Thứ 3, 21/05/2024, 11:04[GMT+7]

Giao thừa muộn

Thứ 4, 22/01/2020 | 17:35:19
1,727 lượt xem
Giao thừa là thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Khi ấy, mọi người đều tạm gác lại công việc để quây quần bên những người thân trong gia đình. Thế nhưng, thay vì ngắm pháo hoa, đi hái lộc, hân hoan phút giây đón chào năm mới, nhiều phóng viên và những người làm công tác tuyên truyền ở cơ sở phải thức trắng đêm 30 tết để kịp thời chuyển tải những thông tin mới nhất phục vụ nhân dân.

Phóng viên, kỹ thuật viên Báo Thái Bình làm việc trong đêm 30 tết.

Hơn 30 năm làm việc tại Đài Truyền thanh xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Phụ) cũng là từng ấy thời gian ông Hoàng Văn Phiêu không đón giao thừa bên gia đình, người thân của mình. Với đặc thù công việc nên ông và 2 cán bộ Đài luôn phải thay phiên nhau túc trực trong những ngày tết, đặc biệt là đêm 30 tết, để phản ánh kịp thời tình hình vui tết đón xuân của bà con địa phương. Kế hoạch tuyên truyền cho những ngày tết được chuẩn bị trước đó 1 tháng. Riêng ngày 30 tết, Đài xã phải trực phát sóng 24/24 giờ. Khối lượng công việc gấp 2, gấp 3 lần ngày thường nên cán bộ Đài luôn phải nỗ lực, linh hoạt để xử lý thông tin. Ông Phiêu chia sẻ: Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 30 tết là chúng tôi thay nhau về các thôn, xóm nắm bắt tình hình bà con để kịp thời phản ánh trên đài xã. Khoảng từ 17 giờ đến thời khắc giao thừa là thời điểm khối lượng công việc nhiều nhất cũng là lúc bà con luôn háo hức đón nghe các chương trình tết đặc biệt nên tôi luôn phải túc trực tại Đài, không có thời gian bên gia đình. Hơn nữa, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới là vô cùng thiêng liêng, nếu để xảy ra bất cứ một trục trặc nào sẽ làm cho của bà con không phấn khởi. Thông thường, khoảng 1 giờ sáng ngày mùng 1 tết tôi mới về đến nhà, lúc ấy mới thắp hương ban thờ tổ tiên, ăn bữa cơm tất niên muộn cùng gia đình. Vất vả là thế nhưng chỉ khi nào không còn sức khỏe tôi mới “giải nghệ”.


Để những thông tin nóng hổi chuyển tải kịp thời, liên tục và thông suốt tới bạn đọc trong đêm giao thừa, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên thay nhau trực, tác nghiệp 24/24 giờ. Đối với những phóng viên nam, công việc đêm giao thừa đã đòi hỏi nhiều thời gian, công sức; đối với phóng viên nữ, khó khăn ấy lại càng nhân lên gấp bội, nếu không có nhiệt huyết, đam mê với công việc thì không thể làm được. Với họ, được chuyển tải thông tin trong dịp tết đến với công chúng để mọi người dân vui xuân trọn vẹn luôn là mục tiêu hàng đầu. Chị Nguyễn Thu Thủy, phóng viên Đài TTTH huyện Đông Hưng chia sẻ: Là phóng viên nữ nên tôi luôn phải cân đối việc nhà với việc cơ quan, đặc biệt là thu xếp các công việc trong ngày 30 tết. Trước đó, tôi đã chủ động mua sắm đồ tết cho gia đình để đến đêm 30 tết có thể bảo đảm công việc cơ quan thông suốt, kịp thời phản ánh thông tin đến người dân.


Chị Phạm Thị Thúy Hà, Giám đốc Đài TTTH huyện Đông Hưng cho biết: Mặc dù phải lo toan nhiều việc trong gia đình nhưng với chức năng, nhiệm vụ của mình, tôi vẫn phải đặt công việc của cơ quan lên trên hết. Vào đêm 30 tết hàng năm, tôi sẽ phân công các phóng viên, kỹ thuật viên trực phát sóng và viết tin, bài, điều phối các công việc sao cho hợp lý nhất. Mỗi bộ phận sẽ phụ trách từng công việc khác nhau như: cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện đi kiểm tra, động viên, tặng quà bà con vui tết, đón xuân; phản ánh không khí vui tết, đón xuân của nhân dân trong huyện; tình hình an ninh trật tự trước, trong và sau giao thừa... Nếu năm nào có kế hoạch tường thuật giao lưu văn nghệ hoặc bắn pháo hoa, tôi sẽ phân công anh em bố trí máy móc từ chiều 30 tết, luân phiên thay ca cho nhau. Chương trình phát thanh đặc biệt vào thời điểm giao thừa của Đài TTTH huyện Đông Hưng thường sẽ kéo dài khoảng 1 tiếng 30 phút, bắt đầu từ 23 giờ ngày 30 tết.

Phát thanh viên Đài TTTH Đông Hưng luôn túc trực để kịp thời chuyển tải thông tin đến người dân.


Trong không khí rộn ràng chờ đón thời khắc chuyển giao năm mới, đội ngũ phóng viên, biên tập viên và kỹ thuật viên các cơ quan báo chí, thông tin tuyên truyền vẫn tất bật thực hiện các chương trình truyền hình, phát thanh, báo mạng điện tử, từ tác nghiệp ngoài hiện trường đến việc thu âm, lên hình, trực phát sóng... Đối với những phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên Đài PTTH Thái Bình thì những ngày tết lại càng tất bật hơn bởi họ thường xuyên phải “thức cùng sự kiện”. Nếu như ngày thường, thời lượng của các chương trình là 18 tiếng (từ 5 giờ 30 phút đến 23 giờ 30 phút) thì đêm 30 tết, chương trình thường kéo dài thêm 2 - 3 tiếng, tùy thuộc theo nội dung chương trình mỗi năm. Thời lượng phát sóng tăng, chương trình cũng đòi hỏi phải hấp dẫn hơn nên đội ngũ những người làm báo hình ở đây phải “căng mình” với công việc. Vào tối ngày 30 tết, đội ngũ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên phải túc trực thường xuyên tại đơn vị và bám nắm cơ sở, kịp thời chuyển tải những tin tức nóng hổi đến với người dân. Chương trình truyền hình đêm giao thừa đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân Thái Bình. Phóng viên Phạm Khánh Giang, Đài PTTH Thái Bình chia sẻ: Việc sản xuất một tác phẩm truyền hình gồm nhiều khâu, đòi hỏi đội ngũ phóng viên chúng tôi cần tập trung cao độ để xử lý thông tin nhanh chóng, chính xác. Có những năm tôi trực tại cơ quan, có năm tôi lại phải trực tiếp ra hiện trường nên việc đón giao thừa ở cơ quan hoặc ở cơ sở thường xuyên hơn ở nhà. Tuy không được đón giao thừa cùng gia đình nhưng chúng tôi luôn cảm thấy phấn chấn khi vào mỗi giờ phút chuyển giao năm mới vẫn đang được hết mình cho công việc.


Có thể dễ dàng nhận thấy, việc mang những thông điệp mùa xuân đến sớm với độc giả, thính giả cũng đồng nghĩa với việc họ đón một cái tết muộn hơn bên cạnh gia đình. Với những người làm báo điện tử thì thông tin cũng phải được cập nhật kịp thời, nhanh chóng. Chia sẻ với chúng tôi, kỹ thuật viên Nguyễn Văn Thơi, Phòng Báo điện tử, Báo Thái Bình cho biết: Sau khi các phóng viên trực tiếp ghi hình tại hiện trường sẽ gửi tin, bài về tòa soạn. Lúc ấy, đội ngũ kỹ thuật viên chúng tôi phải tập trung cao độ để xử lý. Thường thì công việc kéo dài đến khoảng 4 - 5 giờ sáng ngày mùng 1 tết nhưng có những năm khối lượng công việc nhiều thì phải đến 8 - 9 giờ sáng ngày mùng 1 tết mới được nghỉ. Khi trở về nhà thì cũng là lúc mọi người trong gia đình và bà con hàng xóm tưng bừng đi chúc tết. Mặc dù đã nhiều năm nay không được đón giao thừa cùng gia đình và người thân nhưng bên cạnh tôi vẫn có các anh chị em đồng nghiệp cùng chia sẻ công việc cũng như giây phút giao thừa thiêng liêng.


Có thể nói, với những người làm báo, niềm vui đón chào năm mới của họ chỉ trọn vẹn khi các chương trình đã được kịp thời phát sóng, tin, bài đã được đăng tải, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.  Dù ở bất cứ vị trí công việc nào, họ cũng luôn nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Với họ, sự đam mê, nhiệt huyết với nghề luôn là động lực để họ cống hiến cho thính giả, độc giả những thông tin hữu ích nhất vào bất cứ thời điểm nào, đặc biệt ở thời khắc mùa xuân “gõ cửa”.

Thu Trang

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày