Vững bước dưới cờ Đảng quang vinh (Kỳ 3)
Kỳ 3: Giành chính quyền sớm trong cả nước
Những năm 1932 - 1935, phong trào cách mạng trong cả nước cũng như trong tỉnh bị địch khủng bố ác liệt, nhiều cơ sở cách mạng của Đảng bị phá vỡ. Từ đầu năm 1934, mặc dù không còn cơ quan lãnh đạo của tỉnh nhưng một số chi bộ ở địa phương vẫn tiếp tục hoạt động. Trong giai đoạn Mặt trận dân chủ 1936 - 1939, phong trào cách mạng Đông Dương phát triển mạnh ở thành thị rồi lan về nông thôn, tạo đà phát triển cho phong trào cách mạng ở Thái Bình. Tháng 6/1937, hội nghị bầu Ban Tỉnh ủy thống nhất được tiến hành tại Vũ Lăng gồm 7 đồng chí. Hội nghị đã tập trung bàn về công tác tuyên truyền, công tác xây dựng Đảng và tổ chức quần chúng cũng như việc lãnh đạo quần chúng đấu tranh với nhiều hình thức phong phú.
Tháng 9/1939, chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Tháng 11/1939, Trung ương Đảng họp hội nghị lần thứ sáu quyết định chuyển hướng chiến lược. Hội nghị quyết định thành lập Mặt trận dân tộc phản đế Đông Dương thay cho Mặt trận dân chủ. Tại Thái Bình, việc chuyển hướng các mặt trận công tác cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ đã được Ban Tỉnh ủy thực hiện.
Sau khi Nhật đảo chính Pháp, tỉnh đã triển khai chỉ thị của Trung ương Đảng, triệu tập cuộc họp đại biểu Việt Minh các phủ, huyện tại Động Trung (Kiến Xương) bàn biện pháp mở rộng cơ sở cứu quốc, thành lập Ban Chấn chỉnh phong trào. Cuối năm 1944, đầu năm 1945, Thái Bình xảy ra nạn đói nghiêm trọng, toàn tỉnh đã có 28 vạn người chết (chiếm 25% dân số toàn tỉnh lúc đó). Ban Chấn chỉnh phong trào đã lãnh đạo vận động cuộc cứu đói trong dân, đấu tranh với chính quyền bù nhìn để cứu tế. Tháng 4/1945, Ban Chấn chỉnh phong trào họp tại Động Trung (Kiến Xương) đổi tên thành Ban Tỉnh ủy lâm thời và bầu Ban Thường vụ do đồng chí Nguyễn Đức Tâm làm Bí thư. Hội nghị quyết định tiến hành một số nhiệm vụ cấp thiết để chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền khi thời cơ đến. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và trực tiếp là Tỉnh ủy lâm thời, phong trào kháng Nhật cứu nước diễn ra sôi nổi trong toàn tỉnh. Cuối tháng 7/1945, phong trào cách mạng toàn tỉnh đã phát triển thành cao trào, không khí sửa soạn khởi nghĩa sôi sục khắp nơi.
Bước vào những ngày trung tuần tháng 8/1945, khí thế cách mạng trong toàn tỉnh ngày càng sôi sục, mạnh mẽ. Lực lượng cách mạng đã tổ chức nhiều cuộc mít tinh, diễn thuyết ở những nơi đông người, nhiều cuộc vũ trang tuyên truyền đã nổ ra. Nhiều nơi đã sẵn sàng nổi dậy giành chính quyền về tay nhân dân. Được tin phát xít Nhật đã đầu hàng trưa ngày 18/8/1945, Hà Nội đã khởi nghĩa giành chính quyền. Chiều ngày 18/8/1945, Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp phiên bất thường tại làng Thượng Tầm, phủ Thái Ninh, quyết định khởi nghĩa trong toàn tỉnh.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền nổ ra đầu tiên ở Thái Ninh. Chiều ngày 18/8/1945, các lực lượng cách mạng Thái Ninh được lệnh tiến vào phủ đường, tước vũ khí của đám lính cơ, tuyên bố lập chính quyền cách mạng. 17 giờ hôm đó, lá cờ đỏ sao vàng đã phấp phới tung bay trên cổng phủ, báo hiệu cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi, chính quyền về tay nhân dân.
Tin về cuộc khởi nghĩa ở phủ Thái Ninh thắng lớn đã nhanh chóng truyền đi cả tỉnh. Từ buổi tối ngày 18/8/1945, cả thị xã Thái Bình và nhân dân các huyện Quỳnh Côi, Phụ Dực, Tiên Hưng, Đông Quan và nhiều nơi khác cũng sục sôi khí thế chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền. Tại thị xã Thái Bình, sáng sớm ngày 19/8/1945, trước cửa phố Vọng Cung - nơi được chọn làm địa điểm tập trung quần chúng, một lá cờ đỏ sao vàng lớn tung bay trong nắng sớm. Khắp các ngả đường tới phố Vọng Cung, quần chúng đã nườm nượp đổ về đây. Cánh quân chính của đoàn quân khởi nghĩa xuất phát từ chùa Đoan Túc, bao gồm các đơn vị tự vệ cứu quốc được trang bị gần 50 khẩu súng và các loại vũ khí thô sơ cùng quần chúng với đội ngũ chỉnh tề bước rầm rập trên đường phố. Quần chúng cách mạng ở các làng ngoại thị cũng tiến vào phối hợp. Đến 9 giờ sáng, cuộc mít tinh lớn của hàng vạn quần chúng cách mạng bắt đầu bằng việc cử hành lễ chào cờ, sau đó là lời tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai của phát xít Nhật, thành lập chính quyền cách mạng của Ủy ban khởi nghĩa thị xã Thái Bình. 10 giờ sáng, cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình tuần hành biểu dương lực lượng trên các đường phố chính. Quần chúng cách mạng vừa đi vừa hô lớn những khẩu hiệu cách mạng. Buổi chiều ngày 19/8/1945, lực lượng khởi nghĩa thị xã lần lượt chiếm lĩnh các công sở, mở cửa trại giam giải thoát cho các tù nhân.
Cũng trong buổi sáng ngày 19/8/1945, hàng nghìn quần chúng cách mạng từ năm tiểu khu của huyện Quỳnh Côi đã đồng loạt giương cờ đỏ sao vàng với vũ khí thô sơ kéo về huyện lỵ giành chính quyền. Tri huyện Phạm Văn Châu đã bỏ công đường chạy trốn từ trước. Các nhân viên ngụy quyền cùng đám lính cơ trao hết sổ sách, công quỹ, đồng triện và vũ khí cho đoàn quân cách mạng. Chính quyền cách mạng lâm thời huyện Quỳnh Côi được thành lập. Buổi chiều ngày 19/8/1945, quần chúng cách mạng ở hai huyện Phụ Dực và Đông Quan nổi dậy giành chính quyền. Buổi tối ngày 19/8/1945, quần chúng cách mạng ở hai huyện Tiên Hưng và Duyên Hà cũng nổi dậy khởi nghĩa thắng lợi. Ngày 20/8/1945, quần chúng cách mạng ở các làng, các tổng huyện Thụy Anh cũng nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền.
Buổi sáng ngày 21/8/1945, tức ngày 14 tháng 7 năm Ất Dậu, giữa lúc quần chúng cách mạng huyện Hưng Nhân đang nổi dậy giành chính quyền thì có tin cấp báo nước sông Hồng lên rất to, đê Đìa bị vỡ. Lập tức Ủy ban khởi nghĩa huyện Hưng Nhân tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng lâm thời, giao cho một đơn vị tự vệ cứu quốc bảo vệ huyện đường, số đông cán bộ và quần chúng cách mạng phải về ngay các làng xã huy động mọi nguồn lực chống lụt, bảo vệ người và của.
Cũng trong ngày 21/8/1945, quần chúng cách mạng huyện Kiến Xương nổi dậy giành chính quyền thắng lợi. Trong hai ngày 22 - 23/8/1945, vì vỡ đê lụt lội, nhân dân các huyện Tiền Hải, Vũ Tiên, Thư Trì mới nổi dậy giành chính quyền.
Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945 ở Thái Bình đã nổ ra kịp thời, nhanh gọn và thắng lợi chỉ trong vòng một tuần lễ từ ngày 18/8/1945 đến ngày 25/8/1945, chính quyền cách mạng từ tỉnh xuống các phủ huyện, làng xã đã hình thành, hệ thống chính quyền tay sai của phát xít Nhật đã bị xóa bỏ hoàn toàn. Thái Bình là một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước. Sáng ngày 25/8/1945, trong hoàn cảnh cả tỉnh bị ngập lụt, hơn một vạn người ở thị xã Thái Bình và các phủ, huyện lân cận đã tổ chức mít tinh mừng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, chào mừng Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời và Tỉnh bộ Việt Minh ra mắt nhân dân. Tất cả thể hiện quyết tâm: Đoàn kết chặt chẽ muôn người như một để giữ vững thành quả cách mạng vừa mới giành được, trước mắt là ra sức chống giặc lụt, giặc đói, chống các thế lực phản động chống phá cách mạng để bảo vệ nhân dân.
Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, vươn lên giành những thắng lợi quan trọng trong công cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng, chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến kiến quốc.
Ông Hoàng Hữu Tiên, đảng viên 73 năm tuổi đảng, nguyên du kích thôn Sơn Đồng, xã Quỳnh Giao (Quỳnh Phụ) Mùa xuân năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã tạo bước ngoặt quan trọng trong lịch sử dân tộc. Cũng từ đó, nhiều người con của Quỳnh Giao đã sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, đứng trong hàng ngũ của Đảng để đấu tranh vì sự nghiệp giải phóng quê hương, đất nước như ông Nguyễn Quang Cáp, thôn An Hiệp là Bí thư Chi bộ đầu tiên của huyện Quỳnh Côi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân Quỳnh Giao đã cùng nhân dân cả nước tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, lòng căm thù giặc, trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp đầy gian khổ, hy sinh, lực lượng vũ trang và nhân dân Quỳnh Giao đã hết lòng bảo vệ, chở che cán bộ cách mạng, cùng bộ đội chiến đấu anh dũng bảo vệ quê hương để “Tiếng trống Sơn Đồng” mãi là niềm tự hào của các thế hệ người Quỳnh Giao hôm nay và mai sau.Ông Phạm Văn Như, 84 tuổi, nguyên đội viên du kích xã Vạn Thắng, nay là xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Phụ) Năm 1945, khi đó tôi 9 tuổi. Đầu năm 1945, nhân dân ở các làng tập hợp lực lượng ủng hộ Việt Minh, kêu gọi nhà giàu nấu cháo, cơm cho người nghèo, yêu cầu các tên chánh tổng lấy thóc phát cho người nghèo. Tổ tự vệ của xã cũng được thành lập năm đó để bảo vệ cán bộ Việt Minh, trấn áp các phần tử chống đối; rèn, sắm vũ khí và luyện tập sẵn sàng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Sáng ngày 19/8/1945, hàng chục người tham gia lực lượng giành chính quyền. Họ cầm súng, kiếm, gậy, cuốc, thuổng... tiến về huyện lỵ. Sau ngày 19/8/1945, Việt Minh các làng tổ chức mít tinh tại đình, chùa, có đông đảo nhân dân, chánh, phó tổng, lý trưởng, hương hội đến dự. Mặc cho nước lụt, nhiều người vẫn đi mủng, đi bè đến dự mít tinh. Diễn ra trong thời gian ngắn nhưng nhân dân các làng trong xã đã góp phần làm nên Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Chứng kiến những sự kiện này đã thôi thúc tôi phải tham gia các hoạt động để bảo vệ quê hương, bởi vậy năm 14 tuổi tôi tham gia đội du kích xã Vạn Thắng. |
(còn nữa)
Nhóm phóng viên
Tin cùng chuyên mục
- Triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác tuyên giáo 30.09.2024 | 17:56 PM
- Nhiều giải pháp sáng tạo nâng cao chất lượng, hiệu quả tuyên truyền đại hội Đảng các cấp 28.09.2024 | 18:29 PM
- Thành phố: Phổ biến Quy định số 144-QĐ/TW và Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị cho đội ngũ báo cáo viên 24.07.2024 | 16:49 PM
- Thành phố: Tổng giá trị sản xuất tăng 5,7% 09.07.2024 | 16:10 PM
- Khai giảng lớp thứ nhất bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV 09.07.2024 | 09:02 AM
- Quy định 144-QĐ/TW: Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn mới 04.07.2024 | 08:58 AM
- Giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác định giá tài sản 02.07.2024 | 17:14 PM
- Đảng ủy Công an tỉnh: Tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng 06.06.2024 | 17:45 PM
- Toàn tỉnh: Trao tặng, truy tặng Huy hiệu Đảng cho 2.130 đảng viên trong đợt 19/5/2024 16.05.2024 | 10:32 AM
- Thông qua dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kết luận, nghị quyết về giáo dục, văn hóa tại Huyện ủy Đông Hưng 06.05.2024 | 19:58 PM
Xem tin theo ngày
- Khai mạc lễ hội chùa Keo mùa thu năm 2024
- Vũ Thư kỷ niệm 55 năm thành lập huyện (1969 – 2024)
- Quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả
- Hưng Hà: Khởi công, động thổ 2 dự án trọng điểm của huyện
- Khám bệnh, tư vấn sức khỏe miễn phí cho gia đình chính sách, người có công và người nghèo
- Hưng Hà: Trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 3 dự án thứ cấp đầu tư vào cụm công nghiệp Hưng Nhân
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo tiến độ, kết quả tham mưu ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành một số luật
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng doanh nhân, doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh: Chúc mừng Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhân ngày Doanh nhân Việt Nam
- Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thăm, chúc mừng một số doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn thành phố Thái Bình