Thứ 3, 07/05/2024, 19:27[GMT+7]

Vững bước dưới cờ Đảng quang vinh (Kỳ 4)

Thứ 5, 16/01/2020 | 09:51:44
1,474 lượt xem
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vừa thành công, nước ta đứng trước tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm đe dọa vận mệnh của dân tộc. Tại Thái Bình, do đê Đìa (Hưng Nhân), đê Mỹ Lộc (Thư Trì) vỡ, hầu hết 12 phủ huyện trong tỉnh đều bị ngập lụt, có nguy cơ tái diễn nạn đói tháng 3/1945. Ngân khố gần như trống rỗng. 95% dân số mù chữ...

Chùa Nghiêm Phúc, xã Thái Thịnh (Thái Thụy) - khu di tích lịch sử cách mạng Thần Huống xưa.

Kỳ 4: Toàn dân kháng chiến, toàn diện kháng chiến

Trước tình hình đó, tháng 10/1945, Ban Chấp hành Tỉnh ủy lâm thời đã họp bầu Ban Chấp hành chính thức và đề ra một số nhiệm vụ cấp bách nhằm củng cố chính quyền, chống lại nạn lụt, đẩy lùi nạn đói, ổn định đời sống nhân dân. Nhiệm vụ đầu tiên là phải nhanh chóng hàn đắp hai đoạn đê bị vỡ. Từ tháng 9/1945 đến tháng 10/1945, hàng vạn nhân công được huy động làm việc cả ngày lẫn đêm, đến cuối năm 1945 việc đắp hai đoạn đê cơ bản hoàn thành. Ngày 10/1/1946 và ngày 28/4/1946, Bác Hồ về thăm Thái Bình, thăm đoạn đê Đìa bị vỡ và kiểm tra việc hàn khẩu đê. Người động viên nhân dân Thái Bình đoàn kết, ra sức diệt giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm. Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nguồn cổ vũ, động viên lớn lao đối với Đảng bộ và nhân dân Thái Bình trong những ngày đầy khó khăn, gian khổ ấy. Nhân dân toàn tỉnh tích cực hưởng ứng các phong trào “nhường cơm sẻ áo”, “hũ gạo chống đói”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”..., quyên góp lương thực giúp đỡ những gia đình khó khăn đồng thời tập trung vào việc chăm bón lúa và hoa màu vụ chiêm năm 1946. Do vậy, vụ chiêm thu hoạch thắng lợi, lương thực và thực phẩm dồi dào, giặc đói bị nhân dân ta đẩy lùi. Đời sống vật chất của nhân dân trong tỉnh có bước cải thiện, mọi người phấn khởi tiếp tục chống giặc dốt và giặc ngoại xâm. Ngay từ cuối năm 1945, khắp các làng xã trong tỉnh nhân dân thi đua hưởng ứng lời kêu gọi “diệt giặc dốt” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ra sức học tập cùng nhau diệt giặc dốt, mọi người hăng hái đi học chữ quốc ngữ, phong trào bình dân học vụ được tổ chức rộng khắp trong toàn tỉnh. Như vậy, từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1946, Đảng bộ Thái Bình đã lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, diệt giặc đói, giặc dốt và chuẩn bị mọi mặt để tiêu diệt giặc ngoại xâm. 

Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19/12/1946), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình đã họp ra Nghị quyết “Chuyển hướng mọi hoạt động của cơ quan, ngành giới trong tỉnh từ thời bình sang thời chiến, phát động nhân dân chuẩn bị kháng chiến”. Nhân dân Thái Bình sôi nổi hưởng ứng các phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chính quyền cách mạng, Nam tiến, toàn dân tham gia luyện tập quân sự, mỗi người có một thứ vũ khí trong tay, xây dựng làng kháng chiến, tiêu thổ để kháng chiến... Trong hơn 4 năm chuẩn bị kháng chiến (từ tháng 9/1945 đến tháng 12/1949), lực lượng vũ trang trong tỉnh đã có 180.198 cán bộ, chiến sĩ, trong đó 34.000 đội viên là du kích. Thái Bình trở thành tỉnh có tỷ lệ người tham gia lực lượng vũ trang so với dân số cao nhất Liên khu Ba (xấp xỉ 1/5 dân số). Toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 400 làng kháng chiến. 

Đầu năm 1950, thực dân Pháp mở chiến dịch chiếm đóng Thái Bình. Đảng bộ và nhân dân Thái Bình chủ động bước vào cuộc chiến đấu trực tiếp, trường kỳ gian khổ chống giặc càn quét, chiếm đóng. Do vị trí quan trọng của địa bàn Thái Bình lúc đó (là kho người, kho của, nơi đứng chân của Liên khu Ba, Quân khu, một số tỉnh bạn) nên khi đánh chiếm địch đã tập trung mọi nỗ lực thực hiện ý đồ “đánh nhanh, thắng nhanh”, chiếm và biến nơi đây thành hậu phương quan trọng của chúng. Hơn 4 năm đánh chiếm và bình định (từ ngày 8/2/1950 đến ngày 30/6/1954), địch đã tổ chức 6.349 trận càn lớn nhỏ, bình quân mỗi ngày 4 trận, có trận chúng huy động từ 5.000 - 20.000 quân với sự phối hợp của các quân binh chủng. Tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ Thái Bình đã lãnh đạo huy động toàn dân đánh giặc theo lối đánh du kích, dựa vào sức mình là chính, mọi người dân trong tỉnh đều là chiến sĩ: “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Quần chúng cách mạng không thụ động chờ địch trong các làng kháng chiến mà chủ động dùng lực lượng ngăn chặn, quấy rối, tiến tới bao vây, tiêu hao sinh lực địch, đánh địch bằng mọi thứ có trong tay. Chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích trong tỉnh ngày càng phát triển khoét sâu mâu thuẫn giữa: tập trung - phân tán, quân sự - chính trị, tiến công - bình định của địch. Nhiều làng kháng chiến, khu căn cứ du kích ở Thần Đầu - Thần Huống (Thái Ninh cũ, Thái Thụy nay), Nguyên Xá (Tiên Hưng cũ, Đông Hưng nay), Đồng Tiến (Phụ Dực cũ, Quỳnh Phụ nay), Duy Nhất, Tân Hợp, Quang Thẩm (Vũ Tiên cũ, Vũ Thư nay)... đã trở thành “thiên la địa võng” khiến cho giặc Pháp khiếp sợ, kinh hoàng. Địch càng điên cuồng đánh phá, bộc lộ lực lượng, ta càng có điều kiện phát triển chiến tranh du kích cao hơn, quần chúng tham gia kháng chiến ngày càng đông hơn, chiến tranh nhân dân ngày càng phát triển, tạo nên sức mạnh phi thường, đánh thắng kẻ thù, giải phóng quê hương. 

Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhất là trong những giai đoạn khó khăn, cam go, ác liệt nhất, Thái Bình vẫn luôn là hậu cứ vững chắc của quân và dân đồng bằng Bắc Bộ, nơi đứng chân vững chắc của một số cơ quan của Liên khu Ba và của một số địa phương bạn. Mặt khác, Thái Bình không chỉ bảo đảm đủ nhân tài, vật lực cho cuộc kháng chiến tại địa phương mà còn huy động đáng kể sức người, sức của cho chiến tranh cả nước, chủ yếu là cho chiến trường chính Bắc Bộ, bổ sung cho bộ đội chủ lực với quân số tương đương 3 đại đoàn, huy động 10 triệu ngày công phục vụ chiến đấu, cung cấp cho Trung ương và các tỉnh bạn hàng chục vạn tấn lương thực. Chỉ riêng các khoản thuế quy ra thóc (từ năm 1951 đến tháng 6/1954), Thái Bình đã đóng góp cho Nhà nước 63.600 tấn. Trên chiến trường cả nước, đã có 9.922 người con Thái Bình đã anh dũng hy sinh. Trong đó, riêng chiến trường Điện Biên Phủ đã có 268 liệt sĩ, ngoài ra còn có 2.538 người là thương binh. 

Ngày 1/7/1954, cờ đỏ sao vàng tung bay rực rỡ dưới ánh nắng ban mai, trên nóc dinh tỉnh trưởng ngụy quyền và khu vực viện trợ Mỹ. 9 giờ sáng ngày 1/7/1954, các đơn vị bộ đội tỉnh, huyện và bộ đội chủ lực tiến vào tiếp quản thị xã Thái Bình. Thái Bình được giải phóng trước khi ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ 20 ngày. Trong niềm vui chiến thắng, nhân dân toàn tỉnh hân hoan, phấn khởi, hăng hái bắt tay vào công cuộc bảo vệ hòa bình và xây dựng cuộc sống mới. 

Ghi nhận những thành tích và công lao to lớn của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình đã cống hiến cho sự nghiệp cách mạng và kháng chiến của dân tộc, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khen thưởng, phong tặng danh hiệu cao quý cho:
-  250 cán bộ lão thành cách mạng;
-  111 gia đình có công với cách mạng, hàng trăm làng và gia đình được tặng kỷ niệm chương và bằng có công với nước;
-  121 huân chương các loại tặng cho những tập thể, cá nhân có nhiều thành tích xuất sắc;
- Hàng chục địa phương được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân;
- Trên 1.000 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng;
- Tặng cờ “Quân dân một lòng tiêu diệt quân địch”;
-  Anh hùng Nguyễn Thị Chiên (quê Thái Bình) là nữ anh hùng đầu tiên của lực lượng vũ trang trong cả nước…



Ông Nghiêm Đình Huynh, đảng viên 70 năm tuổi đảng, thôn Thần Đầu, xã Thái Tân (Thái Thụy)
Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân Thần Đầu cùng nhân dân trong xã đã viết nên những trang sử hào hùng, là một điển hình về cuộc chiến tranh nhân dân đánh giặc giữ làng, làm cho địch kinh hoàng, khiếp sợ. Những người dân chúng tôi ngày ấy và thế hệ hôm nay luôn tự hào về truyền thống yêu nước, cách mạng của quê hương. Phát huy truyền thống đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thái Tân đã và đang chung sức, đồng lòng, đoàn kết xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh để đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.  
     
Ông Phạm Hữu Lại, đảng viên 50 năm tuổi đảng, thôn Phúc Thịnh, xã Thái Thịnh (Thái Thụy)
Thần Huống xây dựng làng kháng chiến là thể hiện quyết tâm của nhân dân “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không trở lại làm nô lệ một lần nữa”. Những năm thực dân Pháp chiếm đóng, chúng đã mở nhiều trận càn, gây biết bao đau khổ cho nhân dân Thái Bình. Người dân Thần Huống đã kiên cường đấu tranh giữ làng, giữ xã. Thần Huống trở thành căn cứ che giấu, chăm sóc thương bệnh binh của ta. Dấu tích xưa vẫn còn đó, những cái tên đã gắn liền với lịch sử cách mạng như Thần Huống, cây đa chợ Cổng, đình Nam, chùa Nghiêm Phúc (nay ở xã Thái Thịnh)... Đây là những địa chỉ đỏ, là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay tự hào về quá khứ, tiếp tục ra sức thi đua xây dựng quê hương, đất nước.


Nhóm phóng viên 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày