Thứ 6, 22/11/2024, 12:13[GMT+7]

ADB tài trợ 37,8 triệu USD phát triển điện mặt trời ở Việt Nam

Thứ 2, 27/01/2020 | 10:41:39
1,824 lượt xem
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa ký kết một thỏa thuận cho vay trị giá 37,8 triệu USD với Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển năng lượng TTC (Công ty Năng lượng TTC) để cung cấp nguồn tài trợ dài hạn cho việc xây dựng và vận hành một nhà máy điện mặt trời công suất 50 MW tại tỉnh Tây Ninh.

Ảnh minh họa.

Hỗ trợ của ADB cho Dự án điện mặt trời Gulf được cung cấp thông qua một cơ chế tài trợ dự án
sáng tạo, bảo đảm khả năng thu hút vốn của dự án, giúp thúc đẩy nguồn tài trợ thương mại cho một trong những giao dịch tài trợ dự án điện mặt trời quy mô lớn đầu tiên của cả nước.

Khoản vay này đánh dấu giao dịch đầu tiên trong phạm vi chương trình tài trợ “không song song” và giúp cải thiện khả năng thu hút vốn và tính khả thi tài chính của dự án, để cho phép các bên cho vay khác cung cấp nguồn vốn dài hạn bằng đồng USD cho dự án. Khoản vay loại B sẽ do Ngân hàng Bangkok, Ngân hàng thương mại Siam và Ngân hàng Standard Chartered (Thái Lan) cung cấp.

Ông Jackie B. Surtani, Trưởng Ban Tài trợ cơ sở hạ tầng, Vụ Hoạt động Khu vực tư nhân (ADB), chia sẻ: ADB rất hào hứng với giao dịch này bởi dự án sẽ có tác động to lớn tới tính bền vững và an ninh trong lĩnh vực năng lượng của Việt Nam trong những năm tới. Ngoài việc cung cấp nguồn vốn hết sức cần thiết để phát triển năng lượng mặt trời, dự án cũng sẽ giúp giảm những rủi ro được nhìn nhận đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo của Việt Nam.

Bà Yupapin Wangviwat, Giám đốc điều hành Công ty trách nhiệm hữu hạn đại chúng Phát triển Năng lượng Gulf (GED) bày tỏ tin tưởng với cơ chế tài trợ cạnh tranh và dài hạn do ADB hỗ trợ, nền tảng dự án sẽ vững chắc và dự án sẽ thành công như kế hoạch.

Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch gia tăng tỷ trọng của các nguồn năng lượng tái tạo, như thủy điện, quang điện, phong điện và năng lượng sinh khối, tính theo tỷ lệ phần trăm của tổng công suất lắp đặt, lên tới 21% vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu năng lượng đang gia tăng nhanh chóng và giảm tới 25% lượng phát thải khí nhà kính vào năm 2030.

Dự án sẽ xây dựng và vận hành nhà máy điện mặt trời công suất 50 MW cùng các công trình phụ trợ tại tỉnh Tây Ninh, nằm cách TPHCM 50 km về phía tây bắc. Nhà máy điện mặt trời sẽ đáp ứng trực tiếp nhu cầu về điện của người dân và doanh nghiệp tại TPHCM và các khu vực lân cận. Nó sẽ giúp giảm tới 29.760 tấn khí CO2 phát thải hằng năm vào năm 2020.

Theo baochinhphu.vn




Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày