Thứ 6, 19/04/2024, 02:19[GMT+7]

Tết cổ truyền trong lớp trẻ

Thứ 2, 20/01/2020 | 15:25:12
1,316 lượt xem
Sân trường rực rỡ sắc xuân, ngạt ngào hương thơm của bánh chưng, rộn vang tiếng cười của các cô, cậu học trò với các trò chơi dân gian truyền thống. Đây là cách mà nhiều trường học trên địa bàn tỉnh thực hiện nhằm góp phần đưa tết cổ truyền đến từng học sinh.

Sắc xuân nơi trường học

Khi thời gian chạm cửa tháng 12 âm lịch cũng là lúc mọi người nô nức chuẩn bị đón tết cổ truyền. Đến Trường THCS Vũ Đông (thành phố Thái Bình) những ngày cận tết, từ giáo viên đến các em học sinh đều cảm thấy hào hứng vì không khí tết cổ truyền tràn ngập khắp sân trường. Từ nhiều ngày nay, thay vì nghỉ trưa, các thầy cô giáo trong trường đã tỉ mỉ chuẩn bị vật liệu để tái hiện lại phiên chợ quê ngày tết ngay trên sân trường nhằm tạo không gian sắc màu cho các em học sinh có cơ hội trải nghiệm. Ở phiên chợ quê này có những buộc hành, tỏi khô treo lủng lẳng, những chiếc đèn lồng đỏ bắt mắt, hoa mai vàng của đất phương Nam, hoa đào hồng của miền Bắc, thịt lợn, lá dong xanh để gói bánh chưng... Tất cả đã tái hiện được tinh thần ngày tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam. 

Cô giáo Bùi Thị Thắm, giáo viên tổng phụ trách Trường THCS Vũ Đông chia sẻ: Ngay từ đầu tháng Chạp, chúng tôi đã cùng nhau lên ý tưởng cho một không gian chợ tết quê, qua đó giúp các em cảm nhận được không khí của ngày tết cổ truyền. Để hoàn thành việc trang trí chợ tết, các thầy cô giáo đã mất khá nhiều thời gian, tranh thủ cả giờ nghỉ trưa, ngày chủ nhật, thậm chí huy động cả người nhà và các bậc phụ huynh cùng chung tay thực hiện. Mục đích là để các em học sinh hiểu đúng về giá trị trong từng phong tục văn hóa ngày tết của người Việt.

Tại Trường THCS thị trấn Vũ Thư (Vũ Thư), ngày hội mâm cỗ tết và gói bánh chưng đã trở thành hoạt động văn hóa quan trọng của nhà trường vào những ngày gần tết. Năm nay, quy mô hoạt động này được mở rộng hơn nhờ sự ủng hộ, tham gia của các bậc phụ huynh và tất cả học sinh trong trường. Dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy cô giáo và các bậc phụ huynh, em nào cũng hồ hởi, chăm chú, tỉ mỉ tự tay gói chiếc bánh của riêng mình. Với các nguyên liệu như: gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn, lá dong... các em đã làm ra những chiếc bánh tuy chưa được hoàn hảo nhưng chứa đựng tất cả tình cảm và sự háo hức đón chờ tết. 

Cô giáo Đoàn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Tôi và nhiều thầy cô giáo trong trường thay phiên nhau trông nồi bánh chưng. Khi vớt bánh, các thầy cô giáo phải bật cười vì có chiếc bánh vuông, cũng có chiếc méo mó, có chiếc thì cả bốn góc đều bị tràn cả nhân ra ngoài do học sinh chưa có kinh nghiệm gói bánh chặt tay. Nhưng những chiếc bánh vuông, tròn, méo mó đó có thể là chiếc bánh đầu tiên trong đời mà các em tự làm được. Ý nghĩa là ở điều đó nên dù nó chưa thật hoàn hảo thì cũng rất đáng quý. Trong số bánh chưng thu được của ngày hội, nhà trường sẽ dành 200 chiếc để tổ chức cho học sinh toàn trường liên hoan đón tết, số còn lại làm quà cho các em học sinh nghèo của nhà trường và chia sẻ với bà con ở Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh nhân dịp đón tết cổ truyền của dân tộc. Qua đó, đưa các em đến gần hơn với tết cổ truyền và biết yêu thương những người có hoàn cảnh khó khăn.

Tái hiện không gian văn hóa

Trong ngày hội dân gian tại Trường THPT Chuyên Thái Bình, các em học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 đã tái hiện cả một “hội làng” trên chính sân trường. Các em đã vận dụng nhiều kiến thức văn học, lịch sử, mỹ thuật, âm nhạc, văn hóa dân gian và kỹ năng xã hội để thể hiện những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc trong dịp tết cổ truyền. Đó là phiên chợ quê ngày tết với các món ăn dân dã, viết câu đối, vẽ tranh Đông Hồ, tổ chức các trò chơi dân gian như nhảy bao bố, ô ăn quan, đập niêu, kéo co, cướp cờ. Ngoài ra, các em còn tái hiện không gian “trường làng” với các câu ca dao, tục ngữ... 

Thầy giáo Trần Đăng Khoa, Bí thư Đoàn trường cho biết: Trong khuôn khổ ngày hội, các em còn tự mình dàn dựng các tiết mục văn nghệ mang đậm màu sắc dân tộc. Không khí sân trường trở nên nhộn nhịp, vui tươi hơn bao giờ hết. Các em khiến chúng tôi khá bất ngờ bởi nhiều em viết thư pháp rất tốt hay gói bánh chưng cũng rất đẹp. 

Em Trần Linh Anh, học sinh Trường THPT Chuyên Thái Bình chia sẻ: Khi chúng em tự tay thực hiện được những món ăn truyền thống sẽ giúp các em nhớ lâu hơn, hiểu rõ hơn về nét đẹp văn hóa trong ngày tết cổ truyền của dân tộc. Bên cạnh đó, các hoạt động trong ngày hội dân gian là dịp để chúng em thể hiện tình yêu, sự tôn trọng đối với các thầy cô giáo đã và đang dìu dắt chúng em, đồng thời cũng là dịp để các câu lạc bộ trong trường được giao lưu, học hỏi, rèn luyện các kỹ năng sống cần thiết.

Ngày hội dân gian của Trường THPT Chuyên Thái Bình.

Nhiều năm trở lại đây, cuộc sống càng hiện đại thì một số phong tục ngày tết cũng được thực hiện đơn giản hơn. Việc đưa tết cổ truyền đến gần hơn với học sinh là hoạt động rất ý nghĩa. Bác Nguyễn Thanh Bình, năm nay đã 82 tuổi, nhà ở phường Kỳ Bá (thành phố Thái Bình) chia sẻ: Các hoạt động tái hiện ngày tết trong trường học như một bức thông điệp chuyển tải tới các cháu học sinh, đó là dù cho xã hội ngày càng phát triển hơn, hiện đại hơn, thì nét đẹp văn hóa truyền thống vẫn rất cần các cháu trân trọng, giữ gìn và phát triển. Sự trân quý những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc thể hiện ở tình yêu của cá nhân với Tổ quốc; là sự biết ơn với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, thầy cô. Tôi mong muốn sẽ có nhiều hơn các hoạt động trải nghiệm trong nhà trường để các cháu không chỉ học văn hóa mà còn được tìm hiểu về ý nghĩa lịch sử của cội nguồn dân tộc, qua đó góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp. Mong muốn của bác Nguyễn Thanh Bình cũng là mong muốn chung của phụ huynh nói riêng, người dân Việt Nam nói chung trước nhịp sống hiện nay.

Đặng Anh

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày