Thứ 4, 08/05/2024, 05:12[GMT+7]

Lễ hội đền Trần được tổ chức quy mô cấp tỉnh

Thứ 2, 13/01/2020 | 08:38:40
3,579 lượt xem
Nếu như mọi năm, công tác tổ chức lễ hội đền Trần được UBND huyện Hưng Hà trực tiếp thực hiện thì năm nay UBND tỉnh là đơn vị chủ trì, chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan phối hợp tổ chức. Bởi vậy, từ nhiều tháng qua, việc chuẩn bị cho lễ hội đã diễn ra công phu, hứa hẹn một mùa lễ hội thành công, mang đậm dấu ấn về mảnh đất và con người Thái Bình giàu truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng.

Lễ rước nước là nghi thức quan trọng mở màn cho chuỗi các hoạt động tại lễ hội đền Trần.

Nơi phát tích, dựng nghiệp của vương triều Trần

Trong 175 năm tồn tại và phát triển (từ năm 1225 đến 1400), vương triều Trần có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta với những đóng góp trên tất cả các mặt: chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa - xã hội. Hàng trăm năm qua, lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần, lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung vẫn ngày đêm được nhân dân xã Tiến Đức (Hưng Hà) giữ gìn, hương khói.

Từ đầu thế kỷ XIII, vùng đất Long Hưng xưa, huyện Hưng Hà ngày nay đã được nhà Trần - vương triều cường thịnh với hào khí Đông A lẫy lừng, võ công oanh liệt vào bậc nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam chọn làm nơi dựng nghiệp.

Sau cuộc chuyển giao quyền lực chính trị có một không hai trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam vào năm 1225 khi vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh - sau này là vua Trần Thái Tông, vùng đất Long Hưng - Hưng Hà đã trở thành hậu phương vững chắc cho kinh đô Thăng Long. Tại Long Hưng, các điền trang, thái ấp đã được các vương hầu, thân tộc của triều đình xây dựng, việc trồng trọt, sản xuất lương thực được chú trọng phát triển, làm cơ sở để nuôi quân đánh giặc. Trai tráng đất Long Hưng được lựa chọn trở thành đội quân tinh nhuệ bảo vệ triều đình.

Trên vùng đất Long Hưng đã ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng thể hiện sự gắn bó sâu sắc của triều Trần. Bởi là nơi đặt mộ của tổ tiên nhà Trần với nghề chài lưới, gắn với sông nước nên sau mỗi lần chiến thắng quân Nguyên Mông và bình Chiêm thắng lợi, các vị vua triều Trần đều về đây tổ chức đại lễ bái yết tổ tiên, ban phúc ân cho muôn dân trăm họ và ăn mừng chiến thắng. Và cũng chính tại Long Hưng, vào năm 1289, vua Trần Nhân Tông đã tiến phong Trần Quốc Tuấn làm Đại nguyên soái Hưng Đạo Đại Vương. Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã trở thành vị anh hùng dân tộc kiệt xuất, thống lĩnh toàn dân đánh giặc với ba lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông.

Lễ hội xứng tầm lịch sử

Đã thành thông lệ, hàng năm, cứ đến ngày 13 tháng Giêng, lễ hội đền Trần được tổ chức. Nhân dân trong tỉnh, đồng bào, du khách trong và ngoài nước lại tề tựu về mảnh đất linh thiêng để thắp nén nhang thơm tưởng nhớ và tri ân công lao to lớn của các vị vua triều Trần, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các tôn thất nhà Trần.

Nét đẹp văn hóa dân gian thi cỗ cá với ý nghĩa bày tỏ lòng thành kính của nhân dân với các vị tổ tiên nhà Trần.

Tiếp tục khẳng định giá trị di sản văn hóa nhà Trần ở Thái Bình, tri ân công lao to lớn của các bậc tiền nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, ngày 30/5/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy có thông báo Kết luận số 693-TB/TU về chủ trương tổ chức một số lễ hội quy mô cấp tỉnh, trong đó có lễ hội đền Trần. UBND tỉnh là đơn vị chủ trì, chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan phối hợp tổ chức. Từ tháng 12/2019, kế hoạch tổ chức lễ hội đền Trần năm 2020 đã được xây dựng cụ thể. Ban tổ chức lễ hội được thành lập do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực văn hóa - xã hội làm Trưởng ban. Tham mưu, giúp việc Ban tổ chức có 4 tiểu ban: nội dung; tuyên truyền; hậu cần, khánh tiết; an ninh trật tự do các đồng chí lãnh đạo các ngành, huyện Hưng Hà làm trưởng tiểu ban. Đến nay, các tiểu ban đã xây dựng kế hoạch chi tiết cho việc tổ chức lễ hội. 

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Trưởng ban thường trực Ban tổ chức lễ hội, Trưởng Tiểu ban nội dung cho biết: Dưới sự chủ trì và chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh, lễ hội đền Trần năm nay sẽ được tổ chức quy mô hơn, chu đáo hơn. Cùng với lễ khai mạc được tổ chức trang trọng vào tối ngày 6/2 (13 tháng Giêng), trong 5 ngày diễn ra lễ hội (6 - 10/2, tức 13 - 17 tháng Giêng năm Canh Tý), các hoạt động như lễ dâng hương tại mộ các vua Trần, lễ tế mở cửa, lễ rước thủy và rước bộ... sẽ diễn ra tôn nghiêm theo đúng nghi lễ truyền thống. Các hoạt động hội năm nay sẽ phong phú, đa dạng, hấp dẫn, kết hợp hài hòa giữa tính truyền thống và hiện đại, thể hiện nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất, con người Thái Bình và vùng đất Long Hưng - Hưng Hà; trong đó, bên cạnh các hội thi truyền thống như thi pháo đất, gói bánh chưng, kéo lửa nấu cơm cần sẽ có các hoạt động văn hóa thể thao mới như liên hoan hát văn, ngày Thơ Việt Nam, giải kéo co huyện Hưng Hà, giải võ cổ truyền tỉnh Thái Bình và tổ chức trưng bày các hiện vật tuyên truyền, quảng bá giá trị khu di tích đền Trần...

Bởi là năm đầu tiên lễ hội đền Trần được tổ chức quy mô cấp tỉnh, dự kiến sẽ đón lượng lớn du khách thập phương trở về chiêm bái, dâng hương, ban tổ chức chú trọng công tác đón tiếp, phục vụ, bảo đảm an ninh trật tự. Để lễ hội diễn ra văn minh, vui tươi, mang không khí phấn khởi của những ngày đầu xuân mới, lực lượng an ninh được bố trí tối đa nhằm phòng tránh tình trạng mê tín dị đoan, trộm cắp, cờ bạc trá hình... Lễ hội đền Trần diễn ra trên diện tích rộng với lượng người tham dự lớn cùng chuỗi các sự kiện liên tục trong 5 ngày nên theo ông Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế, Sở Y tế sẽ phối hợp tích cực với UBND huyện Hưng Hà quan tâm kiểm tra, giám sát các dịch vụ ăn uống trên địa bàn nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm cho du khách về tham dự lễ hội.

Với sự chuẩn bị chu đáo, năm đầu tiên lễ hội đền Trần được tổ chức quy mô cấp tỉnh sẽ trở thành điểm hẹn của nhân dân cũng như du khách thập phương, phát huy tốt ý nghĩa của một lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, qua đó góp phần thiết thực giới thiệu, quảng bá về mảnh đất và con người Thái Bình luôn nỗ lực trên bước đường hội nhập nhưng cũng luôn quan tâm gìn giữ, bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của cha ông.

Tú Anh