Chủ nhật, 24/11/2024, 05:14[GMT+7]

Tất cả vì người bệnh

Thứ 2, 20/01/2020 | 18:24:50
1,463 lượt xem
Tết là dịp để mọi người nghỉ ngơi, sum vầy bên gia đình. Tuy nhiên, với đội ngũ y bác sĩ thì tết lại là những ngày vất vả, bận rộn hơn cả. Dù là thời khắc giao thừa hay trong những ngày đầu năm mới thì họ vẫn hết mình với công việc.

Các y bác sĩ Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thường xuyên túc trực trong những ngày tết.

Đối với nhiều bệnh nhân, việc đón giao thừa ở bệnh viện là một điều bất đắc dĩ nhưng đối với các bác sĩ, việc đón giao thừa ở bệnh viện gần như đã trở thành thông lệ. Công tác trong ngành Y đã 10 năm thì có tới 7 năm liền bác sĩ Lê Hồng Đăng, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đón giao thừa tại bệnh viện. Ngày tết, các bộ phận trực phòng khám, cấp cứu, phòng mổ là vất vả nhất vì các ca tai nạn hay bệnh lý bất thường như viêm ruột thừa, đột quỵ hay tai nạn giao thông... có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Bác sĩ Lê Hồng Đăng cho biết: Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh luôn duy trì việc trực tết gồm 3 bác sĩ, 8 điều dưỡng viên. Với tâm lý luôn phải trực chiến đêm giao thừa, các bác sĩ tại đây luôn trong tư thế sẵn sàng cứu chữa cho bệnh nhân. Bệnh tật thì không thể chờ qua tết, có những trường hợp phải mổ cấp cứu ngay trong thời khắc giao thừa. Các bệnh nhân đến cấp cứu trong những ngày tết chủ yếu liên quan đến tai nạn giao thông hoặc ngộ độc thực phẩm. Nếu như ngày thường, Khoa đón tiếp khoảng từ 150 - 180 bệnh nhân, trong đó 60% là tai nạn thương tích thì trong những ngày tết, số lượng bệnh nhân gấp 2 - 3 lần. Riêng các bệnh nhân liên quan đến tai nạn giao thông tăng 40% so với ngày thường. Thông thường, số lượng bệnh nhân tăng nhanh bắt đầu từ ngày 27 đến khoảng ngày 29 tết. Tuy nhiên, chúng tôi luôn phải duy trì các kíp trực 24/24 giờ. Vì thế, 100% kíp trực đón giao thừa ở bệnh viện. Tâm lý người bệnh rất dễ bức xúc trong những ngày tết nên đòi hỏi khâu phục vụ của các bác sĩ cũng phải tận tâm, tận lực hơn so với ngày bình thường. Có năm, mải cấp cứu cho bệnh nhân, lúc nhìn lên đồng hồ thì đã qua giao thừa từ lúc nào. Với tôi, động lực sau những đêm trực dài hay những cái tết không có thời gian để sum vầy với gia đình, đó chính là những ca mổ cấp cứu thành công, là những lời cảm ơn của người nhà bệnh nhân khi biết người thân của mình đã qua cơn nguy kịch.


Đã quá quen với những cái tết phải đón giao thừa tại đơn vị, ông Đặng Trung Nhã, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Thái Bình luôn cố gắng, nỗ lực để không xảy ra sự cố về chuyên môn trong ngày tết. Ông Nhã cho biết: Ngày tết, cán bộ tại Trung tâm Y tế thành phố túc trực không khác gì ngày thường, thậm chí cần phải tập trung hơn. Những người không trong kíp trực cũng luôn phải giữ tâm thế chủ động, luôn trực điện thoại để đề phòng các trường hợp khẩn cấp, cần huy động nhân lực. Những ngày tết, hầu như người dân vẫn còn thói quen chúc tụng rượu, bia dẫn đến say xỉn, gây ra tai nạn, va quệt, xô xát. Vì vậy, các cán bộ y tế còn là những tuyên truyền viên tích cực hướng dẫn người dân cách phòng bệnh trong dịp tết, chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm... Dù biết sự vắng mặt của người chồng, người cha trong đêm giao thừa là sự thiệt thòi cho cả gia đình nhưng tôi vẫn vui vẻ chấp nhận vì sự an toàn của người bệnh và trách nhiệm của mình với cộng đồng.


Nếu như cán bộ, y bác sĩ tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện vô cùng bận rộn với lịch trực tết bởi số lượng bệnh nhân đông, thì cán bộ, y bác sĩ của các trạm y tế xã cũng phải “căng mình” túc trực. Trạm Y tế xã Minh Quang (Vũ Thư) có 6 cán bộ, nhân viên, trong đó có 1 bác sĩ. Trước tết, Trạm xây dựng kế hoạch và phân công ca trực, chuẩn bị đầy đủ vật tư y tế để sẵn sàng phục vụ bệnh nhân khi cần thiết. Mỗi ngày, Trạm duy trì 2 cán bộ trực 24/24 giờ. Cán bộ khác tuy được thay nhau nghỉ nhưng điện thoại luôn phải giữ thông suốt, trường hợp khẩn cấp triệu tập phải có mặt ngay. Bác sĩ Bùi Đình Chung, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Minh Quang chia sẻ: Tôi nhớ đêm 30 tết năm 2010, khoảng gần giao thừa, Trạm tiếp nhận 1 bệnh nhân bị ngộ độc rượu. Ngay lập tức, chúng tôi đã phải sơ cấp cứu ban đầu rồi chuyển lên bệnh viện tuyến trên. Minh Quang cũng là xã gần bệnh viện huyện nên việc di chuyển bệnh nhân khá thuận tiện. Trong đêm 30 tết, chuyện sum họp gia đình thì ai cũng muốn nhưng vì nhiệm vụ nên chúng tôi xác định việc trực là trách nhiệm, luôn duy trì 24/24 giờ. Mình có thể giúp được người khác thì mình cũng vui lây. Đấy cũng là một sự động viên cho mình.
Để kịp thời cứu chữa cho các bệnh nhân trong những ngày tết, cán bộ, y bác sĩ ở các bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế cơ sở luôn phải chấp nhận hy sinh nhiều thứ, trong đó có niềm vui sum vầy bên gia đình, người thân. Với họ, nụ cười, cuộc sống của mỗi bệnh nhân là sự động viên, khích lệ lớn nhất, giúp họ vượt qua khó khăn để tô thắm thêm sắc xuân cho đời.

Thu Hoài