Thứ 6, 22/11/2024, 21:20[GMT+7]

Côn Đảo: Mảnh đất huyền thoại

Thứ 2, 20/01/2020 | 15:28:58
4,553 lượt xem
Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu), hòn đảo giữa trùng khơi cực Nam của Tổ quốc. Trước kia, vùng đất này được mệnh danh là “địa ngục trần gian” dưới chế độ thực dân, đế quốc. Ngày nay, hòn đảo đã “thay da đổi thịt”, trở thành một trong những điểm đến tâm linh, thiên đường du lịch.

Đến thăm “địa ngục trần gian”


Là những người được sinh ra và lớn lên sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, có cuộc sống thanh bình, tự do, tôi chỉ mường tượng được hình ảnh về một “địa ngục trần gian” qua lời kể của ông cha và trên sách báo, phim ảnh. Nhưng khi được đặt chân lên mảnh đất này và tận mắt chứng kiến mới cảm nhận được rõ nét tội ác tột cùng của chế độ thực dân, đế quốc gây ra. Nơi đây có khoảng 20.000 người Việt Nam yêu nước thuộc nhiều thế hệ đã bị thực dân, đế quốc giam cầm, đọa đày và hy sinh trong khoảng thời gian hơn 100 năm. Năm 1862, thực dân Pháp xây dựng nhà tù Côn Đảo để lưu đày, giam giữ những người chống lại chủ nghĩa thực dân Pháp và chế độ Sài Gòn cũ. Tại đây, chúng cho xây dựng hàng trăm xà lim, phòng giam, phòng biệt lập trong các hệ thống nhà tù Côn Đảo để đày ải những người yêu nước và tù chính trị làm lao dịch khổ sai. Chính tại nhà tù Côn Đảo, thực dân Pháp đã giam cầm, xiềng xích, gông cùm và thực hiện đủ các đòn tra tấn vô cùng tàn bạo hòng dập tắt ý chí đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng. Chúng coi người tù cách mạng không khác gì thú vật. Tù nhân không chỉ bị bỏ đói, bị xiềng xích mà còn bị tra tấn dã man và lao dịch khổ sai như đập đá làm đường, xây dựng cầu tàu, đốn gỗ, xay lúa, lấy san hô nung vôi... Lao động vất vả như vậy nhưng chế độ ăn uống vô cùng kham khổ, thậm chí chúng trộn lẫn cơm với cát, sạn, thóc, trấu, mảnh sành cho tù nhân ăn. Nhưng cũng chính tại nơi đây, các chiến sĩ cộng sản Việt Nam đã bí mật thành lập Chi bộ Đảng để tập hợp, lãnh đạo cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị vô nhân đạo, biến nhà tù Côn Đảo thành trường học cộng sản.


Sau khi thực dân Pháp rút khỏi Côn Đảo, năm 1955, Mỹ - ngụy tiếp quản Côn Đảo. Chúng xây dựng thêm 4 trại giam mới để tra xét tàn bạo với những công cụ tra tấn rùng rợn, phi nhân tính. Chúng đánh đập, dí điện vào tai, nhốt người tù vào chuồng cọp, rải vôi sống, cho phơi nắng, phơi sương nhiều tuần liền, ngâm tù nhân vào trong hầm phân bò... Trong lịch sử 113 năm tồn tại (1862 - 1975), thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã xây dựng tại Côn Đảo hàng trăm phòng giam, xà lim và phòng biệt lập. Mặc dù bị hành hạ đau đớn tột cùng về thể xác, căng thẳng tột cùng về tâm lý, dai dẳng và trường kỳ song cứ mỗi lần tỉnh dậy những người tù cộng sản lại thề với lương tâm quyết hy sinh cho lý tưởng, một lòng vì mục tiêu đấu tranh cho độc lập dân tộc.

Hướng dẫn viên giới thiệu về khu chuồng cọp của nhà tù Côn Đảo.


Rì rào gió thổi hàng dương


Chúng tôi đến nghĩa trang Hàng Dương - nơi yên nghỉ của hơn 2 vạn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào yêu nước đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, trong đó có Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, Lưu Chí Hiếu, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Sáu... Nơi đây ngày nào cũng tấp nập người đến dâng hương. Trên tượng đài nghĩa trang, những vòng hoa, những nén hương còn nghi ngút khói. Không gian nghĩa trang linh thiêng, huyền ảo. Dòng người nối nhau dài vô tận... Tất cả đều hướng về những người đã ngã xuống cho sự bình yên của cuộc sống hôm nay. Tiếng nhạc trầm, dịu nhẹ phát ra từ những chiếc loa nhỏ đặt rải rác trong khuôn viên nghĩa trang hòa cùng tiếng sóng vỗ rì rào từ biển, tiếng gió nhẹ trên những cành dương nghe như tiếng hát ru giấc ngủ ngàn thu của những người con ưu tú của đất nước đang yên nghỉ ngàn đời nơi Côn Đảo anh hùng. Không một tiếng động, chỉ có tiếng nấc nghẹn ngào xúc động xót thương cho các anh linh liệt sĩ với tất cả tấm lòng biết ơn sâu sắc và cảm phục. Quả thực, ai đã từng đến nghĩa trang Hàng Dương mới càng thấu hiểu những gì khốc liệt và tàn bạo đã diễn ra ở nơi “địa ngục trần gian” này. Nghĩa trang nằm lặng lẽ sau cụm di tích nhà tù Côn Đảo, những ngôi mộ được xếp bằng đá và quay về các hướng không theo thứ tự nào. Đó chính là hướng mà các bác, các anh, các chị đã nằm sau khi mất trong thời gian bị lưu đày ở Côn Đảo. Bằng khối óc, trái tim và lòng dũng cảm, họ đã hiên ngang đương đầu với những gông cùm, xiềng xích, ngục tù với những ngón đòn tra tấn tàn khốc của kẻ thù, anh dũng hy sinh cho Tổ quốc mãi mãi trường tồn. Hiếm có người nào cất công ra Côn Đảo lại không tới viếng mộ chị Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương và đó cũng là lý do chính khiến hòn đảo xa xôi ấy trở nên gần gũi với đất liền. Dường như trong đời sống tâm linh của nhân dân Côn Đảo, ngoài sự ngưỡng vọng, niềm tôn kính thiêng liêng chị Sáu còn là thần hộ mệnh, sự gửi gắm niềm tin trong bộn bề rủi may của cuộc sống.


Kế thừa truyền thống kiên trung, bất khuất của cha ông, Côn Đảo hôm nay không ngừng “thay da đổi thịt” với cuộc sống thanh bình, không khí trong lành, những bãi cát trắng mịn trải dài bất tận, màu xanh ngút ngàn của núi rừng làm cho mỗi người quên hết mọi ưu tư, phiền muộn. Dường như mỗi góc phố, ngôi nhà đến nhành cây, ngọn cỏ nơi đây đều mang những câu chuyện về lịch sử. Hòn đảo từng là “địa ngục trần gian” nay đang vươn mình đổi mới trở thành “thiên đường du lịch”.

Đức Dũng