đã gây thiệt hại rất lớn cho người chăn nuôi, trong đó dư nợ cho vay chăn nuôi lợn của các TCTD trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 2.560 tỷ đồng với 180 tỷ đồng dư nợ bị thiệt hại do bệnh dịch. Trước tình hình đó, ngành Ngân hàng Thái Bình đã chỉ đạo các TCTD trên địa bàn thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ với dư nợ đạt 36 tỷ đồng, miễn giảm lãi vay với dư nợ gần 4 tỷ đồng; đồng thời, thực hiện cho vay mới đối với người chăn nuôi lợn bị thiệt hại với dư nợ gần 11 tỷ đồng từ đó góp phần giúp người chăn nuôi lợn từng bước vượt qua khó khăn, tiếp tục khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó, các TCTD trên địa bàn còn thực hiện có hiệu quả các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng, đẩy mạnh triển khai cho vay các chương trình trọng điểm, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, người nghèo và các đối tượng chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh. Cụ thể như: cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55 của Chính phủ với tổng dư nợ cho vay đến ngày 31/12/2019 đạt 21.350 tỷ đồng, tăng 15,7% so với thời điểm 31/12/2018, chiếm 35,5% tổng dư nợ cho vay của các TCTD trên địa bàn với gần 123.000 khách hàng còn dư nợ; cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên dư nợ đạt 7.430 tỷ đồng dư nợ, tăng 10,6% so với thời điểm 31/12/2018 với gần 47.000 khách hàng đang vay vốn; dư nợ cho vay thu mua thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đạt 580 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ mua máy móc phục vụ sản xuất, giảm tổn thất trong nông nghiệp đạt gần 40 tỷ đồng với 150 khách hàng đang vay vốn; cho vay 24 dự án nước sạch nông thôn theo Quyết định số 19 của UBND tỉnh với số tiền đã giải ngân 397 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay đạt 245 tỷ đồng; cho vay tín dụng chính sách với tổng dư nợ cho vay đạt 3.070 tỷ đồng…

Phóng viên: Năm 2019, tổng doanh số thanh toán qua ngân hàng đã vượt ngưỡng 1 triệu tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2018; trong đó, thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 75% tổng doanh số thanh toán. Xin bà cho biết có được kết quả đó, nguyên nhân do đâu?

Bà Phan Thị Tuyết Trinh: Do xu thế phát triển của thời đại và những nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, năm 2019, các TCTD trên địa bàn tỉnh đã không ngừng đổi mới cơ sở vật chất, phát triển sản phẩm dịch vụ ngân hàng, từng bước hiện đại hóa công nghệ, đưa các chương trình thanh toán hiện đại vào hoạt động, từ đó không chỉ phát triển hoạt động thanh toán nói chung mà còn đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt nói riêng. Đến nay, các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được các TCTD quan tâm đầu tư và ưu tiên phát triển như: thanh toán bằng séc, ủy nhiệm chi, ủy nhiệm thu, thư tín dụng, thanh toán qua mạng internet, qua điện thoại, qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS), mPOS, phát hành các loại thẻ đa năng phục vụ thanh toán như thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, thẻ trả trước, thẻ nội địa, thẻ quốc tế... Ngoài ra, các TCTD còn thường xuyên lắp đặt, bảo dưỡng các máy ATM và POS; bảo đảm hệ thống các máy hoạt động an toàn, thông suốt. Đến hết năm 2019, toàn ngành đã mở gần 980.000 tài khoản thanh toán (tăng 34,8% so với năm 2018), phát hành trên 1 triệu thẻ thanh toán các loại (tăng 8,8% so với năm 2018); lắp đặt 167 máy ATM (tăng 7 máy so với năm 2018), 595 máy POS (tăng 78 máy so với năm 2018); đồng thời, thực hiện trả lương qua tài khoản cho gần 1.770 cơ quan hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp với tổng số gần 140.000 lao động nhận lương qua thẻ. Với sự phát triển không ngừng về số lượng và chất lượng tiện ích, hình thức thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng được nhiều người dân và doanh nghiệp quan tâm sử dụng phục vụ đời sống sinh hoạt hàng ngày như: thanh toán tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, thuế, chi trả trợ cấp xã hội...

Phóng viên: Mục tiêu năm 2020, ngành Ngân hàng Thái Bình đặt ra tổng nguồn vốn huy động tăng từ 16 - 18%, tổng dư nợ cho vay tăng từ 14 - 16%, nợ xấu dưới 1,5% tổng dư nợ, doanh số thanh toán tăng 18%. Ngành Ngân hàng Thái Bình sẽ tập trung thực hiện những giải pháp gì để có thể đạt được mục tiêu đó, thưa bà?

Bà Phan Thị Tuyết Trinh: Năm 2020 là năm cuối cùng của nhiệm kỳ 2015 - 2020 nên ngành Ngân hàng quyết tâm dồn lực để không chỉ hoàn thành mục tiêu năm 2020 mà còn cả giai đoạn 2015 - 2020. Chính vì thế, toàn ngành đã chú trọng xây dựng hai nhóm giải pháp chủ yếu đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh và các TCTD trên địa bàn. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động ngân hàng trên địa bàn, bảo đảm hệ thống ngân hàng trên địa bàn hoạt động an toàn, hiệu quả; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động ngân hàng theo chương trình đã xây dựng, phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm nhằm bảo đảm trật tự, kỷ cương, an toàn hoạt động ngân hàng; tiếp tục củng cố, phát triển mạng lưới ngân hàng, chỉ đạo các TCTD triển khai các dịch vụ ngân hàng hiện đại, đồng thời thực hiện cho vay nền kinh tế đi đôi với an toàn, hiệu quả... Đối với các TCTD, tập trung thực hiện các giải pháp nhằm duy trì đà tăng trưởng các chỉ tiêu kinh doanh; chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng; bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các TCTD; đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm mọi thủ tục không cần thiết; tích cực chia sẻ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất phát triển sản xuất, kinh doanh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn bà!

Kim Ngân

(thực hiện)