Thứ 6, 22/11/2024, 15:29[GMT+7]

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia

Thứ 4, 26/02/2020 | 08:11:43
643 lượt xem
Ngày 25-2, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia chủ trì phiên họp của Hội đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ý kiến tại phiên họp.

Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao các ý kiến đóng góp tâm huyết, thẳng thắn, có cơ sở khoa học, trách nhiệm về kinh tế vĩ mô; đây là nguồn tư liệu quan trọng đầu vào để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các quyết sách cho điều hành phát triển kinh tế-xã hội (KTXH) trong bối cảnh đất nước và khu vực có nhiều khó khăn, nhất là dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng nước ta.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, “trong nguy có cơ” trong bối cảnh hiện nay; giao Ngân hàng Nhà nước khẩn trương tổng hợp các ý kiến, hoàn thiện các báo cáo của Hội đồng gửi Thủ tướng Chính phủ, đồng thời có báo cáo tóm tắt để đưa ra phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2.

Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần chung là chúng ta cần tăng cường công khai minh bạch, trong chính sách, chỉ đạo điều hành; lắng nghe các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, đề xuất kiến nghị nhất là các ý kiến sâu về chuyên môn, từ đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có quyết định triển khai. Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu ý kiến và dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ sản xuất, kinh doanh (SXKD), hỗ trợ phát triển.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam là một đất nước đang an toàn; kinh tế vĩ mô đang phát triển tốt; SXKD đang phát triển, xuất khẩu tốt; lạm phát không có vấn đề gì lớn; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; các cân đối lớn của nền kinh tế được mở rộng và giữ vững. Chính phủ đang thực hiện mục tiêu kép: không để dịch bệnh Covid-19 lây lan, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho nhân dân là quan trọng nhất; bảo đảm sự phát triển của đất nước, thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ phát triển KTXH mà Đảng, Quốc hội giao. Trong khó khăn phải vượt qua, quyết liệt, đồng bộ, cải cách mạnh mẽ, đồng tâm hiệp lực, thể hiện một niềm tin, sức mạnh Việt Nam để đưa đất nước tiến lên với đoàn kết và quyết tâm mới.

Thủ tướng khẳng định, đến nay, chưa có cơ sở để điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng, kinh tế vĩ mô. Chúng ta đang nỗ lực thực hiện điều này trong bối cảnh có nhiều trở ngại; cần hết sức thận trọng, không lạc quan, nhưng cũng không bi quan, trên cơ sở đó, xác định rõ, phân tích kỹ tình hình, xem xét các yếu tố tác động ảnh hưởng để có giải pháp đối phó phù hợp trên các lĩnh vực.

Vì vậy, phải quyết liệt chống dịch, nỗ lực vượt khó, tập trung thúc đẩy SXKD, bảo đảm các mục tiêu phát triển KTXH đã đề ra; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có kế hoạch, kịch bản đối phó tác động ảnh hưởng về KTXH do dịch bệnh gây ra. Cần tăng cường năng lực phân tích dự báo, ứng phó các biến động bên ngoài.

Trên cơ sở đó, Hội đồng thống nhất các giải pháp lớn: cần tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm pháp, ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tạo nền tảng cho phát triển bền vững; coi trọng xuất khẩu, đẩy mạnh nội nhu, đặc biệt là đầu tư công, đầu tư xã hội. Tạo niềm tin thị trường cho các nhà đầu tư. Cần thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm quốc gia; phát triển đô thị, giải tỏa các dự án bất động sản bị ách tắc, nhất là các dự án ở TP Hồ Chí Minh.

Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp - đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh; thúc đẩy cho vay vốn tín dụng tập trung vào các dự án SXKD hiệu quả, các lĩnh vực ưu tiên như năng lượng, hạ tầng, công nghiệp, chế biến, công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin. Các cấp, các ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tiếp tục thu hút đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp phát triển. Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh, cần coi trọng cả chống virus corona và chống “virus trì trệ” trong hệ thống chúng ta.

Thúc đẩy các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để vừa bù đắp thiệt hại, vừa giảm thiểu tác động do dịch bệnh Covid-19, trong đó coi trọng lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, ngành gỗ nội thất, xây dựng, thương mại, công nghệ thông tin; phát triển du lịch, dịch vụ, đón bắt thời cơ thời gian tới. Có giải pháp phù hợp bảo đảm nguồn nhân lực, lao động, bảo đảm các điều kiện bình thường ở khu vực doanh nghiệp, trong đó có vấn đề thiếu chuyên gia, lao động lành nghề tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, các doanh nghiệp.

Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống dịch, nhất là thúc đẩy kế hoạch hành động chung phòng, chống dịch trong thực hiện nhiệm vụ vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; thực hiện công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở những vùng có dịch. Việc chống dịch thành công là giải pháp quan trọng nhất để đất nước phát triển và tăng trưởng. Đẩy mạnh công tác truyền thông, giảm thiểu thông tin tiêu cực, hạn chế thông tin sai sự thật, ảnh hưởng tâm lý người dân, tác động tiêu cực; xử lý nghiêm sai phạm trong lĩnh vực này để bảo đảm xã hội phát triển ổn định.

Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày